+
Aa
-
like
comment

Sự cố tấn công mạng giảm tại Việt Nam, vì đâu?

02/04/2021 07:21

Các con số giám sát và đo lường an toàn không gian mạng tại Việt Nam trong quí I/2021 cho thấy, số vụ tấn công mạng giảm so với cùng kì năm 2020. Đây là một điểm sáng trong công tác bảo vệ an toàn không gian mạng quốc gia.

Tấn công mạng qua môi trường web. Ảnh minh họa: TĐTV
Tấn công mạng qua môi trường web. Ảnh minh họa: TĐTV

Sự cố tấn công mạng giảm 20%

Theo ghi nhận của Cục An toàn thông tin thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông, quí I/2021 đã xảy ra 1.271 cuộc tấn công mạng vào các hệ thống thông tin tại Việt Nam, giảm 20% so với quí I/2020.

Cụ thể hơn, trong số 1.271 cuộc tấn công mạng xảy ra, số vụ tấn công bằng malware (cài mã độc) là 623 sự cố, số vụ tấn công phishing (lừa đảo) là 449 sự cố và số vụ tấn công deface (tấn công thay đổi giao diện) là 199 sự cố.

Về số lượng địa chỉ IP Việt Nam nằm trong mạng “máy tính ma” botnet, quí I/2021 cũng ghi nhận giảm đến hơn 37% so với quí I/2020, và giảm 14,39% so với quý IV/2020.

Kết quả ghi nhận của Cục An toàn thông tin cũng có sự tương đồng với sự đo lường, giám sát của các tổ chức bảo mật quốc tế trước đó. Theo thống kê vừa được hãng bảo mật Kaspersky công bố, hệ thống giám sát Kaspersky Security Network (KSN) đã ghi nhận, số lượng mối đe dọa trực tuyến và ngoại tuyến tại Việt Nam giảm so với năm 2019, lần lượt là 14,2% và 27,8%.

Theo đó, từ tháng 1-12.2020, Kaspersky phát hiện 64.354.130 các mối đe dọa mạng khác nhau tại Việt Nam. Số liệu về mối đe dọa này được ghi nhận năm 2019 là 75.004.388. Tỉ lệ người dùng tại Việt Nam bị ảnh hưởng bởi mối đe dọa mạng trong năm 2020 là 39,1%, tương ứng vị trí thứ 19 trên toàn cầu năm 2020, giảm 2 bậc so với năm 2019.

Hoạt động trực tuyến gia tăng, các vụ tấn công và mối đe dọa lại giảm

Hãng bảo mật Kaspersky cho rằng, trong năm 2020, người dân Việt Nam phải làm việc tại nhà tăng cao vì ảnh hưởng đại dịch COVID-19. Tuy nhiên, kết quả số lượng mối đe dọa mạng giảm cho thấy nỗ lực không ngừng nghỉ của Việt Nam nhằm tạo ra không gian mạng an toàn.

Một trong những đóng góp lớn góp phần kéo giảm số sự cố tấn công mạng là từ phía các cơ quan nhà nước. Theo đó, các bộ ngành, địa phương thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, 100% đã hoàn thành cơ bản việc triển khai các Trung tâm Giám sát và Điều hành an toàn an ninh mạng và kết nối với hệ thống của Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia (National Cyber Security Center – NCSC).

Bước vào thời kì chuyển đổi số và xu thế Công nghiệp 4.0, không chỉ hệ thống các cơ quan nhà nước mà khối doanh nghiệp, các tổ chức xã hội cũng nâng cao nhận thức và đề cao công tác chuẩn bị; nghiên cứu và đưa vào sử dụng các công nghệ mới như AI, Big Data, Machine Learning để tăng cường rà quét các mối đe dọa, phòng vệ và tự phản ứng.

Người dùng đầu cuối liên tục được các phương tiện truyền thông cảnh báo, cho nên cũng nắm được thông tin và phòng tránh.

Một minh chứng sinh động là trong làn sóng phát tán tin nhắn SMS lừa đảo diễn ra trước Tết Nguyên đán Tân Sửu, được ông Nguyễn Hữu Nguyên – Phụ trách Phó giám đốc Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp không gian mạng Việt Nam (VNCERT/CC) – cho biết: Đợt đầu có tới 57 khách hàng của một ngân hàng khai báo đã đăng nhập vào đường link lừa đảo của tin tặc.

Tuy nhiên sau đó, khi các phương tiện truyền thông thông tin rộng rãi và cảnh báo, số nạn nhân đợt 2 chỉ còn 7 người, và đợt 3 chỉ còn có 3 người mắc bẫy.

Thế Lâm

Bài mới
Đọc nhiều