+
Aa
-
like
comment

Sự cố metro số 1 có tính hệ thống?

17/01/2021 06:31

Hai sự cố liên tiếp liên quan đến gối cao su của tuyến metro 1 (TP.HCM) khiến nhiều chuyên gia nghi ngờ đây không chỉ là vấn đề đơn lẻ như nhận định của nhà thầu.

metro anh 1
Sự cố metro số 1 có tính hệ thống?

Trong khi nguyên nhân sự cố làm trượt gối dầm metro số 1 (Bến Thành – Suối Tiên) xảy ra vào cuối tháng 10/2020 chưa được làm rõ, một gối cao su khác vừa được phát hiện xê dịch 5 cm. Đến nay, các nhận định từ hội đồng khoa học vẫn đang nghiêng về góc độ sai sót kỹ thuật thay vì chất lượng gối cao su.

Nhiều người đặt lo ngại rằng việc dịch chuyển vị trí này tiềm ẩn nguy cơ trượt gối tương tự. Thậm chí, nhà thầu sẽ phải đánh giá lại vấn đề khi sự cố không dừng lại ở 2 gối cầu hiện tại.

Cần mời đơn vị kiểm định độc lập

Tiến sĩ Phan Quốc Bảo, giảng viên Bộ môn Cầu hầm, Đại học Giao thông Vận tải TP.HCM, nhận định việc phát hiện thêm một gối bị dịch chuyển tồn tại những bất thường. Tuy điều này chưa đủ để nói sự cố có tính hệ thống nhưng sẽ là cảnh báo đỏ cho các nhà quản lý.

The ông, trong kết cấu đường sắt, độ chênh cao giữa 2 ray được kiểm soát rất nghiêm ngặt, sai số chênh cao này tính bằng mm. Do đó, nếu sự cố xảy ra trong quá trình khai thác thì hậu quả sẽ rất nghiêm trọng.

“Có lẽ đến lúc này, chủ đầu tư cần mời một đơn vị kiểm định độc lập để đánh giá toàn diện chứ không thể chờ đợi giải trình từ nhà thầu”, tiến sĩ Bảo nêu quan điểm.

metro anh 2
Vị trí gối cao su được phát hiện bị lệch. Ảnh: T.T.

Vấn đề lỗi sự cố mang tính hệ thống hay cục bộ cũng là câu hỏi được hội đồng khoa học thận trọng đặt ra khi chất vấn nhà thầu.

Trao đổi với PV, ông A. một thành viên của tổ chuyên gia điều tra (không muốn nêu tên) nhận định khi nói sự cố có tính hệ thống tức vấn đề sẽ cực kỳ nghiêm trọng.

Ông cho rằng nếu phải thay toàn bộ dầm do sự cố xảy ra nhiều hơn 2 vị trí sẽ rất tốn kém về tiền bạc lẫn thời gian khi hệ thống đường ray đã hoàn tất lắp ráp như hiện nay. Bởi muốn thực hiện, nhà thầu sẽ phải dỡ toàn bộ đường ray đã lắp mới có thể kích dầm lên để thay mới gối. Do đó, ông A. đánh giá thiệt hại về tiền khó ước tính nhưng sẽ ảnh hưởng rất lớn đến tiến độ chung.

Đầu tháng 1, nhà thầu liên danh SCC thực hiện kiểm tra đồng loạt đối với hệ thống dầm trên công trình đoạn ga trên cao. Đơn vị này kịp thời phát hiện gối cao su tại cầu cạn VD12-34 trong tình trạng đã dịch chuyển vị trí và có báo cáo đến chủ đầu tư là Ban Quản lý đường sắt đô thị TP.HCM (MAUR). Ngay sau đó, nhiều buổi họp bàn đã diễn ra với sự tham gia của tập thể nhà thầu, MAUR, hội đồng khoa học gồm các nhóm chuyên gia để bắt tay vào tìm hiểu nguyên nhân.

Nguyên nhân dẫn đến sự cố ở metro 1

Từ nhận định ban đầu, thành viên của tổ chuyên gia điều tra chỉ ra chất lượng gối cao su và thi công tiếp giáp giữa các mặt gối cao su không đảm bảo là 2 khả năng gây ra sự cố trượt gối. Do đó, nhà thầu và hội đồng khoa học vẫn đang làm các bước thí nghiệm gối để xem khả năng biến dạng trượt của các gối này.

metro anh 3
Gối cao su tại vị trí VD12-34 được tháo dỡ. Ảnh: T.T.

Chuyên gia A. lý giải khả năng biến dạng trượt xuất phát từ việc nhiệt độ tăng lên đến đâu, dầm sẽ bị đẩy ra đến đó. Nếu gối làm việc tốt thì gối sẽ biến dạng theo sự dịch chuyển của dầm. Ngược lại, nếu gối không biến dạng thì khi dầm bị trượt đẩy, gối cũng sẽ bị trượt theo và dần dần rớt xuống.

“Như vậy, chất lượng gối không phụ thuộc vào trọng lượng gối nhẹ hay nặng, mà việc gối biến dạng được hay không. Do đó, chúng ta sẽ đánh giá ở góc độ 2 gối khác nhau về chỉ tiêu kỹ thuật như thế nào”, ông A. phân tích. Ông cho biết thêm gối này cũng không thể bị xẹp, bị bẹp vì cấu tạo bên trong gối là rất nhiều lớp cao su, thép, bê tông xen kẽ nhau.

Khả năng thứ 2 được vị chuyên gia đề cập là trường hợp gối vẫn đảm bảo đúng kỹ thuật và không xảy ra vấn đề thì sự cố trượt có thể do tiếp xúc giữa mặt gối – mặt dầm với mặt gối – mặt đá kê gối không đảm bảo.

Đồng quan điểm, tiến sĩ Phan Quốc Bảo nhận định 2 nguyên nhân kể trên sẽ cùng cho một kết quả tương tự.

Nhưng theo đánh giá ban đầu, ông Bảo cho rằng chất lượng gối không phải vấn đề, mà là việc tiếp xúc đáy dầm với đá kê gối không đảm bảo. Tuy nhiên, đây chưa phải kết luận mà vẫn cần thêm thử nghiệm, kiểm tra để có phán đoán chính xác.

Mặt khác, tiến sĩ Phan Quốc Bảo cho biết hiện tượng trượt gối không phải là hy hữu trong xây dựng. Chuyên gia dẫn chứng các kết quả nghiên cứu ứng xử động của gối cầu cũng ghi nhận nhiều trường hợp gối bị xê dịch ra khỏi vị trí ban đầu. Đó là khi chịu những tải trọng động khá lớn từ trên xuống (do hoạt tải xe), hoặc từ dưới lên (do động đất, đứt gãy kiến tạo…). Tuy nhiên, tại dự án này, các tác động trên đều chưa xuất hiện.

metro anh 4
Vị trí gối cao su bị trượt hồi tháng 10/2020. Ảnh: Duy Hiệu.

Tiến sĩ Phan Quốc Bảo đồng thời cho biết tĩnh tải của kết cấu nhịp cầu là rất lớn, nên việc trọng lượng gối cầu giảm đi 9 kg không phải tác nhân hiện tượng trượt gối cầu khỏi đá kê.

“Trong xây dựng nói chung, trọng lượng các bộ phận công trình có sai lệch nhỏ so với thiết kế không phải bất thường. Các kỹ sư thường xác định tĩnh tải theo trọng lượng riêng danh định của vật liệu, giá trị thực tế của đại lượng này có sai khác so với các giá trị trong tiêu chuẩn…”, tiến sĩ Bảo cho hay.

Chuyên gia này giả sử trong thời gian tới có thêm một số gối trên công trình xê dịch, sai hỏng tương tự thì nhà thầu có thể phải cân nhắc dừng ngay việc thi công để kiểm tra lại toàn diện, từ khâu thiết kế đến thi công.

Theo ông, nếu chỉ dựa vào hiện tượng gối bị dịch chuyển để kết luận gối kém chất lượng sẽ không chính xác. Dưới góc độ chuyên môn, ông nhận định sự cố này còn có thể xuất phát từ khâu thiết kế và thi công dầm. Dầm cầu có kích thước khá lớn, nếu có sai sót về lực căng cáp trong quá trình thi công dầm, hoặc sai sót do co ngót không đều của bê tông dầm… sẽ dẫn đến việc dầm bị xoắn vênh. Những gối tại góc dầm bị vênh lên sẽ không tiếp xúc với đáy dầm.

“Nếu đặt gối cầu nằm tự do trên trụ cầu thì khi gối bị rung động do tác động của giao thông đường bộ bên dưới, nó sẽ rơi ra”, tiến sĩ Phan Quốc Bảo phân tích thêm.

Trước đó, gối cao su bị trượt khỏi đá kê ban đầu xảy ra tại vị trí trụ P14-10 thuộc phân đoạn cầu cạn VD14 (hướng tuyến Bến Thành đi Suối Tiên).

Vào tháng 11/2020, đại diện nhà thầu liên danh SCC đưa nhận định ban đầu và xác định sự cố này chỉ xảy ra tại vị trí đơn lẻ. Tuy nhiên đến nay, sự cố bị nghi ngờ không chỉ dừng lại cục bộ khi nhà thầu tiếp tục phát hiện một gối cao su bị xê dịch chưa rõ nguyên nhân.

“Metro số 1 chắc chắn sẽ chậm trễ”Ông Huỳnh Hồng Thanh, Phó ban quản lý đường sắt đô thị TP.HCM, nhận định sau sự cố trượt gối dầm hồi tháng 10/2020, tiến độ metro số 1 chắc chắn sẽ chậm trễ. Song, ông Thanh cho biết để bù lại, tiến độ rút ngắn ở các bước sau.

“Chúng tôi đặt vấn đề an toàn của tuyến metro lên trên hết. Mọi đánh giá lúc này đều phải dựa trên thông số có tính toán khoa học, chính xác nhất. Khi có đầy đủ dữ liệu, chúng tôi mới có thể đưa ra kết quả. Tập thể MAUR và nhà thầu đang nỗ lực để đưa ra nguyên nhân sớm nhất”, ông Huỳnh Hồng Thanh nói với PV.

Thư Trần/ ZF

Từ khóa:
Bài mới
Đọc nhiều