+
Aa
-
like
comment

Sự cố khiến tiêm kích Mỹ phóng sạch loạt tên lửa hơn 4 triệu USD

27/09/2020 08:10

Chiếc F-15C phải phóng hết cơ số tên lửa mang theo xuống biển khi gặp sự cố càng đáp hồi năm 2019, theo báo cáo của không quân Mỹ.

Chiếc F-15 hạ cánh khẩn cấp tại sân bay quốc tế Portland hôm 20/2/2019. Ảnh cắt từ clip

Tiêm kích F-15C thuộc Không quân Vệ binh Quốc gia Mỹ hạ cánh khẩn cấp xuống sân bay quốc tế Portland do gặp trục trặc với hệ thống càng đáp ngay sau khi cất cánh hôm 20/2/2019. Sự cố buộc phi công phóng toàn bộ số tên lửa trị giá trên 4,5 triệu USD xuống biển, trong khi không quân Mỹ tốn hơn 400.000 USD để sửa chữa phi cơ, theo báo cáo điều tra được công bố hồi giữa tuần.

Chiếc F-15C gặp sự cố mang mã số 78-0473 và hô hiệu “Rock 42”, loại hô hiệu thường được dùng cho những tiêm kích làm nhiệm vụ trực chiến và được lắp đầy đủ cơ số tên lửa. Tiêm kích này và một chiếc F-15C khác có kế hoạch diễn tập cất cánh khẩn cấp và huấn luyện không chiến với 8 tiêm kích F-15C trong ngày hôm đó.

Dù có kế hoạch làm nhiệm vụ huấn luyện, Rock 42 vẫn được trang bị cơ số vũ khí trực chiến gồm 4 tên lửa đối không tầm trung AIM-120C, hai tên lửa đối không tầm ngắn AIM-9X, 940 viên đạn cỡ 20 mm cho pháo M61 Vulcan, 48 mồi bẫy nhiệt MJU-10B và hai thùng dầu phụ dưới cánh.

“Quá trình chuẩn bị dưới mặt đất diễn ra bình thường”, báo cáo sự cố của không quân Mỹ có đoạn viết. Biên đội hai chiếc F-15C gồm Rock 41 và Rock 42 xuất phát từ sân bay quốc tế Oregon lúc 8h28 để mô phỏng nội dung cất cánh khẩn cấp.

Không lâu sau đó, phi công trên Rock 42 phát hiện hệ thống báo lỗi không thu được càng chính bên trái và phải duy trì tốc độ dưới 400 km/h để không gây hỏng càng. Người này thông báo cho đồng đội và kiểm soát không lưu, sau đó yêu cầu phong tỏa vùng trời xung quanh để tập trung giải quyết sự cố.

Phi công Rock 42 thực hiện quy trình khắc phục sự cố bằng cách thả và thu toàn bộ cụm càng đáp, nhưng đồng đội bay cùng thông báo càng chính bên trái vẫn ở vị trí thả, không thu được vào trong thân máy bay.

Rock 42 sau đó tuyên bố tình trạng khẩn cấp và chuẩn bị cho quá trình hạ cánh khẩn tại sân bay quốc tế Portland. “Quy trình khẩn cấp yêu cầu tổ lái thả toàn bộ vũ khí và mồi bẫy trước khi hạ cánh. Kiểm soát không lưu sau đó chỉ dẫn phi công tới khu vực trên biển để chuẩn bị vứt bỏ vũ khí”, báo cáo có đoạn viết.

Chiếc F-15C phóng toàn bộ 48 quả đạn mồi bẫy MJU-10/B mà không gặp vấn đề. Phi công duy trì liên lạc với lực lượng kỹ thuật mặt đất và chuyên gia từ nhà sản xuất Boeing để xác định nguyên nhân sự cố, cũng như cách xử lý số vũ khí trên máy bay.

Lần thu và thả càng thứ hai cũng không mang lại kết quả, nhưng đồng đội của Rock 42 phát hiện dầu thủy lực phun ra và phủ kín càng trái máy bay. Phi công chiếc F-15C gặp sự cố cho biết hệ thống thủy lực vẫn hoạt động bình thường, nhưng chuyên gia của Boeing cảnh báo nguy cơ sập càng khi tiếp đất.

Vào thời điểm này, nhiên liệu trên Rock 42 cũng dần cạn. Chỉ huy bay điều một máy bay tiếp dầu KC-135R mang hô hiệu Expo 91 tới hỗ trợ. Tuy nhiên, có nhiều lo ngại rằng chiếc F-15C bị kẹt càng không thể bay đủ nhanh để tiếp cận và nhận dầu từ Expo 91.

Đồng đội của Rock 42 thử thả càng và tiếp dầu từ Expo 91 với tốc độ 425 km/h để bảo đảm động tác này có thể thực hiện an toàn. Nỗ lực này thành công, cho phép cả hai phi cơ tiếp dầu từ chiếc KC-135R, trong lúc lực lượng mặt đất vạch kế hoạch xử lý các tên lửa trên máy bay.

“Các kỹ thuật viên thông báo máy bay sẽ cần tuyến bắn dài 75 km, rộng 22 km ở độ cao tối thiểu để phóng đạn”, báo cáo của không quân Mỹ cho hay.

Mây mù ngoài khơi bờ biển Oregon khiến đồng đội của Rock 42 không thể kiểm tra không phận và mặt biển để bảo đảm không có phương tiện dân sự trong tuyến bắn. Kiểm soát không lưu và dữ liệu theo dõi hàng hải sau đó xác nhận khu vực trống trải, cho phép Rock 42 phóng đạn xuống biển.

“Trong lượt bổ nhào đầu tiên, phi công thả tên lửa AIM-120C ở giá treo số 3 và 7 ở hai bên thân máy bay. Biên đội trưởng chứng kiến hai quả đạn tách khỏi phi cơ và rơi xuống biển, sau đó đánh dấu tọa độ”, báo cáo có đoạn viết.

Rock 42 sau đó phóng hai quả đạn AIM-120C xuống biển trong lượt bổ nhào thứ hai và hai quả AIM-9X trong lượt thứ ba. Phi công điều khiển máy bay trở lại vị trí phi cơ KC-135R và tiếp dầu một cách bình thường. 940 viên đạn của pháo M61 vẫn còn nguyên, do kỹ thuật viên đánh giá chúng không gây nguy hiểm khi hạ cánh.

Báo cáo không cho biết lý do Rock 42 thả tự do hai quả đạn AIM-120C đầu tiên, trong khi 4 quả đạn còn lại phải khai hỏa như chiến đấu. Một số chuyên gia nhận định 4 tên lửa này được lắp ở giá treo phía trên thùng dầu phụ, khiến chúng không thể thả tự do như các quả đạn gắn bên thân.

Tiêm kích F-15C của Phi đoàn số 142 cất cánh với đầy đủ cơ số vũ khí trực chiến. Ảnh: USAF.
Tiêm kích F-15C của Phi đoàn số 142 cất cánh với cơ số vũ khí trực chiến. Ảnh: USAF.

Chiếc F-15C gặp nạn sau đó trở về sân bay quốc tế Portland, tiếp đất an toàn và nhanh chóng dừng trên đường băng nhờ cụm móc hãm đà BAK-12 và hệ thống dây hãm lắp đặt tại sân bay.

Tuy nhiên, trong quá trình hãm đà, phi công làm mũi máy bay đột ngột bốc lên khoảng 30 cm so với đường băng, khiến móc hãm đà bị giật mạnh và kéo theo cáp hãm bằng thép. “Cáp hãm đập vào cánh đuôi ngang và chót đuôi bên trái, cũng như cửa xả khí của hai động cơ và cụm ăng ten gây nhiễu ở cánh đuôi bên phải, khiến những bộ phận này bị hư hỏng”, báo cáo cho hay.

Lực lượng cứu hộ nhanh chóng tiếp cận máy bay gặp nạn và đưa nó về nhà chứa để đánh giá thiệt hại.

Nguyên nhân dẫn đến sự cố và phương án khắc phục đã bị bôi đen trong báo cáo. Không quân Mỹ xếp sự việc này vào nhóm C, bao gồm các sự cố gây thiệt hại 50.000-500.000 USD và không gây thương vong nhưng khiến binh sĩ không thể làm nhiệm vụ trong vài ngày.

Báo cáo tiết lộ mức độ thiệt hại của chiếc F-15C là 418.280 USD, trong đó mọi linh kiện hư hỏng đều có thể sửa chữa. Con số này chưa bao gồm chi phí của 6 tên lửa và 48 mồi bẫy nhiệt.

Báo cáo ngân sách của Lầu Năm Góc cho biết mỗi quả AIM-120C có giá khoảng một triệu USD. Không rõ hai quả đạn AIM-9X là phiên bản nào, những chiếc F-15C có thể sử dụng mẫu AIM-9X Block I có giá 250.000 USD/quả hoặc Block II với chi phí 408.000 USD/quả. Mỗi quả đạn mồi bẫy MJU-10/B có giá 184 USD, đồng nghĩa với việc Rock 42 đã phóng số vũ khí trị giá ít nhất 4,5 triệu USD trong sự cố này.

Chiếc F-15C thuộc biên chế Không đoàn tiêm kích số 142, một trong những đơn vị bảo vệ bầu trời Mỹ trước các mối đe dọa. Họ liên tục duy trì trạng thái trực sẵn sàng chiến đấu, có thể cất cánh chỉ vài phút sau khi có lệnh để kiểm tra máy bay dân dụng gặp sự cố trên không, cũng như bắn hạ các phi cơ và tên lửa hành trình tấn công lãnh thổ Mỹ.

Vũ Anh (Theo Drive)

Bài mới
Đọc nhiều