Sự “cố chấp” của Chủ tịch Tập Cận Bình
Trang Reuters đưa tin, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ngày 13/4 tuyên bố nước này sẽ không nới lỏng các biện pháp kiểm soát và phòng ngừa đại dịch Covid-19.
Ông Tập Cận Bình cho biết Trung Quốc phải tiếp tục thực hiện chính sách chủ động loại trừ Covid-19 một cách chặt chẽ, trong khi cố gắng giảm thiểu tác động của các biện pháp phòng dịch với kinh tế và xã hội.
Quyết định được đưa ra trong bối cảnh thành phố Thượng Hải – “trung tâm tài chính” của Trung Quốc – đang phải đối mặt với đợt dịch lớn chưa từng có, với hơn 25.000 ca mắc mới trong ngày được ghi nhận. Đây cũng là đợt dịch lớn nhất mà Trung Quốc phải đối mặt kể từ khi các ca bệnh đầu tiên được ghi nhận tại Vũ Hán vào cuối năm 2019.
Khác với đa số quốc gia trên thế giới, Trung Quốc vẫn quyết tâm theo đuổi mục tiêu “Zero Covid-19” và áp dụng các biện pháp nghiêm ngặt để phòng dịch. Ngày 13/4, chính quyền Thượng Hải tuyên bố bất cứ ai vi phạm lệnh phong tỏa do Covid-19 sẽ bị trừng phạt nghiêm khắc.
“Những ai vi phạm sẽ bị đối xử nghiêm khắc dựa theo quy định của cơ quan công an. Nếu cấu thành hành vi tội phạm, họ sẽ bị điều tra theo pháp luật”, cơ quan công an Thượng Hải ra thông cáo.
Nếu các biện pháp phong tỏa phát huy hiệu quả và Thượng Hải kiểm soát thành công làn sóng dịch hiện tại, Trung Quốc có thể bước vào thời kỳ phong tỏa cục bộ và thường xuyên.
Tuy nhiên, SCMP cho rằng cuộc phong tỏa ở Thượng Hải dường như đang tạo ra một nghịch lý. Dữ liệu chính thức cho thấy biến chủng Omicron không gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người dân, phần lớn ca nhiễm không có triệu chứng, và chưa có bất kỳ ca tử vong nào vì Covid-19 được ghi nhận trong thành phố.
Nhưng các biện pháp kiểm soát dịch hà khắc, với mục đích được tuyên truyền rộng rãi là bảo vệ cuộc sống và sức khỏe của người dân, đang khiến nhiều người chật vật, chưa kể đến những thiệt hại về kinh tế.
SCMP nhận định nếu mọi thứ diễn ra theo đúng kế hoạch của chính phủ, Thượng Hải sẽ thành công kiểm soát làn sóng dịch trong những tuần tới. Nhưng điều gì sẽ xảy ra tiếp theo vẫn là một câu hỏi lớn.
Thượng Hải có thể “nối gót” Thâm Quyến, yêu cầu người dân xét nghiệm như một thói quen hàng ngày, dù không rõ thời hạn kết thúc. Kinh nghiệm của thành phố trong việc ứng phó với biến chủng Omicron sẽ có ý nghĩa trên toàn quốc.
Trong những ngày đầu, giới chức Thượng Hải nỗ lực tránh phong tỏa toàn thành phố và xét nghiệm quy mô lớn. Nhưng chiến lược này hiện được coi là một thất bại hoàn toàn về mặt kỹ thuật, và thậm chí về mặt chính trị.
Quan điểm phổ biến ở Trung Quốc cho rằng thành phố 25 triệu dân này đã bỏ lỡ cơ hội hành động quyết đoán và nhanh chóng để thực thi chính sách “Zero Covid-19 linh hoạt”. Và đó là một bài học đắt giá.
Khi đợt bùng dịch lớn nhất ở Thượng Hải được kiểm soát, bất kỳ ai đặt câu hỏi về tính hiệu quả của chính sách “Zero Covid-19 linh hoạt” với biến chủng Omicron sẽ bị coi là chống đối.
Nhiều bài xã luận từ các phương tiện truyền thông nhà nước Trung Quốc đã kêu gọi chính quyền tiếp tục con đường đã chọn. Điều đó cho thấy nước này sẽ không thay đổi hướng đi trong tương lai gần.
Sự thất bại của Thượng Hải trong những ngày đầu sẽ được xem là bài học cho các quan chức địa phương ở những khu vực khác. Theo đó, họ cần phải “đón đầu” làn sóng dịch mới, bằng cách áp lệnh phong tỏa nhanh và xét nghiệm hàng loạt.
Quảng Châu, thành phố thủ phủ tỉnh Quảng Đông, là một minh chứng rõ ràng cho quan điểm này. Cuối tuần qua, giới chức Quảng Châu đã yêu cầu người dân xét nghiệm hàng loạt, sau khi ghi nhận một vài trường hợp mắc Covid-19.
Thành phố này cũng thắt chặt các hạn chế, đóng cửa các trường tiểu học và trung học cơ sở kể từ ngày 11/4, và chuyển sang học trực tuyến. Người dân địa phương được yêu cầu hạn chế rời thành phố nếu không cần thiết, và phải có kết quả xét nghiệm âm tính trong vòng 48 giờ để ra khỏi Quảng Châu. Theo thông báo của giới chức thành phố, những biện pháp này sẽ kéo dài ít nhất một tuần.
Kỷ nguyên phong tỏa
Trong thời gian tới, Trung Quốc có thể bước vào thời kỳ phong tỏa cục bộ và thường xuyên. Nhưng các cuộc phong tỏa sẽ không có quy mô lớn như ở Thượng Hải và Trường Xuân, thủ phủ tỉnh Cát Lâm ở phía đông bắc.
Nếu việc phong tỏa diễn ra trong thời gian ngắn và chỉ giới hạn trong một quận hoặc huyện cụ thể, phần còn lại của đất nước có thể tiếp tục hoạt động kinh doanh, song ngành du lịch vẫn sẽ bị kiểm soát nghiêm ngặt. Giai đoạn này chỉ có thể kết thúc khi thuốc điều trị Covid-19 được phổ biến rộng rãi, hoặc kế hoạch tiêm chủng toàn dân được hoàn tất.
Tuy nhiên, tác động lâu dài của việc phong tỏa nhiều lần khó đo lường và dự đoán hơn. Chẳng hạn, tầng lớp trung lưu giàu có của Trung Quốc có thể sẵn sàng di cư đến một quốc gia khác.
Theo đại diện Văn phòng Thương mại EU ở Trung Quốc, về lâu dài, các biện pháp chống dịch nghiêm ngặt sẽ khiến chính quyền đại lục gặp khó khăn trong việc giữ chân nhân tài.
Họ cũng lưu ý rằng yêu cầu kiểm dịch nghiêm ngặt, đặc biệt là trong thủ tục nhập cảnh, sẽ khiến nguồn nhân lực nước ngoài cẩn trọng hơn khi lựa chọn Trung Quốc, theo Reuters.
Thượng Hải vốn là một trung tâm của các doanh nghiệp nước ngoài, một phần nhờ cơ sở hạ tầng và văn hóa của thành phố.
Tuy nhiên, sau một thời gian phong tỏa nghiêm ngặt kéo dài, “mọi người đều choáng váng vì điều này đã xảy ra với Thượng Hải”, ông Joerg Wuttke, Chủ tịch Phòng Thương mại Liên minh châu Âu (EU) tại Trung Quốc, nhận định.
Bảo Trâm (Theo SCMP, Reuters)