Sự chủ quan sẽ làm dịch bệnh lan rộng
Đại dịch COVID-19 là biến cố, thảm họa y tế lớn nhất hàng trăm năm qua đối với nhân loại. Sau khi phải đối mặt với tình cảnh khó khăn, vượt ra ngoài tầm kiểm soát, nhiều quốc gia, nhiều người phải đau xót thừa nhận đã chủ quan, chưa nhận thức hết mức độ nguy hiểm của đại dịch do con virus vô hình Corona gây ra.
Tính đến thời điểm hiện tại, trên toàn thế giới có hơn 1,8 triệu người nhiễm và 114.208 người chết bởi COVID-19. Sự bùng phát dữ dội và càn quét của virus Corona ở hầu hết các quốc gia mà thời gian ngắn trước đó ít ai có thể dự đoán và tưởng tượng được sự nguy hiểm, tác động của nó đối với tính mạng, sức khỏe, cuộc sống con người.
COVID-19 bùng phát mạnh và chưa thể dự đoán đến khi nào, y học mới hoàn toàn chế ngự, loại bỏ khỏi đời sống con người. Trong thời gian ngắn, đại dịch này không từ bất cứ quốc gia nào, không loại trừ cá nhân nào, dù đó là nguyên thủ quốc gia, thường dân, hay thuộc thành phần dân tộc, tôn giáo, đảng phải nào, bất kỳ ai đều có thể bị lây nhiễm. Sau nhiều thập niên hội nhập, toàn cầu hóa, tự do hóa, con người đã chỉ tập trung khai thác những lợi ích kinh tế, vật chất mà nó đem lại. Đại dịch COVID-19 ập đến để lộ yếu điểm, lỗ hổng trong trách nhiệm quốc tế, sự phối hợp quốc gia trước những thảm họa, thách thức toàn cầu, an ninh phi truyền thống, an ninh sinh học, an ninh con người.
Trước đại dịch COVID-19, mỗi quốc gia khác nhau đều có nhận thức, ứng xử, giải pháp ngăn chặn đại dịch là không giống nhau. Ở nhiều tâm điểm, sau khi dịch bệnh lan nhanh và làm cho hàng nghìn người chết, hệ thống y tế quá tải, y bác sĩ phải đối mặt với quyết định đau xót lựa chọn bệnh nhân được sử dụng máy thở để có thể sống do thiếu trang thiết bị. Nhiều nguyên thủ, chính quyền phải xót xa, tiếc nuối thừa nhận một thực tế đã phản ứng quá chậm, chủ quan, thờ ơ, không đánh giá hết tính chất, mức độ nguy hiểm của dịch bệnh, bỏ lỡ cơ hội ngay từ lúc còn có thể để ngăn chặn, hạn chế sự lây nhiễm. Điều đó tạo điều kiện cho dịch, bệnh lan nhanh, hoành hành, giết chết nhiều người. Đối với nhân loại, hậu quả, những tác động nghiêm trọng của dịch bệnh đến đời sống kinh tế, chính trị, xã hội chưa biết đến khi nào mới khắc phục nổi?
Với Việt Nam, tính tới thời điểm hiện tại, tổng số người mắc COVID-19 là 260 trường hợp, trong đó 159 người từ nước ngoài (62,2%) và 101 người lây nhiễm thứ phát, 144 người đã khỏi bệnh và chưa có trường hợp nào tử vong. Đến nay, Việt Nam đang kiểm soát tốt tình hình, Đảng, Nhà nước, hệ thống chính trị có chỉ sự đạo quyết liệt, giải pháp mạnh mẽ, nhân dân tin tưởng, đồng thuận, đồng hành để khống chế thành công đại dịch.
Tuy nhiên, sau gần hai tuần thực hiện dãn cách xã hội, bên cạnh sự quyết liệt, cố gắng nỗ lực của cả hệ thống chính trị, toàn Đảng, toàn quân, toàn dân, thì ở một số người đã xuất hiện tư tưởng, tâm lý chủ quan, coi thường, dửng dưng, cho rằng dịch bệnh diễn ra ở đâu đó, không liên quan, ảnh hưởng đến mình. Nhiều người bắt đầu ra đường mà không có công việc thật sự cần thiết, không đeo khẩu trang, thậm chí có hành động mang tính chống đối, vô trách nhiệm như tổ chức sinh hoạt tôn giáo, cầu nguyện đông người, tổ chức đua xe, tụ tập ăn nhậu…
Sự chống đối, thiếu trách nhiệm, chủ quan, tự mãn này cũng là thứ “virus” nguy hiểm làm cho dịch bệnh COVID-19 bùng phát, cần phải lên án, ngăn chặn. Tâm lý, hành động này là đi ngược tinh thần, làm trái quy định của Đảng, Nhà nước, Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về phòng, chống dịch bệnh. Suy nghĩ, việc làm này cũng phụ công, phụ của, sự nỗ lực, cố gắng của cả hệ thống chính trị, đồng bào, chiến sĩ cả nước, những lực lượng trực tiếp ở tuyến đầu như y bác sĩ, công an, quân đội đang ngày đêm không quản ngại khó khăn, hy sinh, gian khổ để chiến thắng dịch bệnh, giành giật sự sống cho những người mắc bệnh. Song nguy hiểm hơn, những hành động, việc làm này làm cho nguy cơ dịch bệnh bùng phát nghiêm trọng, nguy hiểm ra cộng đồng, lây lan trên diện rộng vượt tầm kiểm soát. Khi ấy, hậu quả thật ghê gớm, bi thảm và khó lường mà mỗi chúng ta, dù có lạc quan đến mấy cũng không dám nghĩ tới.
Vì vậy, ngay trong lúc này, mỗi người cần phát huy ý thức, tự giác, trách nhiệm với bản thân, gia đình, cộng đồng xã hội, thực hiện nghiêm túc Lời kêu gọi của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về phòng chống dịch bệnh, cách ly xã hội, dãn cách xã hội. Mỗi người thực hiện nghiêm để cả xã hội thực hiện nghiêm thì chắc chắn chúng ta sẽ chiến thắng đại dịch COVID-19.
TS. Lê Thế Cương – Học viện Chính trị Công an nhân dân