+
Aa
-
like
comment

Sự cay cú với Luật An ninh mạng

Bảo An - 01/09/2020 10:50

Sự cay cú của những đối tượng trong giới “dân chủ” đối với Luật An ninh mạng vẫn chưa chấm dứt. Thời gian gần đây, các đối tượng lại tiếp tục lợi dụng các thông tin tiêu cực để tấn công, chống phá Luật An ninh mạng hòng “dọn đường” cho những “làn sóng” xuyên tạc trước thềm Đại hội XIII trên mạng.

Luận điệu tấn công Luật An ninh mạng.

Luật An ninh mạng đã có hiệu lực và triển khai thực hiện trên thực tế được một thời gian, những hiệu quả mà nó mang lại chúng ta có thể thấy rõ. Môi trường thế giới không dây là sạch hơn, trong hơn; những thông tin lệch lạc, tiêu cực, thiếu kiểm chứng đã phần nào bị loại bỏ. Đối với những người dân bình thường – những người sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật – việc thực thi Luật An ninh mạng không gây ra bất kỳ phiền toái gì. Vậy nhưng với những đối tượng kiếm sống bằng cách xuyên tạc, chống phá chính quyền, Luật An ninh mạng đang dần bẻ gãy những “cần câu cơm” khiến các đối tượng bực tức, hậm hực.

Đặc biệt, trong bối cảnh Đại hội lần thứ 13 sắp diễn ra – thời điểm “vàng” để các tay “dân chủ” tiến hành xuyên tạc, đả kích, tấn công chế độ và nhận về tiền hỗ trợ từ các cá nhân, tổ chức chống phá nước ngoài – các đối tượng cơ hội chính trị lại càng cay cú, tức tối. Điều này cũng dễ hiểu vì nếu “làm liều” tiến hành xuyên tạc, chống phá Đảng, Nhà nước trên mạng xã hội, các đối tượng sẽ rất dễ bị “nhập kho”. Vậy nhưng nếu không xuyên tạc, nếu không chống phá thì… lấy đâu tiền mua gạo?

Luật An ninh mạng của ai?

Trong một làn sóng tấn công Luật An ninh mạng, các đối tượng rêu rao và gọi đây là “Luật của Bộ Công an”, “Luật của Cộng sản” v.v… Các đối tượng cố đình đánh tráo bản chất của Luật An ninh mạng, tiếm danh hai tiếng “nhân dân” để đả phá chính quyền. Hàng loạt thông tin mang tính kích động được tung ra để tấn công Luật An ninh mạng như “Cũng vì Luật an ninh mạng mà người dân bị công an không cho nói những điều dân muốn nói”; “Cũng vì Luật an ninh mạng mà đã có nhiều người dân bị công an đàn áp thẳng tay, đánh đập dã man”; “Cũng vì Luật an ninh mạng mà nhiều người dân bị công an đẩy vào vòng lao lý”…

Lạ lùng thật, không biết căn cứ nào, cơ sở nào để các anh, chị “dân chủ” đưa ra những thông tin trên. Quá hài hước…

Nhìn vào thực tế đời sống mạng xã hội hiện nay, có thể thấy người dân được tạo mọi điều kiện để thể hiện ý kiến, nguyện vọng cá nhân. Thậm chí, nhiều cơ quan, đơn vị hành chính nhà nước đã mở các trang mạng xã hội để tiếp nhận các thông tin, ý kiến đóng góp của quần chúng nhân dân. Luật An ninh mạng đang góp phần bảo vệ những quyền riêng tư, tạo cơ chế bảo vệ người dân trước các nguy cơ tấn công trên mạng. Nếu chấp hành nghiêm quy định của pháp luật, sử dụng mạng xã hội một cách văn minh, đúng thuần phong mỹ tục thì chẳng có bất cứ nguyên cớ gì để bị hạn chế. Và dĩ nhiên, Luật An ninh mạng càng không phải là công cụ để “đẩy người dân vào vòng lao lý” như luận điệu thâm hiểm mà các đối tượng tung ra.

Chúng ta cần xác định rõ ranh giới giữa việc sử dụng mạng xã hội nói riêng, và mạng internet nói chung để phục vụ các nhu cầu chính đáng của đời sống và việc sử dụng mạng vào mục đích chống phá chính quyền, tấn công, đe dọa sự hòa bình, ổn định của đất nước. Không thể đánh đồng, tiếm danh hai tiếng “nhân dân” hòng thực hiện các hành vi chống phá, xuyên tạc, tấn công chế độ, tấn công Đảng, Nhà nước và Nhân dân.

Luật An ninh mạng là Luật do Quốc hội ban hành để bảo vệ an ninh quốc gia và bảo đảm trật tự, an toàn xã hội trên không gian mạng. Đây là đạo luật phục vụ yêu cầu cuộc sống, bảo vệ người dân trong các mối quan hệ xã hội trên không gian mạng, không phải là Luật riêng của bất kỳ ai.

Cây ngay không sợ chết đứng

Luật An ninh mạng dĩ nhiên sẽ là “cửa tử” đối với những kẻ lợi dụng mạng để tấn công an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội trên không gian mạng của Việt Nam. Nó cũng như Luật Hình sự là “khắc tinh” của các loại tội phạm.

Luật là công khai, nếu ai không vi phạm các quy định của Luật thì sẽ chẳng có cơ sở nào để bị xử lý. Việc các đối tượng tấn công, đả kích Luật An ninh mạng suy cho cùng cũng chỉ vì chính bản thân các đối tượng đang là những người có vi phạm các quy định trong Luật An ninh mạng.

Từ khi Luật An ninh mạng có hiệu lực đến nay, không khó để thấy sự phàn nàn, chê bai chỉ đến từ các đối tượng “dân chủ”. Điều này cũng là dễ hiểu bởi hiện nay, các đối tượng cơ hội chính trị, chống đối tại Việt Nam đang núp bóng “dân chủ” để chống phá. Trong đó, mạng xã hội là công cụ chính để vừa đánh bóng tên tuổi, vừa lan truyền các quan điểm, tư tưởng, thông tin lệch lạc hòng tiến hành chiến tranh thông tin, chiến tranh tâm lý để chống phá chính quyền.

Luật An ninh mạng là rào chắn bảo vệ sự an toàn, ổn định trên không gian mạng. Vì vậy, cùng với việc truy quét các đối tượng chống đối, cơ hội chính trị đang sử dụng mạng xã hội để chống phá chính quyền, chúng ta cũng phải bảo vệ Luật An ninh mạng, nghiên cứu, bổ sung các quy định trong Luật An ninh mạng để các quy định ngày càng chặt chẽ, trở thành vũ khí sắc bén tấn công các đối tượng.

Bảo An

* Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm riêng của tác giả

Bài mới
Đọc nhiều