+
Aa
-
like
comment

SỰ BÌNH THẢN CỦA TRUNG QUỐC

Đăng Khoa - 21/04/2025 13:07

Chiến tranh thương mại không chỉ còn là cuộc đấu trí giữa những nhà hoạch định chính sách, mà đã trở thành một phép thử toàn diện cho cấu trúc xã hội, năng lực điều tiết truyền thông và sức bền tâm lý của một quốc gia. Cuộc đối đầu thuế quan Mỹ – Trung, với những đòn áp thuế tăng dần từ 125% lên 145%, và gần đây là mức kỷ lục 245%, đã bóc tách sự đối lập rõ rệt trong cách phản ứng của hai siêu cường. Một bên là nước Mỹ sôi sục tranh luận, một bên là Trung Quốc lặng thinh trước bão dữ. Và chính sự lặng thinh ấy mới là điều khiến thế giới phải dè chừng.

Mỹ: Phản ứng lan tỏa, dư luận phân tầng

Những người biểu tình cầm biển hiệu phản đối thuế quan trong cuộc diễu hành tôn vinh kỷ niệm 250 năm Cách mạng Hoa Kỳ, thứ Bảy, ngày 19 tháng 4 năm 2025, tại Concord, Mass. (Ảnh AP)

Tại Hoa Kỳ, mỗi quyết định chính sách đều lập tức khơi dậy những đợt sóng tranh luận sôi nổi trong không gian công – điều vốn được xem là biểu hiện sinh động của nền dân chủ tự do. Nhưng với thuế quan, sự phản ứng ấy không còn dừng ở cấp độ chính trị, mà nhanh chóng lan sang các tầng lớp xã hội – từ người tiêu dùng, giới doanh nghiệp, truyền thông đến cử tri.

Ngay từ những đợt áp thuế đầu tiên dưới thời Tổng thống Donald Trump, người dân Mỹ đã cảm nhận rõ hệ lụy qua việc giá cả hàng hóa leo thang dẫn đến xu hướng mua hàng tích trữ. Theo nghiên cứu của Đại học Michigan, tầng lớp thu nhập thấp là nhóm chịu thiệt nhiều nhất khi khả năng thích ứng chi tiêu bị bó hẹp. Trên bàn ăn gia đình, trong chuỗi cung ứng nhà máy hay ngoài cánh đồng nông trại, chiến tranh thương mại hiện diện như một sức ép ngày càng hữu hình.

Giới doanh nghiệp – đặc biệt trong lĩnh vực công nghiệp và nông nghiệp – bày tỏ quan ngại sâu sắc. U.S. Chamber of Commerce đã phản đối quyết liệt, cho rằng thuế quan làm xáo trộn chuỗi giá trị toàn cầu và gây tổn hại cho lợi nhuận cũng như dòng đầu tư. Nông dân tại các bang nông nghiệp trọng điểm như Iowa hay Kansas mất thị trường xuất khẩu quan trọng khi Trung Quốc đáp trả bằng thuế lên nông sản, trong khi các gói hỗ trợ tài chính do chính phủ hỗ trợ được đánh giá chỉ là giải pháp tạm bợ.

Bức tranh phản ứng không thể thiếu truyền thông – vốn là “hệ thần kinh trung ương” của dư luận Mỹ. Những tờ báo lớn như The New York Times, Washington Post hay kênh CNN công khai chỉ trích chính sách thuế, xem đó là nguyên nhân cản trở tăng trưởng và gây rạn nứt quan hệ đồng minh. Trong khi đó, các kênh bảo thủ như Fox News hay The Wall Street Journal lại bảo vệ lập luận cần dùng thuế quan để “trị bệnh tận gốc” hành vi thao túng thương mại từ Trung Quốc. Trên mạng xã hội, các hashtag như #TradeWar hay #Tariffs phản ánh rõ nét một xã hội đang phân hóa sâu sắc trong cách định nghĩa lợi ích quốc gia.

Trung Quốc: Bình thản và tĩnh lặng

Trái với sự ồn ã ở Mỹ, Trung Quốc bước vào cuộc chiến thương mại bằng một trạng thái bình thản. Mức thuế áp lên hàng hóa Trung Quốc ngày càng cao, nhưng phản ứng trong xã hội gần như bị lu mờ. Không có làn sóng biểu tình, không có khủng hoảng truyền thông, không có những cuộc tranh luận nảy lửa giữa các phe nhóm.

Nguyên nhân không phải vì người dân thiếu hiểu biết, mà bởi họ đã trải qua đủ nhiều biến động – từ cải cách “thắt lưng buộc bụng”, khủng hoảng tài chính châu Á 1997, các đòn trừng phạt nhắm vào Huawei, cho đến đại dịch COVID-19. Trạng thái “nội địa hóa cú sốc” đã trở thành cơ chế phản xạ tự nhiên trong xã hội Trung Quốc, nơi mà thông tin được phân phối có chủ đích và kỳ vọng xã hội được định hướng tập trung. Một lý do đáng chú ý hơn nữa là bởi vì đối với đại bộ phận dân chúng, đặc biệt là tầng lớp có thu nhập trung bình, các xung đột thương mại tầm cỡ quốc tế được nhận thức như chuyện của doanh nghiệp và của nhà nước – không phải là vấn đề ảnh hưởng trực tiếp tới bữa cơm hằng ngày hay giá trị cuộc sống.

Truyền thông nhà nước cũng chủ động “giảm hiện diện” của các tin tức về thuế quan – không phải vì thiếu nhạy bén, mà vì chủ ý duy trì trạng thái ổn định. Thái độ thản nhiên không phản ánh sự cam chịu, không có khủng hoảng truyền thông, không có dòng người biểu tình phản đối, không có sự phân hóa như ở Mỹ – tất cả tạo thành một nền “ổn định chiến lược” mà chính quyền Bắc Kinh chủ động bảo vệ. Rủi ro được “giảm hiện diện” ngay từ đầu bằng cách tránh làm nó trở thành chủ đề tranh luận công khai.

Hội chợ Thương mại Quảng Châu lần thứ 137 là sự kiện thương mại lớn tại Quảng Châu, Trung Quốc, dự kiến ​​diễn ra trong ba giai đoạn từ ngày 15 tháng 4 đến ngày 5 tháng 5 năm 2025.

Một minh chứng rõ ràng cho năng lực tự điều chỉnh và chủ động ứng biến của Trung Quốc chính là Hội chợ Canton Fair lần thứ 137 đang diễn ra sôi động tại Quảng Châu. Với sự tham gia của hơn 31.000 doanh nghiệp và số lượng khách quốc tế đạt mức kỷ lục, hội chợ này không chỉ là sân chơi xuất khẩu truyền thống mà còn là “phong vũ biểu” của thương mại Trung Quốc thời chiến tranh thuế quan. Khu triển lãm công nghệ cao với robot, trí tuệ nhân tạo, và sản phẩm tự động hóa không chỉ phản ánh sự dịch chuyển từ sản xuất giá rẻ sang giá trị gia tăng, mà còn thể hiện chiến lược “né đòn” – mở rộng thị trường ngoài Mỹ, tối ưu chuỗi cung ứng và xây dựng sức chống chịu trước biến động địa chính trị. Đây là một phản ứng không lời nhưng đầy trọng lượng: thay vì ồn ào phản đối, Trung Quốc chọn chứng minh bằng hành động – tiếp tục mở cửa, thu hút đầu tư, nâng cấp sản phẩm, và kết nối với các đối tác ngoài quỹ đạo thương chiến. Đây không chỉ là một hội chợ, mà là lời tuyên bố mềm nhưng chắc về một quốc gia không để mình bị “giam hãm” trong thế đối đầu lưỡng cực.

Tĩnh lặng là một hình thái sức mạnh

Cuộc chiến thuế quan không chỉ là cuộc đối đầu giữa hai nền kinh tế, mà còn là sự va chạm giữa hai cơ chế kiểm soát xã hội và niềm tin của dư luận. Nếu nước Mỹ phản ứng với thuế quan bằng tranh luận công khai, phản biện xã hội và sóng gió truyền thông, thì Trung Quốc đối diện bằng sự điềm tĩnh có kiểm soát, năng lực “nội hóa cú sốc” và củng cố vững chắc trật tự trong nước. Một bên bộc lộ sự năng động dân chủ nhưng cũng lộ rõ điểm yếu trong tính nhất quán chiến lược. Bên còn lại kín đáo, cứng rắn và tập trung vào ổn định vĩ mô như một ưu tiên thực tế, và chính sự im lặng của Trung Quốc mới là phản ứng khiến thế giới buộc phải quan sát kỹ lưỡng hơn – không phải vì họ không lên tiếng, mà vì họ đang trả lời bằng cách khác.

Đăng Khoa

Bài mới
Đọc nhiều