Sự an toàn của dân chúng từ những điều nhức nhối ở nghị trường
Đã có những tiếng nói rất tâm huyết vang lên từ nghị trường trong suốt những ngày qua, tuy nhiên đáng buồn thay nó đã không được lắng nghe một cách cầu thị. Thậm chí, còn hời hợt cho qua. Thật buồn khi nghe ở kỳ họp Quốc hội. Nhưng hơn cả buồn, là sự bất an. Đó là từ:
– Rừng đang phủ kín nhiều hơn? Bộ trưởng cho rằng rừng Việt Nam có diện tích che phủ bình quân lớn hơn thế giới. Trong khi các vụ phá rừng xảy ra liên miên; còn tin tức về việc khôi phục, làm giàu rừng tự nhiên thì không thấy. Vậy trồng vào lúc nào? Ngay cả việc phân biệt trồng cây thương phẩm với trồng rừng, ở đây hình như có sự nhầm lẫn.
– Thuỷ điện xả lũ: Chủ tịch huyện nói xả lũ gây ngập lụt và hứa đòi công lý cho dân; bộ trưởng nói xả đúng quy trình. Đại biểu TP.HCM phải minh định thay: Việc thiết lập, vận hành và giám sát quy trình ấy có vấn đề.
– Đường sắt đô thị chậm và đội vốn: Tức là mất rất nhiều tiền và làm chậm đà phát triển, Bộ trưởng xin rút kinh nghiệm. Kinh nghiệm thì dĩ nhiên phải rút, nhưng thiệt hại to lớn có thể đong đếm ấy, lấy đâu bù vô?
Là cử tri, là người dân, không ai chờ đợi cách giải thích như vậy. Vì bất chấp mọi lý lẽ, thực tế có tiếng nói riêng của nó.
Tất cả những quy phạm pháp luật được đặt ra là để bảo đảm sự an toàn cho xã hội. Cho nên rừng bị phá mà lãnh đạo nói rừng ta vẫn dày lên; Xả lũ đột ngột gây ngập dân chạy không kịp mà vẫn nói đúng quy trình; Đường sắt đô thị làm chậm đến nay nhà ga đã xuống cấp bong tróc mà tàu vẫn chưa chạy rồi chỉ rút kinh nghiệm thì…
Làm sao dân có thể tin vào sự an toàn của các thiết chế đã được xây dựng, có thể tin vào sự an toàn từ những người vận hành nó, sau những gì người dân đã phải chịu và sau khi nghe những câu trả lời như thế của lãnh đạo trước quốc dân?
Nguyễn Đức Hiển
*Bài viết thể hiện quan điểm và văn phong của tác giả