+
Aa
-
like
comment

Sự ác độc và vô nhân đạo của cộng đồng mạng nhìn từ vụ cháu bé trường Gateway tử vong

21/08/2019 11:36

Người ta đang sống mạnh khỏe mà nói “chắc như đinh đóng cột” rằng họ chết “bất thường”, chưa rõ nguyên nhân – đó chỉ có thể gọi là sự độc ác, bất kể có chủ ý hay chỉ nhằm mục đích câu like.

Đến thời điểm này, tin đồn ông tài xế Doãn Quý Phiến – người lái xe đưa đón học sinh trường Gateway “chết” bất thường đã hoàn toàn bị bác bỏ. Sự bác bỏ đó không chỉ bằng lời khẳng định của lãnh đạo công an Cầu Giấy, mà cả từ phía gia đình người lái xe. Đặc biệt hình ảnh ông Phiến bình an xuất hiện giữa tâm bão tin đồn ông đã chết thêm một lần khẳng định những tin đồn trên MXH mấy hôm nay là hoàn toàn bịa đặt, ác ý.

Dẫu vậy, đã không còn những tiếng “À”, “Ồ”, “Ôi”…  bày tỏ ngạc nhiên, vui mừng khi thông tin được xác thực nhanh nhất. Thay vào đó, người ta lơ đi, như nó là một trong vô vàn tin đồn xuất hiện trên mạng xã hội mỗi ngày.

Cơ quan chức năng đã khám nghiệm hiện trường, lấy các mẫu vật trên chiếc xe phát hiện cháu L tử vong để phục vụ công tác điều tra. Tuy nhiên, nhiều tin đồn trên MXH đang làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến quá trình điều tra.
Cơ quan chức năng đã khám nghiệm hiện trường, lấy các mẫu vật trên chiếc xe phát hiện cháu L tử vong để phục vụ công tác điều tra. Tuy nhiên, nhiều tin đồn trên MXH đang làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến quá trình điều tra.

Không dừng lại ở các phân tích đó, họ đăng tải, chia sẻ liên tục hình ảnh của cháu bé cũng như những phân tích của mình ở khắp các nhóm, các trang trên mạng xã hội facebook làm nhiễu loạn thông tin.

Có nhiều người đã phải chua xót thốt lên rằng: “Xin các người đừng chia sẻ hình ảnh cháu bé nữa”, bởi điều đó quá nhẫn tâm với gia đình cháu bé. Họ – những người dùng mạng xã hội, những “điều tra viên online” đang nhân danh phải làm rõ thông tin, minh bạch thông tin tới dư luận và chia sẻ thông tin với nhiều từ ngữ không thể đau lòng hơn.

Họ không quan tâm tới cảm giác của gia đình nạn nhân, họ nghĩ họ làm như thế là đúng, mặc dù cơ quan điều tra vẫn đang khẩn trương điều tra, làm rõ các thông tin về vụ việc.

Cũng đã có nhiều phân tích cho rằng, đằng sau sự ồn ào của vụ việc mấy ngày qua, đằng sau những tin đồn lan truyền chóng mặt đó không phải xuất phát từ việc cảm thông, xót thương cho cháu bé và gia đình mà là một “âm mưu” nhắm vào những người được cho là “ông to”, “bà lớn” nào đó có liên quan đến trường Gateway. Chưa có căn cứ để xác minh sự việc có liên quan gì đến những “ông to, bà lớn” được mập mờ nhắc đến, nhưng tin đồn – như bản chất của nó vẫn đang lan xa, với tốc độ chóng mặt. Mỗi người thêm một chữ, một dấu, một câu… những thông tin đồn thổi đó đã được biến hóa, thổi phồng, găm vào đầu những người ưa “hóng chuyện”, thôi thúc họ chia sẻ, lan tỏa thông tin chưa kiểm chứng để chứng tỏ mình “hiểu biết”, thạo tin…

Nhưng dù có xuất phát từ mục đích gì, thì việc tự cho mình cái quyền “phán xét” vô căn cứ, cho mình được quyền “tuyên án tử” cho một người đang sống, cho mình quyền chà đạp lên nỗi đau của người khác… là sự độc ác không thể chấp nhận.

su ac doc nhin tu vu chau be truong gateway tu vong hinh anh 2
Hình ảnh mới nhất chụp tài xế Doãn Quý Phiến vào chiều 19/8 khi tin đồn ông tử vong đã khẳng định, những thông tin lan truyền trên mạng hoàn toàn vô căn cứ.

Hẳn bạn đọc còn nhớ, kể từ khi mạng xã hội bùng nổ, trên môi trường ảo này đã từng có hàng loạt thông tin liên quan đến nhiều lãnh đạo, quan chức… bị thêu dệt, úp mở thông tin đồn thổi, tạo ra những nghi ngại về phẩm chất đạo đức, năng lực lãnh đạo của cá nhân người được nhắm tới. Thậm chí không từ thủ đoạn, bất chấp luật pháp, nhiều đối tượng còn lập lên những trang tin giả mạo, tung tin đồn, đưa tin sai sự thật về tình hình chính trị, nhân thân, sức khỏe lãnh đạo… gây bất an, hoang mang trong dư luận xã hội.

Hay gần đây nhất là vụ việc cô gái giao gà bị sát hại ở Điện Biên, những thông tin đồn thổi vô cùng ly kỳ, rùng rợn liên tiếp được cộng động mạng thêu dệt, chia sẻ, lan truyền. Quá nhiều thông tin đồn thổi, suy đoán vô căn cứ, quy chụp cơ quan điều tra… được lan truyền chóng mặt, tạo ra tâm lý hoang mang, kéo cả xã hội vào cuộc.

Cũng tương tự như vụ cháu bé trường Gateway, ở giai đoạn đầu vụ việc cô gái giao gà ở Điện Biên bị sát hại, nhiều “điều tra viên online” đã thi nhau trổ tài suy đoán trên mạng, nhiều phát ngôn quy chụp được các thánh phán đưa ra… Những thông tin kiểu “Công an tỉnh Điện Biên bắt tạm giam Thiếu úy công an hình sự tỉnh Thái Nguyên để điều tra kẻ chủ mưu trong vụ án bắt cóc và sát hại nữ sinh giao gà gây chấn động Điện Biên chiều 30 tết…” được phát tán, chia sẻ chóng mặt trên mạng từng gây tâm lý hoang mang cực độ. Đến khi xác thực đó là tin đồn vô căn cứ, người phát tán bị triệu tập xử lý, thì mọi việc cũng trở thành “chuyện đã rồi”.

Trước đó, thông tin về việc nước mẵm nhiễm asen cũng được đồn thổi, lan truyền không chỉ gây hoang mang dư luận mà còn gây thiệt hại lớn về kinh tế, xã hội… Trong vụ việc này, các đối tượng tung tin đồn thất thiệt đều đã bị xử lý, nhưng thực sự thiệt hại mà tin đồn gây ra vẫn khó mà đo đếm được.

Đã từng có lý giải đất sống của “tin đồn” trên mạng là do “tâm lý đám đông”, đó chỉ là những kẻ chơi mạng xã hội thích “câu like” câu view bằng mọi giá. Nhưng dù có xuất phát từ mục đích gì, vô tình hay có “thuyết âm mưu”, thì thực tế đã cho thấy, những tin đồn và hiệu ứng đám đông trên mạng xã hội đang gây ra những hệ lụy vô cùng nghiêm trọng. Trong một xã hội hiện đại với nhiều chiều kích thông tin hiện nay, cần thiết phải có một thiết chế quản lý và xử lý nghiêm những thông tin sai sự thật, mà cụ thể là những tin đồn vô lối.

N. Cường

Bài mới
Đọc nhiều