Su-57 răn đe đánh chặn F-35 trên bầu trời Syria?
Bộ Quốc phòng Nga mới đây đã công bố kế hoạch đưa tiêm kích tàng hình Su-57 quay trở lại chiến trường Syria để tiếp tục thử nghiệm tính năng.
Sự xuất hiện thường xuyên của máy bay chiến đấu thế hệ 5 F-35 của Mỹ trên bầu trời Syria đã bị gián đoạn do việc triển khai tiêm kích tàng hình Su-57 của Nga trên lãnh thổ Cộng hòa Ả Rập.
Theo lập luận của Tổng tham mưu trưởng Lực lượng vũ trang Liên bang Nga, Đại tướng Valery Gerasimov thì Su-57 đã hoàn thành nhiều nhiều nhiệm vụ ở Syria, trong đó theo các chuyên gia, thậm chí còn có một cuộc săn lùng F-35 của Mỹ.
Theo dữ liệu được công bố trước đó, những chiếc Su-57 của Nga có thể đã tham gia vào các cuộc tấn công ném bom vào những vị trí của phiến quân thánh chiến ở Idlib. Tuy nhiên, các chuyên gia tin rằng một trong những nhiệm vụ quan trọng nhất của máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm của Nga là răn đe đánh chặn F-35 của Mỹ và Israel.
“Máy bay chiến đấu tàng hình của Mỹ và Israel thường xuyên thực hiện các chuyến bay qua Syria – đây không phải là một bí mật. Có khả năng Su-57 của Nga đã thực hiện cuộc chiến đấu trên không tầm xa với tiêm kích Mỹ”.
“Được biết điều này không chỉ áp dụng cho F-35 Lightning II của Mỹ, mà còn cho cả phiên bản F-35i Adir của Israel, bao gồm cả việc chuyển giao sau này cho Israel”, chuyên gia của Avia.pro tin tưởng.
Trước đây đã có nhiều báo cáo rằng các máy bay chiến đấu của Nga đã thực hiện việc đánh chặn tiêm kích Israel ở khu vực phía nam của Cộng hòa Ả Rập, không loại trừ Su-57 của Nga cũng có thể tham gia vào việc này.
Mặc dù vậy, thông tin trên chưa từng được bất cứ nguồn tin chính thức nào từ Bộ Quốc phòng Liên bang Nga cũng như đại diện Quân đội Nga đóng trên lãnh thổ Syria xác nhận.
Ngoài ra trong khoảng thời gian triển khai vào năm 2018, chiếc Su-57 chỉ ở lại lãnh thổ Syria có 2 ngày, một khoảng thời gian quá ngắn ngủi để có thể thực hiện nhiệm vụ tác chiến.
Hơn nữa khi chiếc Su-57 chưa hoàn thiện tính năng, nhất là thiếu động cơ phù hợp thì việc bắt nó tham gia không chiến với F-35 (thậm chí cả F-22) của đối phương là hành động đầy tính phiêu lưu. Tuy nhiên không loại trừ khả năng trong đợt triển khai sắp tới thì Su-57 sẽ thực sự đảm nhiệm những hoạt động nêu trên.
Thông số kĩ thuật tiêm kích Su-57
Su-57 có chiều dài 19,8m, sải cánh dài 14m và chiều cao 6,05m. Máy bay có trọng lượng rỗng là 18,5 tấn, và trọng lượng cất cánh tối đa có thể lên tới 37 tấn.
Ở phiên bản thử nghiệm, Su-57 được lắp 2 động cơ AL-41F1 có sức đẩy trung bình là 93,1kN và 147kN sau khi đốt. Tuy nhiên, gần đây, Nga đã đưa ra loại động cơ thế hệ mới Izdeliye-30 có sức đẩy trung bình là 107kN và 176kN sau khi đốt. Nhờ vậy, Su-57 có thể đạt được vận tốc tối đa lên tới hơn 2.500 km/h (Mach 2+). Su-57 được trang bị loại radar tiên tiến N036 Byelka “Con sóc”, có tầm quét lên tới 400km, theo dõi 60 mục tiêu và đồng thời tấn công tiêu diệt 16 mục tiêu trong số đó. Ngoài ra, Su-57 còn được trang bị radar mảng băng L AESA với mục đích phát hiện mục tiêu tàng hình, cũng như nhiều thiết bị như tìm kiếm hồng ngoại, nhiễu hồng ngoại, radar quang học, thiết bị dẫn đường đất đối không…
Hoài Nam (tổng hợp)