Sốt ruột vì thương chiến, nhà sản xuất TQ muốn khai hỏa vũ khí tối thượng: Đạn đã lên nòng, chỉ chờ xuất trận
Các nhà sản xuất đất hiếm của Trung Quốc cho biết họ sẵn sàng vũ khí hóa mặt hàng này để đối phó với Mỹ trong cuộc chiến thương mại. Họ chỉ còn thiếu cái gật đầu của chính phủ…
Các nhà sản xuất đất hiếm của Trung Quốc vừa qua khẳng định họ đã sẵn sàng vũ khí hóa lợi thế của mình trong cuộc chiến thương mại với Mỹ, báo Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP – Hong Kong) đưa tin.
Cụ thể, trong tuyên bố ngày 7/8, Hiệp hội Công nghiệp Đất hiếm Trung Quốc (ACREI) – tổ chức đại diện cho gần 300 công ty khai thác, xử lý và sản xuất đất hiếm – cho biết họ sẽ áp bất cứ mức thuế nào lên mặt hàng đất hiếm xuất khẩu. Nếu được áp dụng, động thái này chắc chắn sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới giá thành của nhiều loại mặt hàng từ nam châm, động cơ, điốt phát sáng và hàng trăm thiết bị khác.
ACREI đã công khai thách thức Mỹ thông qua tuyên bố sẽ “kiên quyết ủng hộ chính quyền tung ra các biện pháp trả đũa việc Mỹ áp thuế đối với hàng hóa nhập khẩu Trung Quốc”. “Người tiêu dùng Mỹ cũng phải trả giá cho mức thuế nhập khẩu ấy” – theo kết luận trong buổi họp ngày 5/8 của hiệp hội này.
Trung Quốc là nhà sản xuất đất hiếm lớn nhất trên thế giới (chiếm hơn 80% tổng sản lượng đất hiếm toàn cầu), và cũng là đối tác lớn nhất của Mỹ trong lĩnh vực này. Đất hiếm là một loại nguyên liệu quan trọng được sử dụng để sản xuất nhiều mặt hàng công nghệ cao như điện thoại thông minh, xe điện, và các thiết bị quân sự tinh vi như radar và các loại cảm biến.
SCMP nhận định, thông cáo của ACREI cho thấy Trung Quốc đã sẵn sàng vũ khí hóa lượng đất hiếm của mình khi cuộc thương chiến với Mỹ vẫn chưa thấy hồi kết.
Năm ngoái, Washington từng liệt mặt hàng đất hiếm của Trung Quốc vào danh sách áp thuế nhập khẩu, nhưng sau đó đã loại mặt hàng này khỏi danh sách. Tuyên bố ngày 1/8 vừa qua của Tổng thống Mỹ Donald Trump về việc áp thuế 10% đối với 300 tỉ USD hàng Trung Quốc cũng không bao gồm mặt hàng đất hiếm. Những điều này chứng tỏ việc nhập khẩu đất hiếm từ Trung Quốc quan trọng đến nhường nào đối với Mỹ.
Đây không phải lần đầu tiên các nhà sản xuất của Trung Quốc có động thái vũ khí hóa tầm ảnh hưởng trong các lĩnh vực công nghiệp của mình vì xung đột thương mại hoặc ngoại giao.
Trước đây, Trung Quốc từng cấm xuất khẩu sang Nhật Bản sau một tranh chấp lãnh thổ năm 2010. Phía Tokyo đã đệ trình khiếu nại lên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và thúc đẩy ngành công nghiệp quốc nội sản xuất những mặt hàng thay thế. Cuối cùng, các nhà sản xuất của Trung Quốc vẫn phải chịu thiệt hại vì quyết định của chính phủ.
(Theo Soha News)