+
Aa
-
like
comment

Sốt ruột lắm, nhưng còn sức khoẻ là vẫn còn tất cả!

07/03/2020 08:29

“Khi sợ dịch thì có thể chỉ phải lo GDP nhưng khi coi thường dịch thì có thể phải đối phó với cả dịch và nỗi lo GDP”.

Sốt ruột lắm, nhưng còn sức khoẻ là vẫn còn tất cả! - 1

Tại TPHCM – trung tâm kinh tế của đất nước, những tuyến đường được xem là đắc địa nhất như Đồng Khởi, Lý Tự Trọng, Nguyễn Trãi, Lê Thánh Tôn (quận 1) hay Phan Xích Long (quận 3) – theo ghi nhận của PV Dân trí, đã xuất hiện tình trạng các hộ kinh doanh trả mặt bằng. Hiện tượng này được cho là chưa từng có từ trước đến nay ở đây.

Ở thời điểm này, những người dân bình thường nhất cũng có thể cảm nhận được sự tiêu cực mà dịch bệnh đang gây ra cho nền kinh tế. Ngay cả nghề dạy học, vốn xưa nay được coi là nghề nghiệp mang tính “ổn định” cao thì cũng bởi dịch bệnh diễn biến phức tạp mà không ít giáo viên mầm non đã phải bỏ nghề.

Cuối tháng 2 vừa rồi, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã phải triệu tập một cuộc họp để đánh giá tình hình về dịch Covid-19 tác động tới doanh nghiệp công nghiệp và đề ra giải pháp ứng phó.

Trong cuộc họp này, lãnh đạo Cục Công nghiệp cho biết, hiện nay các doanh nghiệp điện tử chỉ đủ linh kiện sản xuất tới giữa tháng 3. Còn doanh nghiệp dệt may chỉ còn đủ nguyên liệu sản xuất tới đầu tháng 3, vì thế có khả năng phải dừng sản xuất rất lớn.

Có thể thấy, một bức tranh khá “u ám” đang bao phủ lên nền kinh tế giai đoạn đầu năm, ảnh hưởng đến hàng triệu lao động và hàng nghìn doanh nghiệp. Theo con số thống kê chính thức, riêng trong tháng 2, cả nước đã có 4.567 doanh nghiệp phải đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn tăng 61,8% so với cùng kỳ năm trước; 3.841 doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể tăng 120,7% so với cùng kỳ năm trước.

Đây cũng là tháng có doanh nghiệp “chết lâm sàng” cao và tăng mạnh so với cùng kỳ năm trước do dịch bệnh Covid-19 bước vào giai đoạn cao điểm.

120.000 tỷ đồng được Ngân hàng Nhà nước “nhập kho” do hệ thống ngân hàng thừa thanh khoản mà lí do là doanh nghiệp không có nhu cầu hoặc không có khả năng vay. Chừng đó đủ thấy kinh tế khó khăn thế nào!

Trong phiên họp thường kỳ tháng 3 vừa rồi, lãnh đạo Chính phủ cũng đã đánh giá tổng quát:  Tác động của dịch Covid-19 khiến nhiều ngành, lĩnh vực gặp khó khăn, bộc lộ những hạn chế, bất cập, nhất là ngành hàng không, du lịch, vận tải. Có những khách sạn gần như đóng cửa, nhiều khu du lịch vắng người, nhưng không thể vì doanh thu, mở cửa đón khách du lịch tràn lan để ảnh hưởng đến sức khỏe của nhân dân.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu thẳng: “Chính phủ kiên định quan điểm sẵn sàng hy sinh một số lợi ích kinh tế để bảo vệ tốt nhất an toàn sức khỏe cho nhân dân, du khách và người nước ngoài ở Việt Nam”.

Dù cho biết, Chính phủ “thấu hiểu” với sự khó khăn của doanh nghiệp, nhưng vẫn bảo lưu tinh thần “chống dịch như chống giặc”.

Đành rằng, không dễ dàng gì cho rất nhiều người dân để vượt qua giai đoạn này. Chúng ta là người lao động, ai cũng sốt ruột vì “miếng cơm manh áo”. Làm sao có thể bình thản nghỉ ngơi khi ngày ngày, chi phí cho con cái, sinh hoạt, ăn ở… vẫn phải chi trả. Doanh nghiệp thì như “ngồi trên đống lửa” bởi kinh doanh đình trệ, nguồn nguyên vật liệu đứt quãng, tiêu thụ giảm mà vẫn phải trả chi phí mặt bằng, chi phí vốn, chi phí quản lý, chi phí nhân viên…

Thế nhưng, chẳng riêng gì chúng ta, nhiều người dân ở các nước khác cũng đang phải gồng mình chống dịch, họ chẳng những thiệt hại về kinh tế mà còn thiệt hại về người.

Ngày 6.3, sau hơn 20 ngày Việt Nam không có ai mắc thì đêm qua, Hà Nội đã chính thức xác nhận vừa phát hiện một ca dương tính  với Covid – 19 cho nên không thể chủ quan.

Với dịch bệnh, chỉ một phút chủ quan cũng có thể phải đánh đổi bằng mạng sống, nhất là khi điều kiện vật chất của chúng ta so với nhiều quốc gia phát triển vẫn còn hạn chế. Nếu bùng dịch sẽ vô cùng nguy hiểm.

Xin mượn lời một vị doanh nhân: “Khi sợ dịch thì có thể chỉ phải lo GDP nhưng khi coi thường dịch thì có thể phải đối phó với cả dịch và nỗi lo GDP”. Chúng ta chẳng còn cách nào khác là tìm cách vượt qua khó khăn trong khi vẫn đối phó dịch bệnh.

Và điều quan trọng là, với Chỉ thị số 11/CT-TTg mà Thủ tướng mới ban hành về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với dịch Covid-19, có thể tin tưởng rằng, Chính phủ sẽ vẫn luôn “đồng hành cùng doanh nghiệp”.

Còn sức khoẻ là còn tất cả!

Bích Diệp/DT

Bài mới
Đọc nhiều