Sống nơi sạt lở đê biển
Cà MauVới những cơn sóng hơn 3 m thường xuyên phủ thân đê, nhiều hộ dân ở cửa biển vùng Đất Mũi đã phải vài lần di dời nhà để chạy sạt lở.
Gia đình bà Trịnh Kim The (52 tuổi, ở xã Khánh Bình Tây, huyện Trần Văn Thời) sống tại chân đê phòng hộ đã nhiều năm. Thời gian gần đây, nghề biển thất bát nên hai con của bà lên Bình Dương kiếm sống. Vợ chồng bà bám trụ lại căn nhà tạm bợ, ai thuê gì làm nấy để nuôi đứa cháu nội. Trong đợt ảnh hưởng của bão số 2 vừa qua, triều cường dâng cao, sóng dữ uy hiếp đê nên bà rất sợ.
Khu vực gia đình bà The sống nằm trong đoạn sạt lở đặc biệt nghiêm trọng (Đá Bạc – Kênh Mới) được cơ quan chức năng Cà Mau liệt vào danh sách có thể xảy ra vỡ đê bất cứ lúc nào. Trên đoạn đê dài 4,5 km này, có 4 đoạn (dài khoảng 850 m) không còn rừng phòng hộ bảo vệ.
Tuyến đê biển Tây qua Cà Mau dài 78 km, có vai trò ngăn mặn, bảo vệ sản xuất hệ sinh thái ngọt trực tiếp của hai huyện U Minh và Trần Văn Thời. Từ 2019 đến nay tỉnh này ghi nhận 12 điểm sạt lở mới, dài gần 8 km. Trong đó, đoạn sạt lở bờ Bắc – bờ Nam cống Kênh Mới, dài 765 m cũng có nguy cơ vỡ đê.
Năm ngoái triều cường kỷ lục đã tràn qua mặt đê cao 3 m, gây sạt lở hơn 300 m thân đê. Tỉnh Cà Mau phải ban bố tình huống thiên tai khẩn cấp và triển khai hàng loạt biện pháp bảo vệ tuyến đê để đảm bảo an toàn cho 90.000 ha đất sản xuất nông nghiệp trong vùng ngọt hóa của hơn 26.000 hộ dân.
Hiện, đoạn sụt lún qua xã Khánh Bình Tây dài gần 200 m, chỉ còn phần chân cao hơn một mét. Trong những ngày qua, sạt lở liên tiếp xảy ra khiến gia đình bà The cùng hàng chục hộ dân sống ở đây luôn bất an. “Chính quyền địa phương đã mấy lần ghi danh sách nói sẽ di dời nhưng cũng chưa thấy thực hiện”, bà The nói.
Tình trạng sạt lở bờ biển Đông ở Cà Mau nan giải cũng không kém. Tại khu dân cư Bõ Hữu ở cửa biển Bồ Đề (xã Tam Giang Đông, huyện Năm Căn), nhiều hộ dân đã phải vài lần di dời nhà để chạy sạt lở. Gia đình ông Lê Minh Luân từng sở hữu căn nhà cấp 4 to, đẹp nhất khu dân cư này. Nhưng vì sạt lở, cách đây vài năm ông phải bỏ ngôi nhà mà mình tiết kiệm nhiều năm mới làm được để chuyển vào trong, cách nền cũ khoảng 200 m, dùng cây gỗ dựng lại ngôi nhà.
“Làm được bao nhiêu tiền mất hết theo mấy lần dời nhà. Người dân ở đây nghèo cũng vì sạt lở. Không chỉ gia đình tôi, đa số bà con ở đây đã phải dời nhà ít nhất một lần rồi”, ông Luân, người đã hai lần phải di dời nhà cho biết.
Ở khu vực đang có hơn 70 hộ dân sinh sống này, căn nhà của ông Diệp Thanh Hùng gần biển nhất, với khoảng cách 10 bước chân. Từ đầu mùa mưa đến nay, những cơn sóng dữ đã mấy lần “nhăm nhe” tới căn nhà nên hai vợ chồng ngoài 60 tuổi rất lo sợ. Muốn di dời nhưng không có chỗ để đi nên vợ chồng ông dự tính mang những đồ dùng sinh hoạt vào gửi nhà người thân trước, rồi tính tiếp.
Theo ông Hùng, trước đây biển cứ lở lại bồi, tán rừng còn hơn 100 m bên ngoài che chắn cho khu dân cư. Nhưng chừng 10 năm nay, sóng biển đánh mất hết rừng, cuốn mất luôn đồn biên phòng bên ngoài. “Không biết ông trời trở tính thế nào mà lở miết. Cứ tới mùa mưa bão là người dân đứng ngồi không yên. Khi giông gió, sóng chồm tới nhà”, lão ngư đã gần 30 năm định cư nơi đây nói.
Ông Huỳnh Văn Sáu, Chủ tịch UBND xã Tam Giang Đông cho biết, địa phương có 16 km bờ biển, toàn tuyến bị sạt lở nghiêm trọng. Sạt lở không chỉ làm mất rừng phòng hộ ven biển mà nhiều điểm đã lấn vào tới đất nuôi tôm của người dân, gây thiệt hại sản xuất. Hai cửa biển Bồ Đề và Hố Gùi trên địa bàn xã đều bị sạt lở ở mức báo động. 172 hộ dân cần phải di dời để đảm bảo tính mạng, tài sản nhưng ngoài khả năng của địa phương.
Theo Chi cục Thủy lợi Cà Mau, tỉnh có hơn 250 km đường bờ biển. Trong đó, khoảng 80% bị sạt lở ăn vào trong mỗi năm khoảng 20 m, có nơi mất 50 m. 76 km đường bờ biển bị sạt lở nghiêm trọng cần được bảo vệ. Ngoài ra, vấn đề sạt lở ven sông cũng rất nan giải đặt ra bài toán tái định cư cho 4.800 hộ dân. Trong khi tỉnh đang xây 3 khu tái định cư, chỉ giải quyết được khoảng 500 hộ dân.
Ông Tô Quốc Nam, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Cà Mau cho biết, nhu cầu vốn để thực hiện các giải pháp ứng phó sạt lở rất lớn. Nguồn lực của tỉnh không đảm bảo, còn nguồn vốn hỗ trợ của Trung ương có hạn nên phải ưu tiên thực hiện tại những nơi cấp bách nhất.
Trước mắt, những điểm sạt lở nguy hiểm nhưng chưa đáp ứng được kịp thì vận động các hộ có đất di dời trước. Các khu tái định cư đang đầu tư tỉnh sẽ đẩy nhanh tiến độ để di dời dân vào vùng an toàn. “Về lâu dài thì rất cần phải đầu tư thêm các khu tái định cư để đáp ứng nhu cầu thực tế”, ông Nam nói.
Hiện đồng bằng sông Cửu Long có trên 500 điểm sạt lở ven sông, biển, tổng chiều dài hơn 800 km. Mỗi năm, sạt lở làm mất khoảng 300 ha đất, rừng ngập mặn ven biển, hơn 19.000 hộ dân ven sông phải di dời khỏi vùng nguy hiểm. Trong 10 năm qua, các tỉnh đã được bố trí kinh phí hơn 16.000 tỷ đồng xây dựng các công trình phòng chống sạt lở, trồng trên 4.300 ha rừng ngập mặn.
Trung Dũng/VNE