+
Aa
-
like
comment

Sông Mekong: Cần sự minh bạch, hợp tác về nguồn nước

17/05/2020 13:41

Nghiên cứu trên đã đưa ra nhiều bằng chứng và dữ liệu hệ thống về việc các đập thủy điện Trung Quốc tích nước, góp phần làm tình trạng hạn hán ở các nước Thái Lan, Campuchia, Việt Nam thêm trầm trọng.

Sông Mekong: Cần sự minh bạch, hợp tác về nguồn nước - Ảnh 1.
Ông Alan Basist – Ảnh: NVCC

Trong một cuộc trao đổi trực tuyến ngày 7-5, các chuyên gia – tác giả chính của một nghiên cứu mới (công bố ngày 10-4) về Giám sát lượng nước tự nhiên chảy từ thượng nguồn lưu vực sông Mekong trong điều kiện tự nhiên đã nhấn mạnh tầm quan trọng của sự minh bạch và hợp tác về nguồn nước trong khu vực.

Những phát hiện mới này xác nhận điều mà nhiều người đã nghi ngờ từ lâu: Trung Quốc đang tích trữ nhiều nước hơn bao giờ hết và đang gây ra những thay đổi bất thường, tác động tiêu cực đến mực nước ở hạ nguồn.

Ông Brian Eyler

Cụ thể, từ tháng 4 đến tháng 9, cập nhật đến tháng 11-2019, phần thượng nguồn Mekong ở phía Trung Quốc có lượng mưa cao hơn bình thường nhưng các đập thủy điện ở nước này đã giữ lại số lượng nước đáng kể trong bối cảnh hạn hán khốc liệt ở hạ nguồn. Kết quả đo tại trạm Chiang Saen (Thái Lan) cho thấy mực nước sông không đủ để dâng cao trong mùa mưa.

Lẽ ra, lượng mưa và tuyết tan từ Trung Quốc đủ để mực nước ở đa số các nơi hạ lưu sông Mekong cao hơn trung bình từ tháng 4-2019 đến tháng 3-2020, nếu các đập thủy điện ở Trung Quốc không tích nước.

PV trò chuyện cùng tác giả chính của nghiên cứu, ông Alan Basist – chủ tịch Công ty Eyes on Earth Inc (chuyên nghiên cứu và tư vấn về nước) và ông Brian Eyler – giám đốc Chương trình Đông Nam Á, Trung tâm nghiên cứu Stimson (Mỹ), về ý nghĩa của nghiên cứu này.

* Thưa ông Alan Basist, ông có thể nói về quá trình thực hiện nghiên cứu này?

– Chúng tôi thực hiện nghiên cứu này đầu năm 2019 với ý tưởng giám sát lượng nước chảy từ thượng nguồn sông Mekong (sông Lan Thương, theo tên gọi ở Trung Quốc) tại một vị trí cửa ngõ là trạm đo Chiang Sean.

Dữ liệu mực nước sông trung bình đo hằng ngày ở trạm này được thu thập từ tháng 1-1992 đến tháng 9-2019, do Ủy hội sông Mekong quốc tế (MRC) cung cấp. Phần phía trên trạm Chiang Sean gồm toàn bộ chiều dài con sông Lan Thương và một phần sông Mekong chảy qua Myanmar và Lào nhưng ở đây, không có phụ lưu nào chảy vào dòng chính.

Chúng tôi cố gắng tìm hiểu điều này với mục tiêu thúc đẩy sự minh bạch. Khi có thể xác định được lượng nước tự nhiên của dòng sông, những thảo luận về cách phân phối nguồn nước giữa các quốc gia chia sẻ dòng Mekong sẽ trung thực hơn. Do đây là một nghiên cứu nhỏ, hạn chế về phạm vi, chúng tôi chỉ tập trung vào khu vực thượng nguồn.

* Nghiên cứu dựa vào dữ liệu vệ tinh cần tham chiếu với số liệu mặt đất. Ông có được tiếp cận với các dữ liệu cần thiết về việc vận hành chuỗi đập của Trung Quốc để tham chiếu cho nghiên cứu của mình không?

– Trung Quốc không cung cấp dữ liệu này. Đây chính là vấn đề. Chúng tôi đã xác thực dữ liệu từ cảm biến vệ tinh với dữ liệu của trạm đo tại Chiang Sean và số liệu này là quan trọng nhất, phản ánh lượng nước thực sự ở biên giới Thái Lan.

Mối quan hệ giữa dữ liệu vệ tinh và dòng chảy tự nhiên trong mô hình của chúng tôi phù hợp tuyệt vời với nhau, ổn định, có chu kỳ cao thấp hằng năm phù hợp với dòng chảy tự nhiên. Sau đó, chúng tôi đối chiếu với độ cao mực nước sông ở trạm Chiang Sean. Đây là nguồn số liệu mặt đất chính xác và là giá trị của mô hình của chúng tôi.

* MRC đã phản hồi nghiên cứu của ông vào ngày 21-4. Ông có ý kiến gì về những phản hồi đó?

– Nghiên cứu của chúng tôi phối hợp với MRC từ đầu. MRC khuyến khích chúng tôi thực hiện nghiên cứu này và cung cấp dữ liệu cho chúng tôi. Tôi trình bày về nghiên cứu của mình ở Hà Nội vào tháng 12-2019 với dữ liệu tính đến tháng 3 cùng năm để chứng minh chỉ số độ ẩm là đáng tin cậy để giám sát dòng chảy tự nhiên và hiểu sự khác biệt giữa dòng chảy tự nhiên và lượng nước đo được ở trạm Chiang Sean.

Một đại diện của MRC tại buổi trình bày đề nghị tôi mở rộng nghiên cứu, xem xét toàn bộ mùa khô năm 2019 để biết lượng nước chảy từ Trung Quốc xuống là nhiều hay ít.

Sông Mekong: Cần sự minh bạch, hợp tác về nguồn nước - Ảnh 3.
Ông Brian Eyler – Ảnh: NVCC

* Thưa ông Brian Eyler, nghiên cứu tập trung vào 6 tháng trong một năm đặc biệt (năm hạn hán, ít mưa). Còn tác động của đập thủy điện ở Trung Quốc trong năm bình thường đối với ĐBSCL sẽ như thế nào?

– Dù là năm nào, các đập thượng nguồn của Trung Quốc đều có tác động đến Đồng bằng sông Cửu Long. Các đập thủy điện của Trung Quốc tác động đến sông Mekong ở ĐBSCL bằng cách tích nước hoặc xả nước. Trong 30 năm qua, Trung Quốc tích nước nhiều hơn là xả nước.

Trong những năm hạn nghiêm trọng và trong mùa khô, lượng nước từ Trung Quốc chảy về hạ lưu từ 40% hoặc hơn so với phần còn lại của lưu vực. Vì vậy, trong mùa khô, tác động từ thượng nguồn do việc hạn chế dòng chảy có khả năng ảnh hưởng lớn hơn so với các tác động này trong mùa mưa.

Tác động của việc tích nước trong mùa khô làm tăng nhiễm mặn ở ĐBSCL, buộc người dân phải khai thác một lượng lớn nước ngầm do thiếu nước ngọt.

Ngoài ra, tác động tổng hợp lớn nhất của các đập thủy điện ở Trung Quốc là loại bỏ phù sa khỏi hệ thống sông Mekong vì 60% lượng trầm tích của dòng chính sông Mekong đến từ Trung Quốc. Phù sa rất quan trọng đối với sản xuất nông nghiệp ở Đồng bằng sông Cửu Long, là yếu tố rất quan trọng làm cho ĐBSCL vững chắc hơn trước những đe dọa của biến đổi khí hậu. Khi phù sa bị mất đi, ĐBSCL không còn được bồi đắp, nơi này sẽ bị suy yếu về mặt địa chất, dễ bị xói mòn và lún thấp hơn mực nước biển.

* Trung Quốc có thể giữ nước phía sau các con đập của họ. Điều gì xảy ra với khối lượng nước này, cuối cùng thì nước chảy đi đâu?

– 5 con đập đã được xây dựng trong 5 năm qua ở thượng nguồn sông Mekong đều có hồ chứa lớn. Nước có khả năng nằm trong các hồ chứa này ở thượng nguồn. Các đập trên sông Lan Thương thường không sử dụng để sản xuất thủy điện nên nước không thường xuyên chạy qua các tuôcbin, trừ khi ở thượng nguồn hoặc hạ nguồn cần xả nước.

Các con đập ở thượng nguồn có vai trò như nguồn dự trữ nước cho tương lai của Trung Quốc với cái giá mà các nước hạ nguồn gánh chịu.

Đập Cảnh Hồng của Trung Quốc quả thực có xả nhiều nước hơn trung bình trong mùa khô (cuối tháng 1-2020), giúp mực nước trung bình trên sông Mekong tăng lên nhưng chỉ số ở các trạm đo tại Tân Châu, Châu Đốc ở ĐBSCL cho thấy lượng nước này không đến Việt Nam.

Tôi không thấy có bằng chứng nào về việc Trung Quốc tháo nước từ sông Lan Thương sang các lưu vực sông khác ở đại lục. Cho đến nay, điều này là không thể về mặt kỹ thuật, nhưng không có nghĩa là nó không được khắc phục trong tương lai khi tài nguyên nước ở Trung Quốc cạn kiệt dần theo thời gian.

* Có khả năng nước được dùng như một loại vũ khí như tích trữ trong mùa khô hạn hoặc xả thêm trong mùa lũ không, thưa ông?

– Trước khi có báo cáo này, tôi sẽ trả lời “KHÔNG” với câu hỏi trên. Nhưng bằng chứng khoa học đã thay đổi suy nghĩ của tôi. Năm ngoái, Trung Quốc đã giữ rất nhiều nước trong mùa mưa, vốn là một năm ít mưa ở hạ lưu sông Mekong, phá vỡ chu kỳ nước sông dâng lên.

Liệu Trung Quốc có làm điều này và sử dụng nước như một loại vũ khí hay không còn phải lý giải. Tôi cho rằng sự kiện đã xảy ra có thể do thiếu sót về thông tin hoặc thiếu phối hợp giữa các đơn vị vận hành đập và chính quyền trung ương ở Bắc Kinh. Nhưng qua đó ta thấy những thiếu sót ở Trung Quốc có khả năng can thiệp sâu vào sự sống còn của sông Mekong, dòng chính.

Ngoài ra, có báo cáo về việc xả nước đột ngột liên quan đến các con đập mới. Một lần nữa, Trung Quốc dường như đã không được lường trước hậu quả của việc xả nước bất ngờ với hạ nguồn.

Hậu quả của nó chắc chắn là giống với tác động của một loại vũ khí đối với các cộng đồng ở bắc Thái Lan và Lào, nơi sinh kế của người dân bị thiệt hại. Ruộng vườn của họ bị ngập, nông cụ và gia súc bị cuốn trôi.

* Việc các con đập tích nước, xả nước có thể là thách thức cho các nỗ lực đối thoại giữa Trung Quốc và các nước Mekong. Làm sao các bên liên quan có thể thảo luận, kêu gọi sự minh bạch và hợp tác tích cực hơn từ Trung Quốc?

– Phương pháp của Công ty Eyes on Earth có thể được nhân rộng với chi phí thấp. Nếu các bên liên quan, cho dù là cấp chính phủ hay phi chính phủ áp dụng các phương pháp nghiên cứu này hoặc có nhu cầu tiếp cận với số liệu gần như theo thời gian thực từ Công ty Eyes on Earth hoặc các tổ chức nghiên cứu khác, những thông tin này có thể trở thành kiến thức phổ biến và được sử dụng rộng rãi để cải thiện các cuộc đối thoại liên quan đến Mekong.

MRC cần áp dụng phương pháp và phát hiện này, đồng thời công nhận giá trị của nó trong việc giám sát sông Mekong và sử dụng nó trong các thảo luận trong khuôn khổ Hợp tác Lan Thương – Mekong của cơ quan này với Trung Quốc.

* Xin cảm ơn hai ông.

HỒNG VÂN/TT

Bài mới
Đọc nhiều