+
Aa
-
like
comment

Sống giữa thành phố mà như… “thời nguyên thủy” vì không có điện

10/09/2019 18:37

Dù sống giữa trung tâm của TP. Thanh Hóa nhưng đã 5 năm qua, người dân ở khu nhà ở và dịch vụ thương mại thuộc khu đô thị Bắc Cầu Hạc hay còn gọi là mặt bằng 6275 phường Nam Ngạn vẫn sống trong cảnh không có điện.

Mua điện với giá 5-6 triệu đồng/tháng

Sống giữa thành phố mà như... “thời nguyên thủy” vì không có điện - 3
5 năm qua, cuộc sống của các gia đình ở mặt bằng 6275 khốn khổ vì không có điện.

Theo phản ánh của các hộ dân sống ở mặt bằng 6275, họ đã xây dựng nhà ở mặt bằng này được 5 năm. Thế nhưng, 5 năm qua, người dân ở đây muốn có điện thắp sáng phải mua điện từ nơi khác kéo về. Một số hộ thì xin kéo điện của các hộ gia đình xung quanh mặt bằng, một số hộ khác thì đấu tạm tại trạm điện của Tập đoàn Miền Trung.

Cũng theo người dân, họ phải trả tiền điện với giá “cắt cổ”, gần 4.000 đồng/số điện. Vào mùa hè nóng cao điểm, nhiều gia đình phải bỏ ra 5-6 triệu đồng/tháng.

Sống giữa thành phố mà như... “thời nguyên thủy” vì không có điện - 1
Sống giữa thành phố mà như... “thời nguyên thủy” vì không có điện - 2
Hàng chục hộ dân viết đơn xin được có điện.

Oái oăm thay, gần 1 tháng qua, trạm biến áp của Công ty Miền Trung quá tải bị cháy nên ngừng cung cấp điện cho các hộ xung quanh khiến gần 20 hộ thuộc mặt bằng không có điện để sinh hoạt.

Chị Vũ Thị Phương Thanh ở mặt bằng quy hoạch 6275 cho biết, gia đình chị xin mua lại điện từ công ty Miền Trung, vừa qua biến áp của công ty này cháy nên từ đó đến nay, mỗi buổi tối, mọi sinh hoạt trong nhà chị cũng như những gia đình lâu nay đang sử dụng điện từ công ty này đều phải dùng nến hoặc đèn pin.

“Có ai nghĩ rằng giữa thành phố mà chúng tôi sống như ở thời đại nguyên thủy. Tối đến, nhà nào nhà nấy tối bưng. Mùa hè nóng không chịu được. Con cái chúng tôi phải đi sơ tán sang nhà người thân mới có điện để học” – chị Thanh bức xúc.

Đối với những hộ gia đình xin mua lại điện của những hộ dân sống lân cận mặt bằng thì nguồn điện không đảm bảo, thường xuyên chập chờn do quá tải.

Ông Cao Hoàng Khang, người dân sống ở mặt bằng này cho hay: “Gia đình tôi ở đây đã 3 năm nhưng chưa một ngày được sử dụng điện lưới quốc gia mà phải mua của người dân bên ngoài với giá rất cao thế nhưng nguồn điện sử dụng cũng không ổn định”.

Được biết, mặt bằng 6275 chủ yếu phục vụ bố trí tái định cư cho các hộ dân bị ảnh hưởng bởi một số dự án trên địa bàn thành phố. Mặt bằng do Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng số 2, TP Thanh Hóa làm chủ đầu tư với tổng mức đầu tư khoảng 30 tỷ đồng.

Sống giữa thành phố mà như... “thời nguyên thủy” vì không có điện - 4
Gần 1 tháng nay, do trạm biến áp của Công ty Miền Trung bị cháy, hàng chục hộ dân lại sống trong cảnh thắp nến hoặc sử dụng đèn pin vào buổi tối.

Năm 2012, dự án bắt đầu xây dựng cơ sở hạ tầng, năm 2014 thi công gói điện, đơn vị thi công là Công ty Hồng Phát. Dự án có tổng diện tích gần 19 ha, gồm 373 lô liền kề và 27 biệt thự. Hiện nay, có khoảng 100 hộ dân đang sinh sống nơi đây.

Dân “khát điện” đến bao giờ?

Liên quan đến sự việc trên, ông Hoàng Hải, Giám đốc điện lực TP Thanh Hóa cho biết, hiện tại, các hạng mục công trình điện tại mặt bằng 6275, phường Nam TP. Thanh Hóa đã được điện lực thành phố nghiệm thu đảm bảo an toàn kỹ thuật, đủ điều kiện đưa vào vận hành.

Sống giữa thành phố mà như... “thời nguyên thủy” vì không có điện - 5
Điện lực TP Thanh Hóa cũng đã có văn bản gửi UBND thành phố này về việc đề nghị được bàn giao tài sản cho ngành điện để cung cấp điện cho người dân.

“Để đảm bảo an toàn trong sử dụng điện tại MBQH 6275, ngành điện đề nghị UBND thành phố chỉ đạo Ban QLDA đầu tư xây dựng số 2 thực hiện các thủ tục bàn giao tài sản cho ngành điện theo quy định để sớm bán điện đến từng hộ dân. Nhưng do chưa bàn giao tài sản cho ngành điện nên điện lực TP. Thanh Hóa không thể tự ý đóng cầu dao điện đến các hộ dân” – ông Hải cho biết

Sống giữa thành phố mà như... “thời nguyên thủy” vì không có điện - 6
Các hạng mục công trình điện tại mặt bằng 6275 đã được hoàn thiện thế nhưng người dân vẫn sống trong cảnh mòn mỏi đợi chờ.

Theo ông Hoàng Văn Hưng, Giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng số 2: Hiện tại, hạ tầng cơ sở đã thi công hoàn tất được 99%, việc thi công đã đấu nối đến các trạm điện. Nhưng theo Quyết định 41/2017 của Thủ tướng Chính phủ quy định trình tự, thủ tục điều chuyển công trình điện được đầu tư bằng vốn nhà nước sang Tập đoàn Điện lực Việt Nam quản lý, vì vậy đơn vị thi công đang cố gắng sớm bàn giao tài sản cho Công ty Điện lực tiếp nhận và cung cấp điện cho người dân mặt bằng quy hoạch 6275.

Bình Minh/Dân Trí

Tags:
Bài mới
Đọc nhiều