Sóng gió ập đến và hiệu ứng từ “bàn tay” Chính phủ

Vừa qua, Nikkei Asia cho rằng, sóng gió đang đến với phần lớn châu Á, nhưng Việt Nam bị ảnh hưởng nhiều hơn cả, bởi Mỹ và châu Âu là những khách hàng lớn nhất của quốc gia này.

Theo chuyên gia của VinaCapital, tỷ lệ thương mại quốc tế trên GDP của Việt Nam cao hơn bất kỳ quốc gia nào khác trong lịch sử hiện đại (ngoại trừ các quốc gia nhỏ như Singapore), vì vậy nhu cầu sụt giảm ở phần còn lại của thế giới gây áp lực khá lớn lên nền kinh tế Việt Nam.

Tuy nhiên, kinh tế trưởng của VinaCapital Michael Kokalari cho rằng, hàng tồn kho tại các nhà bán lẻ Mỹ và doanh nghiệp tiêu dùng khác đang giảm, đơn đặt hàng của nhà máy Việt Nam sắp phục hồi. Chính phủ đang nỗ lực giải quyết một số vấn đề vĩ mô.

Tình trạng xuất khẩu của Việt Nam sụt giảm vẫn chưa kết thúc, vì nhu cầu toàn cầu tiếp tục suy yếu cả năm 2023.

Trong 5 tháng trở lại đây, xuất khẩu đã có 4 tháng tăng trưởng âm, chỉ duy nhất tháng 2 ghi nhận mức tăng trưởng dương 11,7%, trong khi đó nhập khẩu sụt giảm 5 tháng liên tiếp.

Những tháng đầu năm 2023, cả xuất, nhập khẩu đều ghi nhận mức giảm sâu nhất tính từ 2019, ngay cả trong giai đoạn COVID-19, lĩnh vực này cũng chưa từng sụt giảm mạnh đến như vậy.

“Đơn hàng từ nước ngoài đã có dấu hiệu chậm lại từ tháng 10 năm ngoái do kinh tế Mỹ và nhiều nước phương Tây gặp khó khăn, người dân thắt chặt chi tiêu”, – Nikkei lưu ý.

Tại báo cáo mới công bố, Oxford Economics đề cập, tình trạng xuất khẩu của Việt Nam sụt giảm vẫn chưa kết thúc, vì nhu cầu toàn cầu dự báo suy yếu cả năm 2023.

“Rủi ro suy thoái toàn cầu có thể ảnh hưởng đến đơn đặt hàng của các nhà máy – huyết mạch của nền kinh tế Việt Nam”, – Oxford Economics cho biết. Cũng theo Oxford Economics, dữ liệu cần đặc biệt theo dõi là nhập khẩu. Chỉ số này sẽ báo hiệu được những gì sẽ diễn ra nhiều tháng sau đó vì nhập khẩu của Việt Nam chủ yếu là nhập khẩu nguyên vật liệu dùng cho sản xuất hàng xuất khẩu.

Dù vậy, số liệu nhập khẩu có thể thấy các nhà sản xuất vẫn bi quan về triển vọng nhu cầu bên ngoài, do đó họ thận trọng trong mua nguyên liệu đầu vào.

Ông Michael Kokalari, Chuyên gia Kinh tế trưởng của VinaCapital bình luận trong báo cáo mới công bố của tổ chức này cho biết, các nhà hoạch định chính sách của Việt Nam có thể khắc phục tình trạng tăng trưởng chậm và kinh tế sẽ phục hồi vào nửa cuối năm 2023.

“Kinh tế Việt Nam hiện nay chậm lại một phần là do nhu cầu của người tiêu dùng Mỹ đối với các sản phẩm “Made in Vietnam” giảm”, – chuyên gia lý giải.

Theo chuyên gia, đơn đặt hàng tại các nhà máy FDI ở Việt Nam có khả năng phục hồi trong nửa cuối năm và sẽ giúp thúc đẩy kinh tế phục hồi vào cuối năm nay.

Sản xuất đóng góp gần 1/4 GDP của Việt Nam và sản lượng giảm nhẹ trong quý I so với mức tăng trưởng 9% vào năm 2022 do hầu hết các sản phẩm sản xuất tại Việt Nam được xuất khẩu sang Mỹ và các nước phát triển khác.

Ông Michael Kokalar lưu ý tỷ lệ thương mại quốc tế trên GDP của Việt Nam cao hơn bất kỳ quốc gia nào khác trong lịch sử hiện đại (ngoại trừ các quốc gia nhỏ như Singapore), vì vậy nhu cầu sụt giảm ở phần còn lại của thế giới gây áp lực khá lớn lên nền kinh tế Việt Nam.

Xuất khẩu của Việt Nam giảm 12% so với cùng kỳ trong quý I, do xuất khẩu sang Mỹ giảm 20%. Tuy nhiên, chuyên gia của VinaCapital cho rằng hàng tồn kho tại các nhà bán lẻ Mỹ và các doanh nghiệp tiêu dùng khác như Nike và Lululemon hiện đang giảm, vì vậy đơn đặt hàng tại các nhà máy FDI sẽ bắt đầu phục hồi vào nửa cuối năm nay.

Báo cáo của VinaCapital chỉ rõ, tăng trưởng hàng tồn kho tại các nhà bán lẻ của Mỹ ở mức hơn 20% so với cùng kỳ vào cuối năm 2022, hiện ở mức khoảng 10% và có vẻ như sẽ giảm xuống mức tăng trưởng 0% so với cùng kỳ năm ngoái trong nửa cuối năm. “Điều này sẽ làm phục hồi tăng trưởng đơn hàng trở lại cho các nhà máy FDI tại Việt Nam”, – ông Kokalari nhấn mạnh.

Báo cáo của VinaCapital cũng đề cập đến một điểm tích cực nữa là tiêu dùng nội địa ở Việt Nam tiếp tục tăng trưởng ổn định và người tiêu dùng vẫn duy trì niềm tin vững chắc bất chấp tốc độ tăng trưởng GDP giảm mạnh.

“Một phần trong đó là do số người có việc làm tăng hơn 2% so với cùng kỳ trong quý I, gấp đôi so với tốc độ tăng trưởng dân số của cả nước và ước tính thu nhập tăng hơn 7% so với cùng kỳ, vượt xa con số lạm phát chỉ hơn 3%”.

Bên cạnh đó, lượng khách du lịch nước ngoài đã tăng vọt lên hơn 60% so với mức trước COVID trong quý I mặc dù trên thực tế khách du lịch Trung Quốc vẫn chưa ồ ạt quay trở lại Việt Nam.

“Đó là một lý do khác khiến chúng tôi kỳ vọng tăng trưởng kinh tế của Việt Nam sẽ phục hồi trong nửa cuối năm”, – ông Michael Kokalari cho hay.

Đặc biệt, tại báo cáo mới công bố, VinaCapital đánh giá cao những biện pháp hỗ trợ tăng trưởng của Chính phủ Việt Nam. Điển hình như mới đây Bộ Tài chính đã hoàn tất kế hoạch cắt giảm thuế GTGT từ 10% xuống 8% trong nửa cuối năm 2023, tương đương với việc kích thích khoảng 1,5 tỷ USD cho nền kinh tế 450 tỷ USD của Việt Nam.

Cạnh đó, Chính phủ cũng sẽ cho phép các cá nhân và tổ chức trì hoãn từ 3 đến 6 tháng trong việc thanh toán các loại thuế khác nhau.

Như đã đề cập, hồi tháng 3/2023, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã cắt giảm lãi suất chính sách từ 50-100 điểm cơ bản. Cụ thể, lãi suất tái cấp vốn (lãi suất chính sách quan trọng nhất ở Việt Nam) giảm 50 điểm cơ bản xuống còn 5,5%.

Thêm nữa, lãi suất tối đa mà các ngân hàng được phép trả cho người gửi tiết kiệm đối với các khoản tiền gửi có kỳ hạn lên đến 6 tháng giảm 50 điểm cơ bản xuống còn 5,5%.

Bên cạnh những bước cụ thể để thúc đẩy tăng tưởng, Chính phủ cũng đã lùi một số quy định mới được đưa ra vào cuối năm 2022 nhằm áp đặt các điều kiện chặt chẽ hơn đối với việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp. Chính phủ cũng chỉ đạo các bộ ngành giải quyết nhiều nút thắt hành chính hiện đang cản trở việc phát triển bất động sản và xây dựng cơ sở hạ tầng.

“Cắt giảm thuế và cắt giảm lãi suất chính sách là những hành động cụ thể nhất mà Chính phủ đã làm để hỗ trợ tăng trưởng, nhưng những biện pháp hành chính này có thể có tác động lớn hơn nhiều đến tăng trưởng kinh tế”, – ông Kokalari bày tỏ. Báo cáo chỉ rõ, phát triển bất động sản (chiếm gần 10% GDP của Việt Nam) về cơ bản đã bị đình trệ, phần lớn là do những khó khăn mà các công ty bất động sản đang gặp phải khi xin phê duyệt để tiến hành dự án.

Một số vấn đề cấp vi mô mà Chính phủ đang định hướng giải quyết bao gồm: các vướng mắc trong việc chuyển đổi đất nông nghiệp sang sử dụng cho các dự án bất động sản nhà ở, sự chậm trễ trong việc thẩm định giá trị đất đai để xác định tiền sử dụng đất/tiền chuyển đổi phải nộp cho Chính phů.

Chính phủ cũng đưa ra gói cho vay trợ cấp trị giá 5,1 tỷ USD để hỗ trợ phát triển hơn một triệu nhà ở xã hội mới (các khoản vay hỗ trợ lãi suất sẽ được cung cấp cho người mua nhà và chủ đầu tư thông qua các ngân hàng thương mại nhà nước) và thành lập tổ nhóm công tác mới để xem xét và loại bỏ những trở ngại mà các nhà phát triển bất động sản gặp phải khi tiến hành dự án.

Với mục tiêu tăng giải ngân cho đầu tư công khoảng 40% vào năm 2023 (lên 30 tỷ USD), Chính phủ cũng đã thành lập Tổ công tác đẩy nhanh tiến độ giải ngân các dự án đầu tư công trong năm nay. Dù vậy, chi tiêu cho đầu tư công chỉ tăng chưa đến 20% so với cùng kỳ trong quý I.

Ngoài các biện pháp hành chính, Chính phủ cũng đưa ra một số định hướng cho các ngân hàng nhằm tạo điều kiện trong việc cơ cấu lại thời gian trả nợ dành cho các nhà phát triển bất động sản cũng như cho những doanh nghiệp khác, mặc dù chi tiết của những đề xuất hoãn trả nợ này vẫn đang được xem xét thêm.

Nội dung: Hạ Băng
Đồ họa: M.N