+
Aa
-
like
comment

Sống chung với COVID-19, Singapore có thể ghi nhận tới 1.000 ca bệnh/ngày

10/09/2021 10:17

Một mô hình dự đoán số ca COVID-19 trong ngày của Singapore có thể lên tới 1.000 trường hợp trong bối cảnh nước này bắt đầu sống chung với dịch bệnh.

Với 88% dân số tiêm đủ vaccine, Singapore từ 8/9 cho phép những người đã chích ngừa đầy đủ đi du lịch tới Đức, Brunei và không cần cách ly khi trở về.

Singapore cũng bắt đầu đón du khách tiêm chủng đầy đủ tới từ 2 quốc gia này nếu họ có xét nghiệm COVID-19 âm tính. Đây là một trong những nỗ lực phục hồi nền kinh tế của quốc gia phụ thuộc nhiều vào thương mại.

Nhưng sự gia tăng số ca nhiễm khi bắt đầu triển khai chiến lược “sống chung với COVID-19” khiến giới chức Singapore tỏ ra thận trọng hơn. Người dân trong khi đó hoài nghi về mức độ an toàn của việc coi COVID-19 là bệnh đặc hữu và dần mở cửa trở lại.

Viên thuốc đắng

Tuần trước, Singapore ghi nhận 1.325 ca COVID-19, tăng gần gấp đôi so với 723 ca của tuần trước đó.

Mới đây nhất hôm 9/9, đảo quốc sư tử ghi nhận 450 ca nhiễm cộng đồng mới, cao nhất kể từ tháng 8/2020.

Quán cafe Singapore đánh dấu bàn để đảm bảo giãn cách xã hội. (Ảnh: Reuters)

Từ đầu tuần, Singapore ra lệnh cấm tụ tập và giao lưu tại nơi làm việc, đồng thời kêu gọi hạn chế các hoạt động tụ tập xã hội xuống còn 1 lần/ngày.

Nhận xét mới đây của Bộ trưởng Tài chính Singapore Lawrence Wong làm dấy lên tranh cãi trên mạng xã hội về việc kế hoạch mở cửa trở lại có bị thay đổi trong bối cảnh số ca nhiễm tăng mạnh hay không.

Ông Wong trước đó cho biết không loại trừ khả năng Singapore sẽ phải quay lại trạng thái “cảnh giác cao độ” liên quan tới việc lệnh cấm ăn uống tại các nhà hàng hoặc tệ hơn là áp dụng biện pháp “ngắt mạch” – cấm các hoạt động giao tiếp xã hội, hạn chế đi lại và đóng cửa doanh nghiệp

Lập trường thận trọng của chính phủ Singapore là minh chứng rõ nhất cho thấy khó khăn mà các nền kinh tế châu Á đang phải đối mặt trong quá trình chuyển đổi sang trạng thái sống chung với COVID-19.

Tiến sĩ Jeremy Lim tới từ Trường Y tế Công cộng Saw Swee Hock thuộc Đại học Quốc gia Singapore (NUS) nhận định các cảnh báo của ông Wong dựa trên các mô hình dịch tễ học và những lo ngại về mặt lý thuyết là có thể hiểu được.

Theo mô hình của Alex Cook – phó khoa nghiên cứu tại Trường Saw Swee Hock, Singapore có thể ghi nhận tới 1.000 ca COVID-19/ngày vào cuối tháng 9 nếu dịch bệnh tiếp tục lây lan với tốc độ hiện tại.

Theo ông Lim, cảnh báo của ông Wong là “viên thuốc đắng khó nuốt” với đa số người dân Singapore, những người tuân thủ các chỉ đạo của chính phủ một cách nghiêm túc và sẵn sàng sống chung với dịch bệnh.

“Một mặt, Singapore nói họ sẵn sàng để chuyển sang giai đoạn tiếp theo của đại dịch, đồng nghĩa chấp nhận số ca nhiễm gia tăng. Nhưng khi số ca bệnh tăng mạnh, họ lại thắt chặt một số hạn chế. Nếu không sẵn sàng để đối với việc gia tăng ca nhiễm, Singapore sẽ bị mắc kẹt trong việc chống chọi với đại dịch trong nhiều năm”, ông Cook cảnh báo.

Qua sông phải chấp nhận giẫm đá

Tuần trước, Kenneth Mak, giám đốc dịch vụ y tế thuộc Bộ Y tế Singapore cho biết việc ghi nhận tới hàng trăm ca nhiễm trong ngày thời điểm hiện tại không phải là điều bất ngờ. Hệ thống y tế của đảo quốc sư tử “không chịu quá nhiều áp lực” nhờ tỷ lệ tiêm chủng cao và tỷ lệ bệnh nhân phải chăm sóc đặc biệt ổn định.

Nhưng Wong khẳng định ông không thoải mái với hệ số lây nhiễm cơ bản của virus ở mức trên 1.

Leo Yee Sin, giám đốc điều hành Trung tâm Quốc gia về Bệnh truyền nhiễm Singapore cũng nhận định chỉ tiêm chủng là không đủ.

Singapore có thể ghi nhận tới 1.000 ca nhiễm/ngày vào cuối tháng 9. (Ảnh: ST)

“Singapore vẫn cần thận trọng. COVID-19 không thể được coi là bệnh cúm thông thường”, bà Lee nói.

Tiến sĩ Dale Fisher – chủ tịch Mạng lưới Ứng phó và Cảnh báo Dịch bệnh Toàn cầu của Tổ chức Y tế Thế giới cho rằng chiến lược hiện tại của Singapore là thận trọng và thích hợp.

Tuy nhiên, các nhà phân tích khác cho rằng Singapore cần quyết đoán hơn một khi đã quyết định sống chung với dịch bệnh.

“Tình hình dịch bệnh của Singapore vẫn thuận lợi. Số ca nhiễm có thể tăng những ngày tới, nhưng các ca bệnh nặng chủ yếu rơi vào nhóm thiểu số những người chưa tiêm chủng”, ông Cook cho hay.

Ông Lim thì cho rằng Singapore phải chấp nhận thực tế “muốn qua sông, phải chấp nhận giẫm đá”.

“Singapore cũng không nên quá lo sợ các rủi ro và bị tê liệt bởi các mô hình và u ám. Bạn có thể thử giẫm lên các viên đá và quyết định có nên trở lại và đi một con đường khác hay không”, Lim đánh giá.

Tiến sĩ David Allen, chuyên gia tư vấn cấp cao về các bệnh truyền nhiễm tại Trường Y Yong Loo Lin nhận định việc người dân hiểu rõ về dịch bệnh cùng với sự mệt mỏi suốt thời gian có thể khiến họ khó chịu về các biện pháp hạn chế hơn là số ca nhiễm.

Trong khi đó, Claire Hooker, giảng viên cấp cao về y tế và sức khỏe con người tại Đại học Sydney đánh giá việc chính phủ Singapore khẳng định COVID-19 là bệnh đặc hữu nhưng lại siết chặt các biện pháp trở lại sẽ khiến thông điệp nghe có vẻ mâu thuẫn, khó hiểu và làm người dân thất vọng.

“Họ cần phải thừa nhận và nói ‘Chúng tôi biết mọi người đều thất vọng. Chúng tôi hiểu rằng mọi thứ có vẻ như chúng tôi đang mâu thuẫn với chính mình, có thể các bạn cảm thấy bị phản bội khi cho rằng chúng tôi đang mang tới một hy vọng hão huyền’. Sau đó, giới chức có thể chia sẻ các chỉ số cụ thể mà họ tìm kiếm để nới lỏng các hạn chế”, ông Hook nói.

Về phần mình, ông Fisher cho rằng giờ là lúc Singapore cần thay đổi cách giải quyết vấn đề và chấp nhận thực tế số ca bệnh sẽ tăng lên nếu sống chung với dịch.

Song Hy (Theo SCMP)

Bài mới
Đọc nhiều