+
Aa
-
like
comment

Sơn hà nguy biến?

26/08/2019 15:11

Tiết Ngâu đi ngang qua Thái Hà ấp… Thái Hà ấp của người xưa đã hoang tàn biến dạng. Nhưng cái ấp – Trụ sở Công ty InvestConsult Group của ông nguyễn Trần Bạt vẫn y cựu, thâm nghiêm. Chợt tivi nhà bên đường phát ca khúc của nhạc sĩ Tạ Thanh Sơn: “Mùa thu rồi… ta đi theo tiếng kêu sơn hà nguy biến!”. 

Sơn hà nước Nam như đang nguy biến? Với sự kiện con quái hạm HD8 mang danh khảo sát địa chất của Trung Quốc đang chình ình ở vùng đặc quyền kinh tế của ta ở bãi Tư Chính làm dấy lên nhiều lo ngại…

Tự dưng dậy lên cái cảm giác thèm có ai đó để chuyện trò, sẻ chia? Tôi nghĩ ngay đến học giả Nguyễn Trần Bạt đang ngồi trong cái Ấp kia.

May quá, chủ nhân đương có nhà…

Chưa kịp đợi đầu tóc của khách khô hẳn nước mưa, chủ nhà Nguyễn Trần Bạt đã vào chuyện với chất giọng rủ rỉ, quen thuộc…

Tàu khảo sát Hải Dương Địa Chất 8. Ảnh: Cục Khảo sát Địa chất Trung Quốc.

Biến số nguy biến đầu tiên:  Vẫn nạn tham nhũng…

Tôi vẫn nghĩ rằng, Trung Quốc không có năng lực và có gan chiến tranh với Việt Nam, cho dù là đánh nhau ngoài khơi đi nữa. Không đánh thì người Việt Nam còn nể, nhưng đã đánh là người Việt đáp trả lại ngay và như thế sẽ có chuyện lôi thôi to.

Nói đến “Sơn hà nguy biến” thì chúng ta phải định nghĩa được là nguy biến nào. Nếu nguy biến do thế lực bên ngoài gây gổ thì đấy vẫn chưa phải là nguy biến lớn nhất. Tôi nghĩ thứ có thể làm cho “Sơn hà nguy biến” ở mức độ trầm trọng nhất vẫn là nạn tham nhũng tiếp tục hoành hành và không ít cán bộ tha hóa, biến chất.

Anh thử nghĩ mà coi, không ai hạ gục được Liên Xô bởi xung quanh nó là cả một vành đai bảo vệ, 12 nước XHCN trừ một vài nước xa xa còn lại đều ở quanh Đông Âu. Thế mà Liên Xô vẫn sụp. Đảng Cộng sản Liên Xô đổ là ngay lập tức Liên Xô sụp. Một trong những nguyên nhân chính khiesn Liên Xô sụp đổ là vấn đề nội tại của nó. Điều đó đã được nói và phân tích nhiều rồi.

Đó là bài học cho chúng ta.

Sơn hà nguy biến? - ảnh 2
Học giả Nguyễn Trần Bạt. (Ảnh: VGP)

“Sơn hà nguy biến” không phải là một khái niệm có tính chất khái quát. Sơn hà nguy biến phụ thuộc vào việc nó được định nghĩa theo quan điểm của ai, nguy biến đối với ai, và yếu tố nào tạo ra sự nguy biến, yếu tố nào đóng vai trò quan trọng nhất?

Chúng ta phải xem xem Biển Đông có giá trị gì với Mỹ không. Nếu Biển Đông không có giá trị thật sự đối với Hoa Kỳ, thì liệu Hoa Kỳ có “nhúng tay” vào không?

Có người gọi hỏi tôi có lời khuyên gì không? Tôi nói rằng cần giữ kín thái độ chính trị quốc tế, đừng bộc lộ tình cảm chính trị một cách ngốc ngếch.

Sơn hà nguy biến? - ảnh 3
MacArthur – vị tướng Mỹ được người dân Nhật Bản kính trọng.

Năm 1923, sau động đất, chính phủ Nhật Bản định rời đô, nhưng không may sau đó chiến tranh nổ ra nên chưa kịp thực hiện ý định. Cuối cùng chính tướng MacArthur đã tái thiết Tokyo. Năm 1951, khi tướng MacArthur về nước, hàng trăm nghìn người dân Tokyo đổ ra đường tiễn ông. Nước Nhật và Tokyo là kết quả của các tham vọng và các tầm nhìn chiến lược của vị Tổng tư lệnh Mỹ ở châu Á – Thái Bình Dương. Sau khi tướng MacArthur về nước độ hai năm thì hiệp ước an ninh Nhật – Mỹ được ký kết.

Rõ ràng Nhật Bản và Hàn Quốc là những chỗ chứa đựng lợi ích của Mỹ ở châu Á. Vậy người Mỹ có bỏ rơi châu Á không? Có bỏ rơi Đông Bắc Á, có bỏ rơi Đông Nam Á không? Trước Trung Quốc hung hăng như thế thì Đông Nam Á và Đông Á có liên kết với nhau trở thành một thực thể chính trị thống nhất không.v.v…

Đấy là những vấn đề cần phải quan sát cho kỹ. Tất cả các thái độ “dân tộc chủ nghĩa” ầm ĩ cũng chỉ nên vừa phải, hợp lý và đừng bao giờ tạo cho người Mỹ suy nghĩ rằng dân tộc này, khu vực này có thể tự xử lý lấy các vấn đề chính trị của nó.

Sơn hà nguy biến? - ảnh 4
Giàn khoan HD981 mà Trung Quốc đưa vào biển Đông năm 2014.

Năm 2014, Trung Quốc đưa giàn khoan HD981 vào làm tình hình căng thẳng, nhưng rồi họ cũng rút. Rồi tàu HD8  cũng phải rút thôi. Người Trung Quốc không vượt qua được người Mỹ, ít nhất là trong thập kỷ này. Đến năm 2030 thì chưa biết, nhưng từ giờ đến năm 2030 người Trung Quốc chưa vượt qua được Mỹ.

Phải hiểu rằng cân bằng quốc tế Trung – Mỹ chính là cân bằng có chất lượng phòng thủ ở Biển Đông.

Những cách thức đấu tranh như biểu tình chẳng hạn không giúp ích được chi nhiều mà chỉ gây khó chính trị cho nội bộ, làm sao nhãng cuộc đấu tranh chính trị hiện nay đó là chống tham nhũng. Chừng nào việc chống tham nhũng còn bị xao lãng thì sự sụp đổ của Việt Nam vẫn là một nguy cơ tồn tại nguyên xi.

Bao nhiêu tâm trạng đương sốt ruột việc kiện ra Tòa án quốc tế trong đó có sự kiện Bãi Tư Chính sao cứ chậm chạp, lần chần?

-Hồi nãy anh vừa đề cập đến chuyện biểu tình và bây giờ lại nói đến việc kiện. Tôi không muốn làm anh thất vọng nhưng thử nghĩ coi, cả Trump và Tập Cận Bình, hai người này dường như có cái khả năng tiềm tàng là đã, đang và sẽ phá vỡ toàn bộ giá trị của các thỏa thuận quốc tế.

Hai siêu cường ấy mà không tôn trọng luật pháp quốc tế thì chúng ta kiện ai? Và kiện để được gì? Đấy là trò của người Mỹ dựng ra để hù. Họ hù lâu đến mức chính Tổng thống của họ thấy chán.

Trump đang phá vỡ dần dần từng mảng một các hiệp ước quốc tế. Người Mỹ đã phá vỡ rồi thì chúng ta kiện ai và kiện để làm gì?

Sơn hà nguy biến? - ảnh 5
“Cả Trump và Tập Cận Bình, hai người này dường như có cái khả năng tiềm tàng là đã đang và sẽ phá vỡ toàn bộ giá trị của các thỏa thuận quốc tế”

Và nữa, việc Phillipines kiện Trung Quốc và đã thắng. Rồi ngay sau đó Trung Quốc phủ nhận phán quyết của Tòa trọng tài quốc tế. Điều ấy nói lên cái gì vậy?

-Trật tự thế giới của giai đoạn trước là do phương Tây thiết lập. Bây giờ người Trung Quốc cũng không chấp nhận hiệp ước Pháp – Thanh nữa. Họ bảo đấy là hiệp ước bất cân bằng do sự chênh lệch thế lực của thế kỷ 19 (!?) Kẻ mạnh bao giờ lại chẳng từ chối những cam kết có hại cho họ.

Vậy cái trò té nước ngoài Biển Đông đang gửi đi thông điệp gì vậy?

-Đó là một thí nghiệm. Nổ súng là một dấu hiệu được coi như phát động chiến tranh, nhưng xịt nước thì không phải là phát động chiến tranh.

Xịt nước là công cụ của các nước tư bản chủ nghĩa để đàn áp phong trào công nhân. Người Trung Quốc sử dụng phương pháp đàn áp phong trào công nhân của các nước tư bản để diễu võ giương oai nhưng vẫn tránh được tiếng là gây chiến.

Sơn hà nguy biến? - ảnh 6
Tàu Trung Quốc phu vòi rồng vào tàu Việt Nam trong sự kiện HD981 năm 2014. (Ảnh: Internet)

Khi đã cần tránh tiếng gây chiến thì tức là họ không có khả năng, không có sức mạnh đè bẹp Việt Nam. Những trò đánh độp, thẳng thừng, cứ lừ lừ tiến thì mình mới phải lo.

Dân tộc chúng ta sống cạnh miệng hổ mà không có đội ngũ trí thức đủ bình tĩnh thì chúng ta không yên ổn, không hạnh phúc. Sống mà không hạnh phúc thì rất phí!

Biển Đông vẫn luôn là nỗi canh cánh của người Việt. Từ cái tên trên bản đồ quốc tế, nó vẫn được ghi là South China Sea?

-Tôi không bao giờ uất ức trước về việc thiên hạ gọi tên biển Đông bằng những cái tên khác. Đấy là trò chơi của chính trị.

Nói sơn hà nguy biến là bệnh mãn tính của người Việt, nhất là về vấn đề Biển Đông.

Trước đây người Mỹ quản thông qua chính quyền VNCH. Hoàng Sa bị Trung Quốc lấy từ tay VNCH chứ không phải từ tay những người Cộng sản. Cho nên bây giờ chúng ta hình như có tâm trạng khó xử khi biểu dương sự hy sinh của các chiến sĩ VNCH ở Hoàng Sa trước đây? Nhiều người hỏi tôi nên thế nào. Tôi trả lời nên giữ vững ý chí sở hữu Biển Đông.

Hạnh phúc lớn lao nhất mà cũng nhọc nhằn nhất mà cha ông chúng ta để lại cho con cháu chính là Biển Đông. Giữ được Biển Đông là không hề không dễ dàng gì.

Sơn hà nguy biến? - ảnh 7

Giữa thủ đô mà để trẻ con chết oan uổng như thế. Giữa thủ đô mà người ta cấp phép cho những con buôn làm giáo dục thì kinh khủng.

Anh có cảm giác sự sống thường ngày ẩn chứa những bất an cùng bất trắc?

-Thoáng qua hay thường trực cảm giác, tâm trạng ấy là những cấp độ của nguy biến sơn hà. Nhưng lạ thay, tôi lại có cảm giác này, bất chấp tất cả những vụng về hay vô trách nhiệm, khi đất nước có biến thật nhân dân vẫn không bỏ rơi đất nước.

Nhưng nên nhớ, không bỏ rơi đất nước không phải vì được an ủi bằng những thứ hời hợt ấu trĩ…

(Còn nữa)

Xuân Ba/ Viettimes

Bài mới
Đọc nhiều