Sốc mạnh từ Nghị định 100
Nghị định 100/2019 đề ra các mức phạt thích đáng để bất kỳ ai cũng cần phải thay đổi hành vi, tạo nên cú hích để giảm thiểu đáng kể những nỗi đau tột cùng từ tai nạn giao thông.
Hẳn là có sự sắp xếp từ các cơ quan chức năng để cho ra nhiều con số chẵn không hề nhỏ. Nào là 100 (số văn bản), 2020 (năm có hiệu lực). Rồi thì 600.000 đồng, 8 triệu đồng, 40 triệu đồng; 18 tháng, 24 tháng (mức phạt tiền cao nhất và thời hạn tối đa tước bằng lái xe dành cho người lái xe đạp/gắn máy/ô tô vi phạm nồng độ cồn).
Đó là những gì dễ thấy, dễ nhớ từ Nghị định 100/2019.
Song song đó, thông tin lực lượng cảnh sát giao thông (CSGT) khắp cả nước đồng loạt lập chốt kiểm tra để xử phạt các trường hợp vi phạm xuất hiện dày đặc trên báo, đài cùng cho thấy những con số đó không chỉ để hăm dọa.
Ở TP.HCM, một người quốc tịch Pháp sau khi uống một ly bia (theo tự nhận) vẫn lái xe ô tô đã bị CSGT lập biên bản vi phạm với mức phạt gây bàng hoàng: 7 triệu đồng + tước bằng lái 11 tháng. Ở Hà Tĩnh, trưởng khoa một bệnh viện cũng bị CSGT chế tài với mức tương tự…
Tại Quảng Ninh, một sinh viên chạy xe máy bị CSGT vịn do vi phạm nồng độ cồn ở mức cao (0,672 miligam/lít khí thở). Nam sinh viên này đã ôm mặt khóc khi được xác định mức phạt hậu tiệc tất niên của anh lên đến 7 triệu đồng, lại còn bị tạm giữ xe trong bảy ngày…
Tại Cần Thơ, tính từ ngày 1 đến 6-1, lực lượng CSGT tổ chức hơn 300 cuộc tuần tra, kiểm soát và đã có hơn 180 trường hợp vi phạm luật giao thông bị phát hiện, lập biên bản. Trong đó, có bảy trường hợp vi phạm về nồng độ cồn, đặc biệt có một trường hợp có thể bị xử phạt đến 17 triệu đồng.
Tại Bà Rịa-Vũng Tàu, chỉ sau 2 giờ kiểm tra vào ngày 6-1, CSGT địa phương đã lập biên bản 15 trường hợp vi phạm nồng độ cồn. 13 xe máy và cả hai ô tô của những người vi phạm đều bị lực lượng chức năng đưa đi tạm giữ…
Vậy là từ ngày 1-1, nghị định mới (100/2019) về xử phạt vi phạm giao thông đường bộ đang khiến nhiều người thấy sợ mà không phạm lỗi thông qua những ấn tượng cực mạnh như thế đó.
Khi nghị định này còn nóng hổi (như bánh vừa mới ra lò), liền có những phản ứng kiểu như “mấy ổng làm quá”. Rằng là uống một, hai ly vẫn còn tỉnh táo chán để lái xe mà. Rằng là vụ tai nạn liên hoàn tại ngã tư Hàng Xanh (quận Bình Thạnh, TP.HCM) vào tháng 10-2018 khiến một người tử vong tại chỗ, năm người bị thương do nữ tài xế bị vướng giày cao gót (một sự ngụy biện không thể nào chấp nhận được) chứ không phải do bà vi phạm nồng độ cồn ở mức chót vót (đến 0,94 mg/lít khí thở). Rằng là phạt gì mà đến chục triệu đồng…
Phải nói lại ngay như sau: Sự không khoan nhượng của Nghị định 100/2019 được tựa trên sự dứt khoát không khoan nhượng của Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia. Bởi lẽ trong mấy chục năm trời, khi các Luật Giao thông đường bộ 2001, 2008 chỉ cấm theo ngưỡng đối với một số loại xe và mức phạt kèm theo cũng không cao thì số vụ tai nạn giao thông có liên quan đến rượu, bia cứ nhiều vô số kể.
Theo số liệu thống kê của Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, năm 2018 có hơn 18.000 vụ tai nạn giao thông. Trong đó, số vụ tai nạn do người lái xe uống rượu, bia chiếm đến 70%. Hậu quả đau lòng là có hơn 8.000 người thiệt mạng, hơn 14.000 người bị thương nặng, nhẹ. Với những con số đẫm máu ấy, Tổ chức Y tế thế giới (WTO) đã xếp Việt Nam đứng thứ hai Đông Nam Á về số người thương vong do tai nạn giao thông (26,6/100.000 người mỗi năm, trung bình 22 người/ngày)!
Từ chỗ đó, nếu lúc đầu có nhiều đại biểu vẫn chưa đồng ý thì sau cùng Quốc hội đã bấm nút thông qua Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia theo hướng đã uống rượu, bia thì không được phép lái bất cứ xe nào. Cũng từ thời điểm luật này có hiệu lực (1-1), khoản 8 Điều 8 Luật Giao thông đường bộ hiện hành được chính thức sửa đổi để nghiêm cấm mọi người “điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn”.
Căn cứ vào đó, Nghị định 100/2019 đề ra các mức phạt thích đáng để bất kỳ ai cũng cần phải thay đổi hành vi cho phù hợp với thực tiễn giao thông của đất nước.
Đó là phải biết từ chối uống rượu, bia nếu sau đó phải lái xe. Đó là nếu có uống rượu, bia dù ít hay nhiều thì nên đi taxi hay các loại xe khác do người không có hơi men cầm lái.
Còn như làm ngược lại thì đừng kêu ca mức phạt cao vì nhiều nước trên thế giới từ lâu đã dùng mức phạt thủng túi, thậm chí là bỏ tù dù chưa có hậu quả xảy ra để tạo được sự răn đe hiệu quả, để số đông có ý thức tìm hiểu và tuân thủ luật pháp nghiêm túc. Chính cách phạt khốc liệt đó mà khi có dịp sang nước họ, nhiều người Việt đã thường xuyên tuân thủ răm rắp (chứ không phải như lúc sống trong nước) đó thôi.
Tóm lại, với các quy định tích cực của Nghị định 100/2019, tốt nhất là mọi người đừng vi phạm luật giao thông; CSGT không xử lý kiểu đầu voi đuôi chuột hay “cưa đôi” để bỏ qua lỗi. Được vậy, nghị định thật sự là cú hích để giảm thiểu đáng kể những nỗi đau tột cùng từ tai nạn giao thông.
THU TÂM/PLTPHCM