+
Aa
-
like
comment

Sở Xây dựng TPHCM nói gì về việc hợp thức hóa nhà xây không phép?

09/05/2020 13:12

Việc hợp thức hóa nhà xây dựng không phép, sai phép… là chưa phù hợp với chủ trương của UBND TPHCM về phân loại để xử lý dứt điểm các trường hợp vi phạm trật tự xây dựng còn tồn đọng trên địa bàn.

Ngày 9/5, ông Lê Hòa Bình, Giám đốc Sở Xây dựng TPHCM cho biết, đã ký văn bản số 4819/SXD-TT phản hồi thông tin về việc, một số cơ quan báo chí vừa qua có đăng bài viết với tiêu đề “Hợp thức hóa nhà xây dựng không phép, sai phép…” là chưa phù hợp với chủ trương của UBND TPHCM về phân loại để xử lý dứt điểm các trường hợp vi phạm trật tự xây dựng còn tồn đọng trên địa bàn.

Giám đốc Sở Xây dựng TPHCM cũng khẳng định, căn cứ theo quy định của pháp luật và chỉ đạo của lãnh đạo UBND TPHCM, ngày 22/1/2020, Sở Xây dựng ban hành Văn bản 1062/SXD-TT hướng dẫn UBND 24 quận huyện rà soát hồ sơ xử lý vi phạm hành chính, thống kê phân loại xử lý đối với các công trình vi phạm trật tự xây dựng theo 3 nhóm hành vi vi phạm chính.

Công văn này được ban hành theo quy định tại khoản 2, khoản 3, Điều 79, Nghị định 139/2017/NĐ-CP của Thủ tướng Chính phủ quy định trong xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực xây dựng, nhà ở và thị trường bất động sản.

Theo danh mục nhóm hành vi vi phạm hành chính và tiêu chí phân loại xử lý đối với các công trình vi phạm trật tự xây dựng mà Sở Xây dựng ban hành kèm theo công văn 1062 thì có 3 nhóm hành vi vi phạm với các tiêu chí cụ thể.

Sở Xây dựng TPHCM nói gì về việc hợp thức hóa nhà xây không phép? - ảnh 1
38 căn nhà xây dựng không phép của ông Lê Tấn Tài ở quận Thủ Đức, TPHCM.

Nhóm thứ nhất gồm hành vi vi phạm hành chính được quy định tại khoản 3, khoản 5, khoản 6, điểm b, khoản 7, điều 13 và khoản 2, điều 70 Nghị định 121/2013/NĐ-CP. Nhóm này có 5 hành vi vi phạm là hành vi tổ chức thi công xây dựng công trình sai giấy phép xây dựng được cấp đối với trường hợp cấp phép sửa chữa cải tạo; hành vi tổ chức thi công xây dựng công trình sai nội dung giấy phép xây dựng được cấp đối với trường hợp cấp phép xây dựng mới; hành vi tổ chức thi công xây dựng công trình không có giấy phép xây dựng mà theo quy định phải có giấy phép xây dựng; xây dựng công trình sai thiết kế được phê duyệt hoặc sai quy hoạch xây dựng, hoặc thiết kế đô thị đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt đối với công trình xây dựng được miễn giấy phép xây dựng; hành vi xây dựng không phép xây dựng sai phép xây dựng sai thiết kế được phê duyệt theo quy định của Nghị định 23/2009/NĐ-CP.

Tiêu chí của nhóm hành vi này là hành vi vi phạm hành chính đã kết thúc trước ngày 15/1/2018, tức là ngày Nghị định 139 của Chính phủ có hiệu lực và đáp ứng đầy đủ 6 tiêu chí theo khoản 1, điều 6, Thông tư 03/2018 của Bộ Xây dựng.

Cụ thể, hành vi xảy ra từ 4/1/2008 và kết thúc trước ngày 15/01/2018 mới được phát hiện và phát hiện trước đó, có một trong các văn bản biên bản vi phạm hành chính, quyết định xử phạt chính, quyết định áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả, quyết định áp dụng một số bổ sung biện pháp khắc phục hậu quả như: Không vi phạm chỉ giới xây dựng; không ảnh hưởng các công trình lân cận; không có tranh chấp; xây dựng trên đất thuộc quyền sử dụng hợp pháp; nay phù hợp với quy hoạch xây dựng được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.

Do đó, việc phân loại được xử lý theo khoản 9, điều 13, Nghị định 121/2013/NĐ-CP thì ngoài việc bị xử phạt vi phạm hành chính, còn buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được bằng 40% giá trị phần xây dựng sai phép, không phép đối công trình nhà ở riêng lẻ và bằng 50% giá trị phần xây dựng sai phép không phép sai thiết kế đô thị…

Nhóm 2 là hành vi vi phạm hành chính được quy định tại khoản 1, khoản 2, khoản 3, điều 5, Nghị định 180/2007/NĐ-CP.

Về hành vi vi phạm của nhóm này có 3 hành vi đó là hành vi tổ chức thi công xây dựng công trình theo quy định của pháp luật phải có giấy phép xây dựng mà không có giấy phép xây dựng; hành vi tổ chức thi công xây dựng công trình sai nội dung giấy phép xây dựng được cơ quan có thẩm quyền cấp; hành vi tổ chức thi công xây dựng công trình sai thiết kế được cấp có thẩm quyền thẩm định phê duyệt sai quy hoạch chi tiết xây dựng 1/500 đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Nhóm thứ 3 là nhóm hành vi vi phạm hành chính tổ chức thi công xây dựng công trình không có giấy phép xây dựng mà theo quy định phải có giấy phép xây dựng, hoặc hành vi vi phạm hành chính tổ chức thi công xây dựng sai so với giấy phép xây dựng được cấp xảy ra sau ngày 15/01/2018.

Việc phân loại các công trình vi phạm được thực hiện theo quy trình hai bước gồm bước 1: UBND các quận huyện rà soát hồ sơ xử lý phạm hành chính, thống kê, phân loại xử lý các công trình vi phạm trật tự theo ba nhóm hành vi vi phạm hành chính. Đến nay, 24 quận huyện đã nộp báo cáo rà soát về Sở Xây dựng để tổng hợp báo cáo UBND Thành phố.

Bước 2 trên cơ sở hướng dẫn của Sở Xây dựng, UBND quận huyện lập tổ công tác xem xét rà soát, có ý kiến giải quyết xử lý đối với từng trường hợp cụ thể. Tổ công tác bao gồm Chủ tịch UBND quận huyện làm tổ trưởng, Phó Chủ tịch UBND quận huyện phụ trách đô thị làm tổ phó, phó Chánh Thanh tra Sở phụ trách địa bàn làm tổ phó; thành viên tổ công tác gồm lãnh đạo Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp huyện, Phòng Quản lý đô thị, Phòng Tài nguyên Môi trường, Phòng Tư pháp, Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất…

Từng thành viên tổ công tác có ý kiến nhiệm vụ theo chức năng nhiệm vụ được giao theo quy định, thời gian dự kiến hoàn thành bước 2 này là trong tháng 5/2020. Đến nay, UBND 24 quận huyện đã rà soát, gửi về Sở Xây dựng để tổng hợp trình UBND TPHCM.Quế Sơn

Bài mới
Đọc nhiều