Sợ… tăng lương
Dù mức tăng lương tối thiểu vùng không nhiều nhặn gì nhưng vẫn có doanh nghiệp không áp dụng, hoặc tăng lương tối thiểu vùng nhưng lại giảm hệ số đăng ký trước đây dẫn đến mức lương của người lao động không thay đổi.
Các thành viên Hội đồng Tiền lương quốc gia vừa thống nhất chưa chốt phương án lương tối thiểu vùng năm 2021 dù trước đó bộ phận kỹ thuật của hội đồng đề xuất hai phương án gồm giữ nguyên mức của năm 2020 hoặc tăng 2,5% và lùi 6 tháng so với thông lệ hằng năm (tức áp dụng từ 1.7.2021).
Nếu giữ nguyên thì lương người lao động không tăng, còn nếu chọn phương án 2 thì lương tăng thêm 80.000 – 110.000 đồng.
Trên lý thuyết, lương tối thiểu vùng nhằm đáp ứng nhu cầu sống tối thiểu của người lao động. Nhưng thực tế, với đồng lương ít ỏi, người lao động phải lo đủ thứ từ tiền nhà trọ, điện, nước, con cái học tập rồi mới dám nghĩ đến chuyện ăn uống, chi tiêu dè xẻn để gửi về quê chút đỉnh. Thử đi xuống các khu chợ công nhân cạnh khu công nghiệp, khu chế xuất, dễ dàng nhận thấy mặt hàng bán nhiều nhất và bán chạy nhất là rau củ quả, đậu hũ, trứng rồi mới đến cá, thịt. Thật khiên cưỡng khi nhìn vào cuộc sống thiếu thốn của công nhân rồi nhận định lương tối thiểu vùng đã đáp ứng được cuộc sống tối thiểu của người lao động.
Điều oái oăm, lương tối thiểu vùng được bàn vào giữa năm thì ngay lập tức giá cả biến động tăng dù cho đến đầu năm sau mới áp dụng, lương mới đến tay công nhân. Chi phí nhà trọ, điện, nước, học phí cho con đến bó rau, quả trứng ngoài chợ đều tăng, gộp lại vượt mức tăng của lương tối thiểu vùng nên cuộc sống của người lao động vẫn khó khăn. Do vậy, nếu tăng lương tối thiểu mà không có chính sách kiểm soát chỉ số giá và lạm phát, ổn định giá cả các mặt hàng thiết yếu như: sữa, xăng dầu, nhu yếu phẩm thì cuộc sống của người lao động vẫn chồng chất khó khăn trong vòng luẩn quẩn “lương chưa tăng, giá đã tăng”.
Chưa kể, dù mức tăng lương tối thiểu vùng không nhiều nhặn gì nhưng vẫn có doanh nghiệp không áp dụng, hoặc tăng lương tối thiểu vùng nhưng lại giảm hệ số đăng ký trước đây dẫn đến mức lương của người lao động không thay đổi. Với đồng lương còi cọc, người lao động ăn uống thiếu thốn, phải tăng ca và không có thời gian nghỉ ngơi, vui chơi giải trí để tái tạo sức lao động thì khó mà kêu gọi công nhân đổi mới, sáng tạo.
PV/TN