Số phận trôi nổi của khách sạn 5 sao nức tiếng Sài Gòn thập niên 1990 trị giá 100 triệu USD
Nếu từng đi qua khu vực Bến Bạch Đằng ở Sài Gòn trước năm 2000, có thể mọi người đã từng nhìn thấy một cái khách sạn nổi, nằm sát bờ sông ngay phía chỉ tay của Đức Thánh Trần Hưng Đạo. Đây là Four Seasons Barrier Reef Resort – một con tàu kết hợp khách sạn 5 sao nổi trên mặt nước và nó là khách sạn nổi đầu tiên trên thế giới.
Thuở ban đầu, khách sạn nổi 5 sao này được đóng để phục vụ những du khách đến tham quan rạn sao hô Great Barrier Reef ở Úc, một trong những rạn san hô lớn nhất và đẹp nhất thế giới. Khách sạn thuộc sở hữu của Doug Tarca, một thợ lặn chuyên nghiệp và doanh nhân người Úc gốc Ý, sống ở Townsville, một thị trấn ven biển ở Úc.
Robert de Jong, quản lý viện bảo tàng Hải dương học Townsville kể lại: Năm 1983, Doug Tarca mở công ty Reef Link chuyên đưa khách đi du lịch trong ngày bằng du thuyền từ Townsville đến rạn san hô Great Barrier Reef. Hôm đó, Doug thốt lên: “Khoan đã. Nếu chúng ta cho khách du lịch ngủ lại qua đêm trên biển thì sao?”
Ý tưởng đó lóe lên đã làm động lực cho Doug thuê xưởng đóng tàu Bethlehem ở Singapore đóng một cái khách sạn nổi được trên mặt nước. Ông cho rằng đóng mới 1 cái khách sạn nổi sẽ rẻ hơn và thân thiện môi trường hơn so với việc tận dụng những chiếc du thuyền cũ.
Khách sạn nổi đầu tiên trên thế giới bắt đầu được đóng vào năm 1986 và hoàn tất vào năm 1988. Chi phí để đóng khách sạn 5 sao nổi trên biển lúc bấy giờ tốn của Doug Tarca hết 45 triệu đô la Úc, tương đương với khoảng 100 triệu đô Úc thời điểm ngày nay, sau khi tính chi phí trượt giá của đồng tiền.
Đầu năm 1988, khách sạn nổi hoàn thành, nó được kéo về rạn san hô John Brewer Reef ở thuộc Great Barrier Reef. Vào ngày 9/3/1988, khách sạn nổi 5 sao đầu tiên trên thế giới chính thức khai trương, nó được đặt tên là Four Seasons Barrier Reef Resort. Nó cũng có 1 tên gọi khác là The John Brewer Reef Floating Hotel.
Khách sạn nổi gồm 1 trệt, 6 tầng lầu, được neo cố định một chỗ bằng 7 cái mỏ neo khổng lồ được thiết kế đặc biệt, vừa giúp cho nó ổn định trên mặt nước, vừa không làm hư hại rạn san hô dưới đáy biển.
Chủ đầu tư đã thiết kế khách sạn nổi rất xịn sò, hệ thống nước thải của khách sạn được lọc và tái sử dụng chứ không xả ra biển, toàn bộ rác sinh hoạt được thu gom và đưa vào đất liền xử lý, không xả ra môi trường bên ngoài. Mọi hoạt động của khách sạn đều ít gây ô nhiễm môi trường nhất có thể.
Robert de Jong nói: Đó là một cái khách sạn 5 sao nên giá không hề rẻ chút nào. Bên trong là 1 khách sạn 5 sao 176 phòng có sức chứa 350 khách. Tiện ích thì có 2 cái nhà hàng 5 sao, club, hồ bơi nước ngọt. Chưa hết, bên trong khách sạn còn có 1 cái phòng lab nghiên cứu về hải dương học, 1 thư viện và 1 cửa hàng chuyên bán đồ bơi lặn. Thậm chí khách sạn 5 sao này còn có sân đậu máy bay trực thăng, 1 sân tennis và thuyền đáy kính để đưa khách đi lặn và ngắm san hô.
Để tới được khách sạn nổi 5 sao Four Seasons Barrier Reef Resort, du khách cần phải mất 2 giờ đi thuyền, còn muốn nhanh hơn thì có tùy chọn đi bằng trực thăng, giá vé đi trực thăng 1 chiều tương đương với 350 đô ngày nay.
Tuy nhiên, Doug Tarca đã không lường trước được thời tiết xấu khi khách sạn neo đậu dài ngày ngoài biển. Những ngày biển động mạnh, thuyền không vào bờ được, trực thăng cũng không thể cất hoặc hạ cánh, du khách không thể vào bờ mà chỉ còn cách chịu trận trong khách sạn.
Nhân viên khách sạn được bố trí ở tầng trên cùng của khách sạn, mà khu vực càng cao thì càng dễ lắc khi biển động. Họ đã nảy ra sáng kiến treo 1 chai rượu whisky rỗng trên trần nhà. Lúc nào thấy cái chai lắc điên cuồng thì biết là du khách ở dưới thế nào cũng say sóng mệt xỉu.
Vận xui luôn đeo đuổi tòa khách sạn nổi 5 sao này khi mà trước khi khai trương vỏn vẹn 1 tuần, nó bị 1 trận lốc xoáy đánh trúng làm hư hại nhiều tiện ích nội khu, bao gồm hồ bơi. Sau khi mở cửa được ít lâu, người ta phát hiện một kho đạn tồn tại từ Thế chiến 2 nằm cách khách sạn chỉ có 3km, khiến cho du khách sợ chết khiếp. Chưa hết, nếu lưu trú dài ngày ở đây thì khách cũng chỉ có 2 option ăn chơi là bơi và lặn, hết!
Kết quả là khách sạn phải đóng cửa chỉ sau 1 năm hoạt động, dù chưa từng có ngày nào đón khách kín phòng. Four Seasons Barrier Reef Resort ngưng hoạt động không kèn không trống, sau đó khách sạn nổi được bán cho công ty EIC Development Company của Nhật Bản vào năm 1989 và công ty này kéo về neo đậu ở Bến Bạch Đằng, TP HCM. Họ đổi tên khách sạn thành Saigon Hotel và mở cửa kinh doanh lần 2. Người Sài Gòn thời bấy giờ gọi nó đơn giản là “Khách Sạn nổi 5 sao”. Nó từng là một trong những biểu tượng của khu vực Bến Bạch Đằng nói riêng và trung tâm TP HCM nói riêng suốt thập niên 1990.
Khi về TP.HCM, khách sạn nổi 5 sao lại kinh doanh rất thành công, một phần nhờ sự đổi mới của nền kinh tế VN thời điểm đó, một phần nhờ vị trí đậu đắc địa và tính độc đáo của công trình khách sạn nổi 5 sao đầu tiên trên thế giới. Với đẳng cấp khách sạn 5 sao độc đáo, giá phòng cao nhất của Saigon Hotel hồi thập niên 90 lên tới 350 USD/đêm.
Tuy vậy, sau 8 năm hoạt động, khách sạn nổi ở bờ sông Sài Gòn ngưng hoạt động vào cuối năm 1997 vì cạnh tranh không lại với các khách sạn 4-5 sao xây mới, đồng thời tập đoàn quản lý là Australia’s Southern Hotels cũng ngưng tài trợ vốn.
Khách sạn được bán lại choTriều Tiên và nước này lên kế hoạch sử dụng làm resort nghỉ dưỡng để thu hút du khách ở núi Kumgang, một điểm du lịch được mở vào năm 1998 nằm không xa khu vực phi quân sự giữa 2 nước Triều Tiên. Khách sạn nổi tiếp tục được đổi tên thành Hotel Haegumgang.
Cuối thập niên 1990, 2 nước ở Bán đảo Triều Tiên đang muốn bình thường hóa quan hệ ngoại giao, do đó họ dự định sử dụng khách sạn nổi để làm cầu nối song phương giữa 2 nước. Triều Tiên mua khách sạn còn Hàn Quốc giữ nhiệm vụ trùng tu và khai thác du lịch. Năm 1998, công ty con phụ trách mảng du lịch của tập đoàn Hyundai là Hyundai Asan kéo Hotel Haegumgang về lại nơi khai sinh là Singapore để đại tu sửa chữa.
Đến năm 2000, Hotel Haegumgang được kéo đến khu du lịch núi Kumgang và khai trương lần thứ 3 vào tháng 10/2000. Khách sạn vừa là nơi để du lịch nghỉ dưỡng, vừa là nơi đoàn tụ của những gia đình bị chia cách nhiều năm giữa 2 miền Nam Bắc, vừa là nơi hâm nóng quan hệ song phương giữa 2 nước. Suốt thời gian hoạt động ở khu du lịch Kumgang, khách sạn Haegumgang đã phục vụ hơn 2 triệu lượt khách du lịch, đại diện của Hyundai Asan cho biết.
Tuy nhiên, một biến cố ngoại giao xảy ra vào năm 2008 tại biên giới giữa 2 nước kéo theo hậu quả là Hyundai Asan rút vốn khỏi khách sạn Haegumgang, ngưng mọi tua du lịch đưa khách đến khu du lịch này. Từ đó tới nay, khách sạn nổi Hotel Haegumgang chỉ còn được đơn phương Triều Tiên khai thác mà thôi.
Tháng 10/2019, lãnh tụ Kim Jong-Un của Triều Tiên đã đến thăm khu du lịch Kumgang và lên tiếng chỉ trích sự xuống cấp, không còn hợp thời của khu du lịch này, bao gồm cả khách sạn nổi Hotel Haegumgang. Ông yêu cầu tái thiết khu du lịch và cải tạo cơ sở vật chất nơi đây cho phù hợp hơn với văn hóa và guu thẩm mỹ của Triều Tiên.
Tuy vậy, đại dịch Covid-19 ập đến vào tháng 1/2020 khiến cho kế hoạch trùng tu khu du lịch Kumgang nói chung và khách sạn nổi Haegumgang nói riêng bị ngưng không thời hạn.
Bảo Trâm (Theo CNN)