+
Aa
-
like
comment

Số phận trái ngược của 2 Ủy viên trung ương không thể dự Hội nghị toàn thể 4 ĐCS Trung Quốc

01/11/2019 16:04

Hai ủy viên dự khuyết đã được bầu làm ủy viên trung ương tại Hội nghị toàn thể lần thứ 4 Ban chấp hành trung ương đảng Cộng sản Trung Quốc, ngày 28-31/10.

Số phận trái ngược của 2 Ủy viên trung ương không thể dự Hội nghị toàn thể 4 ĐCS Trung Quốc
Số phận trái ngược của 2 Ủy viên trung ương không thể dự Hội nghị toàn thể 4 ĐCS Trung Quốc

Trung Quốc bầu bổ sung hai ủy viên trung ương đảng

Theo thông cáo của Hội nghị, hai ủy viên dự khuyết gồm các ông Mã Chính Vũ, Mã Vĩ Minh đã được bầu bổ sung theo điều lệ của ĐCSTQ để trở thành ủy viên trung ương.

Ông Mã Chính Vũ, 56 tuổi, giữ chức chủ tịch HĐQT, bí thư tổ đảng của công ty quốc doanh China Chengtong Holdings Group từ năm 2002 và nắm cương vị trong suốt 17 năm. Năm 2016, Ủy ban đầu tư nhà nước Trung Quốc quyết định để Chengtong tiếp quản doanh nghiệp China Railway Materials của nhà nước, ông Mã kiêm nhiệm vị trí chủ tịch HĐQT, bí thư tổ đảng, tổng giám đốc đơn vị này.

Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIX của ĐCSTQ tháng 10/2017, Mã Chính Vũ được bầu làm ủy viên dự khuyết khóa XIX.

Số phận trái ngược của 2 Ủy viên trung ương không thể dự Hội nghị toàn thể 4 ĐCS Trung Quốc - Ảnh 1.
Ông Mã Chính Vũ (Ảnh: Beijing News)

Trong khi đó, ông Mã Vĩ Minh được báo Beijing News gọi là chuyên gia “quốc bảo” của Trung Quốc, với thời gian dài nghiên cứu trong lĩnh vực hệ thống điện trên tàu thủy. Ông Mã là thiếu tướng hải quân, hiện là viện sĩ Viện công trình Trung Quốc; Giáo sư, chủ nhiệm Phòng thực nghiệm trọng điểm công nghệ quốc phòng và kỹ thuật điện lực tổng hợp trên tàu thủy, thuộc Đại học công trình hải quân. Ông này được bầu làm ủy viên dự khuyết tại Đại hội đảng các khóa 18, 19 của Trung Quốc.

Đại hội 19 của Trung Quốc năm 2017 đã bầu ra 204 ủy viên trung ương và 172 ủy viên dự khuyết. Trong khi đó, thông cáo cho thấy tham dự Hội nghị trung ương 4 vừa qua gồm 202 ủy viên trung ương và 169 ủy viên dự khuyết.

Các ông Mã Chính Vũ và Mã Vĩ Minh đã được bầu bổ sung để thay thế cho hai vị trí ủy viên trung ương vắng mặt thuộc về các ông Lưu Sĩ Dư – người vừa bị cơ quan chống tham nhũng Trung Quốc thông báo xử lý kỷ luật, và ông Trịnh Hiểu Tùng – qua đời ngày 20/10/2018 vì “ngã từ tầng cao”.

Số phận trái ngược của 2 Ủy viên trung ương không thể dự Hội nghị toàn thể 4 ĐCS Trung Quốc - Ảnh 2.
Quang cảnh phiên họp Hội nghị toàn thể trung ương 4 khóa 19 của ĐCSTQ tại Bắc Kinh, ngày 28-31/10/2019 (Ảnh: Xinhua)

Hai ủy viên không thể dự Hội nghị trung ương 4 là ai?

Thông cáo của Hội nghị trung ương 4 cho biết, Hội nghị đã xem xét và thông qua báo cáo thẩm tra của Ủy ban kiểm tra kỷ luật trung ương (CCDI) về “vấn đề vi phạm kỷ luật và pháp luật nghiêm trọng của đồng chí Lưu Sĩ Dư, xác nhận hình thức xử lý kỷ luật do Bộ chính trị đưa ra trước đó về việc giữ lại quan sát trong đảng 2 năm đối với đồng chí Lưu Sĩ Dư”.

Trong thông báo của CCDI và Ủy ban giám sát nhà nước (NSC) ngày 4/10, ông Lưu còn bị cách các chức vụ và giáng xuống làm chuyên viên cấp 1, ngưng tư cách đại biểu Đại hội ĐCSTQ khóa XIX, tịch thu tài sản có được do vi phạm.

Lưu bị xác định là “vi phạm nghiêm trọng quy tắc và kỷ luật chính trị của đảng, kỷ luật tổ chức, kỷ luật về liêm khiết, kỷ luật công tác, cấu thành vi phạm pháp luật nghiêm trọng liên quan đến chức vụ; thậm chí đã không hối cải, không dừng tay từ sau Đại hội [ĐCSTQ] khóa 18; cần phải xử lý nghiêm khắc”.

Tuy nhiên, ông này được Bộ chính trị Trung Quốc cho phép xử lý nhẹ nhờ “chủ động đầu thú, trung thực khai nhận vấn đề vi phạm kỷ luật và pháp luật, thái độ hối lỗi thành khẩn”.

Trước khi bị CCDI và NSC thông báo hồi tháng 5 về việc “đang phối hợp” với cơ quan chống tham nhũng để thẩm tra-điều tra, Lưu Sĩ Dư đang là Phó bí thư tổ đảng, Chủ tịch Liên đoàn Hợp tác xã Cung ứng và Tiếp thị toàn Trung Quốc (ACFSMC). Ông này từng đảm nhận chức vụ chủ tịch tại Ủy ban quản lý chứng khoán nhà nước (CSRC) từ năm 2016, cho đến khi bất ngờ rời cương vị vào tháng 1 năm nay.

Trong khi đó, ông Trịnh Hiểu Tùng – chủ nhiệm Văn phòng liên lạc của chính phủ trung ương Trung Quốc tại Macau – được thông báo “tử vong vì ngã từ tầng cao tại nơi cư trú ở Macau ngày 20/10/2018 do mắc bệnh trầm cảm”, theo website của Văn phòng sự vụ Hồng Kông-Macau thuộc Quốc vụ viện Trung Quốc.

Trong thông báo do Tân Hoa Xã đăng tải, ông Trịnh được gọi là “đảng viên ưu tú” từng công tác trong nhiều lĩnh vực, và ca ngợi ông “có trách nhiệm và tinh thần sự nghiệp mạnh mẽ, hết mình với chức vụ, dám gánh vác, kiên trì nguyên tắc, trong sạch liêm khiết, đạt được nhiều thành tựu công tác to lớn trên các cương vị khác nhau”. Theo hãng tin nhà nước, Trịnh Hiểu Tùng “dù mang bệnh tật vẫn quên mình công tác, công hiến tích cực cho sự nghiệm ‘Một quốc gia, hai chế độ’.”

Ông Trịnh nhận chức vụ tại Macau từ năm 2017, một năm trước khi qua đời.

Số phận trái ngược của 2 Ủy viên trung ương không thể dự Hội nghị toàn thể 4 ĐCS Trung Quốc - Ảnh 4.
Ông Trịnh Hiểu Tùng (Ảnh: Xinhua)

Với thông cáo của Hội nghị trung ương 4 mới đây, ông Lưu Sĩ Dư đã trở thành ủy viên trung ương khóa 19 đầu tiên bị “ngã ngựa”.

Trang Caixin (Trung Quốc) thống kê, số ủy viên trung ương “ngã ngựa” từ khóa XVIII (2012-2017) vượt xa con số của cả 4 khóa trước đó cộng lại. Kể từ tháng 10/2014 đến Hội nghị toàn thể 7 khóa XVIII của ĐCSTQ (10/2017), đã có 35 người bị khai trừ khỏi đảng – gồm 18 ủy viên trung ương và 17 ủy viên dự khuyết.

Trong vòng 20 năm, từ Đại hội đảng XIV năm 1992 đến Đại hội XVIII năm 2012, chỉ có 13 ủy viên trung ương Trung Quốc bị khai trừ vì tham nhũng.

Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương đảng Cộng sản Trung Quốc khóa XIX đã bế mạc ngày 31/10 tại Bắc Kinh. Tại phiên bế mạc, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình có bài phát biểu quan trọng, khái quát lại những kết quả chủ yếu của hội nghị và nhấn mạnh thêm một số vấn đề để thống nhất lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện trong thời gian tới.

Hội nghị đã nhất trí cao thông qua “Quyết định về những vấn đề quan trọng của Trung ương đảng Cộng sản Trung Quốc liên quan đến kiên trì và hoàn thiện chế độ xã hội chủ nghĩa đặc sắc Trung Quốc, thúc đẩy hiện đại hóa hệ thống quản trị và năng lực quản trị quốc gia.”

Đảng Cộng sản Trung Quốc đã xác định, kiên trì và hoàn thiện chế độ xã hội chủ nghĩa đặc sắc Trung Quốc, thúc đẩy hiện đại hóa hệ thống quản trị và năng lực quản trị quốc gia, là nhiệm vụ chiến lược quan trọng của toàn đảng.

Mục tiêu tổng thể của nhiệm vụ này là đến năm 2035, thực hiện cơ bản việc hiện đại hóa hệ thống quản trị và năng lực quản trị quốc gia; đến khi nước Trung Quốc mới thành lập tròn 100 năm (năm 2049), thực hiện toàn diện việc hiện đại hóa hệ thống quản trị và năng lực quản trị quốc gia, giúp chế độ xã hội chủ nghĩa đặc sắc Trung Quốc được củng cố hơn và thể hiện triệt để tính ưu việt.

Bên cạnh đó, hội nghị cũng đã đi sâu thảo luận toàn diện về tình hình chính trị và kinh tế của Trung Quốc, kịp thời đưa ra nhiều quyết sách và biện pháp mới để ứng phó với các rủi ro và thách thức từ cả bên trong lẫn bên ngoài mà Bắc Kinh đang phải đối mặt.

Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương đảng Cộng sản Trung Quốc khóa XIX được xem là kỳ họp có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong bối cảnh Trung Quốc đang đứng trước giai đoạn then chốt để hoàn thành mục tiêu xây dựng xã hội khá giả toàn diện, đẩy mạnh phát triển chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc ./.

Hải Võ/Soha News

Bài mới
Đọc nhiều