Số phận những công nhân trong làn sóng mất việc
Vợ chồng Khôn bắt xe khách từ quê trở lại Bắc Ninh, trong túi dư 200.000 đồng với suy nghĩ “mùng 10 có lương”. Nhưng dự tính ấy không bao giờ tới.
Cầm Bá Khôn, 27 tuổi và vợ Lữ Thị Phong, 23 tuổi, mất việc ngay sau ngày Quốc tế lao động 1/5. Họ là công nhân công ty 100% vốn Hàn Quốc, chuyên sản xuất đèn led, thiết bị chiếu sáng, trụ sở tại Khu công nghiệp Đại Đồng, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh.
15h chiều 5/5, công nhân đang đúc bóng, gọt đèn, Khôn thấy gần chục người bước vào nhà xưởng rộng nghìn mét vuông, có bảo vệ, đại diện ngân hàng đi cùng công an. Họ ra hiệu cho công nhân tắt máy, rời đi. Đại diện ngân hàng dán tem niêm phong lên máy móc.
Cả trăm con người lầm lũi rời khỏi nhà xưởng, văn phòng trong cái nắng gần 40 độ C. Khối sản xuất phần đông là nữ, gục đầu vào vai đồng nghiệp khóc, nhiều người bụng chửa vượt mặt. Đến lúc này, Khôn mới nghe bảo vệ kháo nhau “từ 23h đêm chủ nhật, ông chủ người Hàn đã đến lấy case máy tính cùng một số đồ đạc rời đi”. Gần 300 lao động chính thức lẫn thời vụ lâm vào cảnh thất nghiệp.
Bắc Ninh, nơi có hơn 1.100 công ty đang hoạt động, thu hút 300.000 công nhân làm việc trong 10 khu công nghiệp tập trung. 74% lao động đến từ 18 tỉnh thành. Đại dịch khiến hơn 50.000 công nhân chịu ảnh hưởng trực tiếp. Trong đó, 5.000 lao động các khu công nghiệp phải nghỉ việc không lương, hàng nghìn người thôi việc do doanh nghiệp ngừng hoạt động, thời gian làm việc ít, thu nhập thấp, theo thống kê của Liên đoàn lao động tỉnh.
Hết tháng 6, báo cáo cả nước còn tồi tệ hơn: 900.000 người thất nghiệp nằm trong số 30,8 triệu lao động bị ảnh hưởng tiêu cực bởi đại dịch, và có thể “nhiều hơn vào cuối năm”.
Tỷ lệ thất nghiệp cao nhất rơi vào nhóm trình độ chuyên môn thấp, như vợ chồng Khôn. Với tấm bằng tốt nghiệp THPT, Khôn không có nhiều lựa chọn. Chàng trai người Thái, quê xã Xuân Chinh, huyện Thường Xuân, tỉnh Thanh Hóa, nơi có đến 80% diện tích là núi rừng, mất sáu năm lận đận và một lần bị lừa xuất khẩu lao động mới có được vị trí công nhân vận hành máy ở Bắc Ninh, tháng 11/2016.
Hai năm sau, Phong khi ấy 21 tuổi, gửi đứa con trai 20 tháng vừa cai sữa cho ông bà nội, theo chồng đi công ty. 7h sáng, vợ chồng cuốc bộ gần 2 km từ phòng trọ ở thôn Lai, tắt qua cánh đồng vào nhà máy và trở về sau 20h. Họ dành 12 tiếng mỗi ngày để làm việc và tăng ca.
Khôn và Phong, như phần đông công nhân Việt Nam đều chọn tăng ca. “Đó là cách duy nhất để tăng thu nhập” và tiết kiệm những bữa ăn. Guồng quay ấy kéo dài suốt bốn năm. Cuối năm 2019, Khôn được cất nhắc lên vị trí nhóm trưởng.
Bước ra khỏi xưởng giữa buổi chiều tháng 5, trong đầu Khôn xoay mòng mòng câu hỏi “Tiền đâu đóng nhà trọ tháng này?”. Lần cuối cùng vợ chồng Khôn nhận lương là ngày 10/4, được 25 triệu đồng sau một tháng quần quật tăng ca.
Số tiền lần lượt chi 1,4 triệu đồng tiền nhà trọ, một triệu đóng tiền đi nhà trẻ cho con, 3 triệu gửi mẹ đang nằm viện tỉnh chữa u nang buồng trứng, còn lại trả nợ ngân hàng. Ngôi nhà mới xây nằm cách trung tâm thị trấn 30 km, công vận chuyển vật liệu xây dựng cao gấp rưỡi đồng bằng, xong phần thô đã tốn gần 700 triệu. Cơ ngơi trú ngụ của ba thế hệ, có một nửa vay ngân hàng, một nửa từ tiền tích cóp gần bốn năm đi làm công ty của vợ chồng.
Không còn hy vọng công ty mở cửa trở lại, giữa tháng 6, vợ chồng Khôn bắt xe về quê cấy 8 sào ruộng và phát cỏ đồi keo. Thay vì những đêm tăng ca trong nhà máy, họ thức đến nửa đêm thuê người bơm nước vào những chân ruộng bậc thang nứt toác vì hạn hán, giá 250.000 đồng một sào. “Làm ruộng một tuần mất đứt gần ba triệu”, Khôn nhẩm tính.
Vợ chồng Khôn mới trở lại Bắc Ninh hôm 7/7, lúc 1h sáng. Trên hành trình tìm kiếm hy vọng mới, họ mang theo 20 bơ gạo, 8 lạng cá khô và túm măng rừng. Dọc đường, Phong gục vào vai chồng khóc, nhớ đứa con ba tuổi rưỡi ở quê. Lần nào về, cô cũng mua cho thằng bé một bộ quần áo mới. Nhưng lần này, người mẹ chỉ giắt túi cho con được gói kẹo, nghĩ “Con nhà người ta có, con mình không có, tội lắm”. Tương lai bất định, cô tạm ngừng luôn ý định sinh con thứ hai.
Trưa tháng 7, Phong cùng người đồng hương đi chợ mua một mớ rau muống 5.000 đồng và miếng giò 1,2 lạng, giá 30.000 đồng. Hai phòng trọ, bốn công nhân chia nhau bữa cơm 35.000 đồng, chờ tìm việc mới. Ba tháng mất việc, cũng là ba tháng vợ chồng Khôn khất tiền phòng. Chủ trọ tốt tính chưa đuổi đi. Có đêm, Phong lần tay lên cổ, sờ thấy sợi dây chuyền, nhưng cô gạt đi, không dám bán. Đó là của hồi môn bố mẹ cho 5 năm trước, lúc Phong lấy chồng.
Khi vợ chồng Khôn ngày hai lần đèo nhau qua công ty nghe ngóng, cách đó 8 km, bà bầu sáu tháng Nguyễn Thị Hoà rát tai vì tiếng chuông điện thoại. “Chị biết mà chị không bảo tôi. Giờ chị phải giải quyết bảo hiểm cho tôi đi”, công nhân trách. “Em là nhân sự công ty, em phải có trách nhiệm thanh toán cho chị”, đối tác quát vào điện thoại. Hòa ứa nước mắt, chỉ muốn tắt hết đi.
Đầu năm 2017, sáu tháng sau khi công ty thành lập, Hòa vào làm kế toán, phụ trách tính lương, bảo hiểm kiêm hoạt động công đoàn. Chưa đầy năm, cô gái 24 tuổi nhớ gần hết tên và hoàn cảnh từng công nhân trong xưởng. Lao động công ty đa số là người tỉnh xa, phải đi thuê nhà trọ. Trong cảnh ngộ hôm nay, cô gái Bắc Ninh cười nhận điều may mắn duy nhất của mình so với họ, là “gần nhà”.
“Tháng 4 tăng ca cả bốn chủ nhật, mình hỏi sao nhiều vậy, sếp còn nói bên kia đang cần hàng gấp”, Hòa nhớ lại, chẳng nhận ra dấu hiệu bất ổn của một công ty sắp dừng hoạt động. Cô còn tự tin làm ở văn phòng, có vấn đề gì, ắt phải là người biết đầu tiên. Chỉ đến khi đại diện ngân hàng đến tịch thu tài sản, Hòa mới “điếng người”. Lúc bị “lùa” khỏi công ty, cô vẫn nghĩ như mình đang mơ.
Tháng lương cuối cùng Hòa nhận ngày 10/4 khoảng 10 triệu đồng. Chồng làm xây dựng, thu nhập không nhiều hơn vợ là bao, nhưng động viên coi như được nghỉ sinh sớm, càng khỏe. Hòa cố nghĩ mọi việc nhẹ nhàng, vì đứa con gái đầu lòng đang mang trong bụng, nhưng hôm nào cũng bị gọi điện trách móc từ công nhân và đối tác. Nghĩ họ cũng vào cảnh bị “bỏ rơi” như mình, Hòa nghe và giải thích hết.
Đồng nghiệp của Hòa, anh Trần Hữu Quyền, 31 tuổi, quản lý chất lượng sản phẩm nhiều ngày nay theo chân bạn bè đi sửa điện, lắp điều hòa để có thu nhập nuôi hai con nhỏ và người vợ bầu 4 tháng. Trụ cột gia đình mất việc, Quyền nói giờ gia đình mình chỉ còn mỗi sự lạc quan để duy trì cuộc sống.
Bốn ngày sau khi tài sản công ty bị ngân hàng niêm phong, giám đốc tài chính vẫn gửi công văn hẹn “có thể 11/5 bên Hàn ổn định được, sẽ trả lương tháng 4”. Ngày 11/5, hơn 300 lao động cả diện hợp đồng lẫn thời vụ khấp khởi mừng, đến đứng đầy cổng đợi trả tiền, nhưng không lãnh đạo nào đến. Bốn công văn tiếp theo lần lượt “khất” lương đến ngày 15, 18, rồi 21, cuối cùng là 30/5. Sau hôm ấy, không ai còn liên lạc được với đại diện phía Việt Nam.
Quyền xác định tư tưởng “thôi, không còn hy vọng gì, giờ phải tự cứu anh em công nhân”. Vợ Quyền dạo ấy thấy chồng cả ngày ôm khư khư máy tính đến điện thoại liên lạc khắp nơi “xin quà” cho công nhân thất nghiệp, đùa chồng là “người vác tù và hàng tổng”. Vài công nhân ở xa, không có tiền về quê, thiếu tiền ăn, nợ tiền thuê trọ, đều hỏi mượn, hứa “đi làm có lương rồi trả”. Quyền dúi cho họ mấy trăm, bảo cho vay, nhưng xác định không đòi, vợ Quyền đều biết. Hôm 28/5, Liên đoàn lao động tỉnh Bắc Ninh hỗ trợ công nhân mỗi người 500.000 đồng. Anh em nhắn tin hỏi Quyền “Anh ơi, thế có được cho thêm gạo nữa không?”.
Những công nhân như Quyền hay vợ chồng Khôn đã xác định mất trắng tiền lương, vấn đề lớn nhất họ trông chờ là được giải quyết chế độ bảo hiểm. Công ty chưa có quyết định phá sản theo quy định. Bảo hiểm bị “treo”, tìm được việc cũng không thể đóng tiếp. Vợ chồng Khôn đã chuẩn bị hai bộ hồ sơ nhưng chưa nộp, còn “chờ xem động tĩnh”.
“Tên Khôn mà sao cuộc đời khốn khổ quá”, anh kết luận.
Hoàng Phương – Thanh Lam/ VNE