Số phận lá cờ cuối cùng của Liên Xô
Đúng 30 năm trước, sau lời tuyên bố từ chức của Tổng thống Liên Xô M. Gorbachev, vào lúc 19h 35 phút ngày 25/12/1991, quốc kỳ Liên Xô – lá cờ đỏ với biểu tượng búa liềm – trên nóc điện Kremlin đã bị hạ xuống, chấm dứt sự tồn tại của một cường quốc. Đúng 10 phút sau, 19h45, quốc kỳ ba màu trắng xanh đỏ của Nga đã được kéo lên thay thế.
Thời điểm đó, việc quốc kỳ Liên Xô bị hạ xuống đối với nhiều người dân là một điều khủng khiếp. Không còn nữa một cường quốc 15 nước Cộng hoà với sức mạnh quân sự đáng nể, với một nền văn hóa phong phú và chính sách giáo dục và y tế miễn phí cho mọi người dân. Nhưng với những người khác, điều đó sẽ mở ra cho nước Nga sự phát triển mới sau một thời gian dài trì trệ.
Nhiều năm sau này, người ta mới thấm thía hơn một câu nói vẫn hay được các chính trị gia, trong đó có Tổng thống Nga Putin nhắc lại: Ai không tiếc nuối về sự sụp đổ của Liên Xô thì người đó không có trái tim, còn ai vẫn muốn khôi phục lại Liên Xô với hình thức cũ thì kẻ đó không có cái đầu.
Nơi lưu trữ lá cờ
Vậy lá cờ đỏ cuối cùng của Liên Xô bị hạ xuống trên nóc điện Kremlin 30 năm trước hiện đang ở đâu? Nhiều người nói rằng nó đã được lưu giữ tại Cơ quan lưu trữ Liên bang Nga, có người lại nói nó đang ở trong kho của trung tâm Eltsin hoặc Bảo tàng Lịch sử cận đại Nga. Thậm chí có nguồn tin cho rằng lá cờ lịch sử này hiện đang ở trong bộ sưu tập cá nhân của ai đó.
Sau một thời gian tìm hiểu, báo Rossiyskaya Gazeta (của Chính phủ Nga) đã xác định được địa điểm đang lưu giữ lá cờ, đó là Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Nga. Ông Aleksey Levykin, Giám đốc Bảo tàng cho biết có 2 lá cờ đã được hạ xuống vào tối hôm 25/12/1991. Lá cờ đầu tiên được hạ xuống từ nóc tòa nhà, nơi làm việc của Tổng thống Liên Xô trong điện Kremlin, như chúng ta đã biết. Và cái thứ hai hạ xuống từ nóc tòa nhà của Hội đồng Bộ trưởng Liên Xô.
Ông nói: “Bây giờ thì Quốc kỳ đã được quy định bằng văn bản về kích thước, trạng thái và các tình huống khi nó được sử dụng. Ví dụ như lá cờ theo tiêu chuẩn của tổng thống – chỉ được sử dụng khi tổng thống đang ở trong điện Kremlin. Nhưng 30 năm trước, không có quy định nào như vậy. Chúng ta cần biết lá quốc kỳ đó phải có sức chịu đựng rất ghê gớm, từ tuyết, mưa, gió khắc nghiệt đến những cơn gió mạnh thổi từ sông tới. Do đó, luôn phải có 2 lá cờ dự trữ.
Ông Aleksey Levykin cho biết lá quốc kỳ Liên Xô bị hạ xuống trên nóc điện Kremlin tối 25/12/1991 đã được Văn phòng quản lý Kremlin bàn giao cho Bảo tàng Lịch sử quốc gia Nga vào tháng 3/1992. Lá cờ này có kích thước 3×6 mét, được dệt từ tơ nhân tạo, hiện đang được bảo quản trong kho với chế độ ánh sáng, độ ẩm đặc biệt.
Vì vậy, việc đem trưng bày nó như một hiện vật cho khách tham quan gần như là một điều không thể, chưa kể còn vướng một số quy định chung về việc trưng bày.
Khi được hỏi là ông có nhớ về sự kiện quốc kỳ Liên Xô bị hạ xuống 30 năm trước hay không, Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Nga Aleksey Levykin nói:
“Đối với tôi, sự kiện đó cho tới hôm nay vẫn là một bi kịch và là thảm họa. Tôi vẫn cảm thấy mình là cư dân của một đất nước rộng lớn, có đường biên giới không kết thúc bởi đường biên giới của nước Nga hiện đại. Và với tôi, công dân của các nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ cũng gần gũi hơn là những người nước ngoài khác. Tôi không đồng ý với luận điểm cho rằng quá trình Liên Xô tan rã đã diễn ra trong nhiều năm. Trách nhiệm về sự sụp đổ Liên Xô thuộc về giới lãnh đạo đất nước khi đó. Là một nhà sử học, tôi nhận thức rõ những khả năng của các cá nhân trong lịch sử. Liên Xô đã chứng tỏ sức sống mãnh liệt của mình qua nhiều năm thử thách khủng khiếp (của chiến tranh)”.
Khai Tâm