Số phận của học thuyết Abenomic sau khi Thủ tướng Abe từ chức
Sau khi trở lại nắm quyền vào hồi cuối năm 2012, Thủ tướng Abe đã đưa ra học thuyết có tên là “Abenomics”, với 3 mục tiêu: Nới lỏng tiền tệ, kích thích tài khóa, cải cách cơ cấu kinh tế.
Thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo hôm 28/8 đã chính thức tuyên bố từ chức vì lý do sức khỏe. Trong thời gian đương chức từ cuối năm 2012, ông Abe đã cống hiến cho nước này những thành tích khá quan trọng. Vì thế, dư luận quan tâm đến số phận của “Abenomic” khi người sáng lập học thuyết không còn tại vị.
Sau khi lên nắm quyền vào hồi cuối năm 2012, ông Shinzo Abe đã đưa ra học thuyết có tên là “Abenomics”, với 3 mục tiêu: Nới lỏng tiền tệ, kích thích tài khóa, cải cách cơ cấu kinh tế.
Trong những năm đầu tiên của nhiệm kỳ, “Abenomics” đã đạt được thành công đáng kể, bởi giải pháp in thêm tiền và tăng cường chi tiêu công nhằm kích thích tăng trưởng kinh tế: Theo đó, Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) đã in thêm tiền, khống chế mức lạm phát ở 2%, đưa ra gói kích thích 114 tỷ USD cho đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng và tăng chi tiêu quốc phòng, an ninh.
Đến năm cuối 2015, Abenomics (giai đoạn 2), chính sách nới lỏng tiền tệ đã gắn kết hai mục tiêu kinh tế và an sinh xã hội lại với nhau. Theo đó, mục tiêu tăng trưởng được đẩy lên mức 600 nghìn tỷ Yen so với con số 490 nghìn tỷ Yen trước đó. Tăng cường các biện pháp hỗ trợ nuôi và sinh con, nhằm khắc phục tình trạng già hoá dân số, phấn đấu giữ mức 100 triệu dân vào năm 2065, đồng thời cải thiện an sinh xã hội.
Trong giai đoạn hai này, Abenomics đã sử dụng hiệu ứng từ sự kết hợp một loạt các chính sách khác nhau như: tiền tệ táo bạo, tài khóa linh hoạt, cải cách cơ cấu nhằm đưa GDP đạt mức 600 nghìn tỷ Yen vào cuối năm 2020.
Các biện pháp nới lỏng tiền tệ vẫn nhắm tới: lạm phát mục tiêu, phá giá đồng Yen, lãi suất âm và sửa đổi luật ngân hàng… đã đạt được hiệu quả tốt hơn. Chính sách tài khóa linh hoạt hơn, cùng với chương trình cải cách cơ cấu bằng việc thúc đẩy đầu tư tư nhân, gia tăng kết nối kinh tế toàn cầu, tăng cường nguồn nhân lực và thị trường càng được đẩy mạnh hơn.
Khi Tổng thống Mỹ Donald Trump rút Mỹ khỏi TPP, Thủ tướng Abe đã thay thế vai trò của Mỹ trong việc dẫn dắt các nỗ lực đàm phán để đạt được CPTPP. Ngoài ra, ông luôn tìm kiếm một sự cân bằng về kinh tế và an ninh, nhất là trong các quan hệ với Mỹ, Trung Quốc và Nga.
Thủ tướng Abe rất coi trọng các thỏa thuận đa phương. Theo đó, các FTA Nhật Bản – EU tới năm 2035 nước này sẽ loại bỏ thuế đối với khoảng 94% hàng hóa nhập khẩu từ EU và châu Âu cũng sẽ loại bỏ hàng rào thuế quan theo từng giai đoạn đối với khoảng 99% hàng nhập khẩu từ Nhật Bản.
Để khắc phục tình trạng thiếu hụt lao động do giảm và già hóa dân số, cùng với việc triển khai cuộc “cách mạng robot” khởi xướng năm 2015, Nhật Bản còn mở cửa cho người lao động nước ngoài. Tính tới cuối 2017, có 1,28 triệu lao động nước ngoài đang sinh sống và làm việc tại nước này, trong đó lao động Trung Quốc chiếm gần 30%, Việt Nam (19%), Philippines (12%) và Brazil (9%). Đến tháng 4/2019, Nhật Bản đã đổi mới quy chế công dân để đón nhận thêm nhiều lao động nước ngoài.
Với học thuyết Abenomics của Thủ tướng Abe, kinh tế Nhật Bản đã đạt được những thành tựu nổi bật. GDP thực tế đã tăng 6,3% so với trước đó. Đặc biệt GDP danh nghĩa sau 5 năm đã tăng trưởng hơn 10%. Tình hình tài chính được cải thiện, tổng thu chi của nhà nước và địa phương đã tăng lên khoảng 22 nghìn tỷ Yen, cán cân tài chính được cải thiện rõ rệt, thâm hụt ngân sách giảm mạnh từ 8,8% xuống 2,8%. Thêm nhiều việc làm, tỷ lệ thất nghiệp giảm, khiến gia tăng niềm tin của giới doan nghiệp và người dân.
Với hàng loạt chính sách và biện pháp cụ thể, nền kinh tế Nhật Bản đã thu hút một lượng lớn đầu tư từ nước ngoài (FDI), đẩy tỷ lệ sở hữu nước ngoài đối với các cổ phiếu niêm yết lên mức kỷ lục 31,7% (2014), trước đó năm 2012 là 28%. Và đến năm 2019, tỉ lệ này vẫn giữ mức cao 29,6%. Tuy nhiên, mục tiêu cải cách cơ cấu kinh tế vẫn còn hạn chế, bởi năng suất thấp, dân số già hóa nhanh, lao động thiếu linh hoạt.
Năm 2019 Abenomics tiếp tục dựa trên “ba mũi tên”, nhưng mũi tên thứ 3 (cơ cấu kinh tế) vẫn chưa phát huy hiệu quả, do sự triệt tiêu lẫn nhau của các giải pháp kinh tế vĩ mô như: Kích cầu tiêu dùng đầu tư và nâng cao đời sống mất cân đối; thu nhập cho người lao động tăng song song với mức tăng lạm phát và thuế giá trị gia tăng…
Vì thế, ngay từ năm 2019, OECD đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế của Nhật Bản từ 1,2% xuống còn 1% trong bối cảnh kế hoạch tăng thuế tiêu dùng của chính phủ nước này từ tháng 10/2019 có khả năng tác động mạnh đến nhu cầu của người tiêu dùng. (Dự báo này trong thời gia chưa có đại dịch Covid-19).
Mới đây, trong bối cảnh đại dịch covid-19 hoành hành, Bộ Tài chính Nhật cho thấy, trong quý II/2020 GDP nước này sụt giảm tới 27,8%, gấp gần hai lần so với mức giảm hồi năm 2008, mặc dù nhiều gói kích cầu và nới lỏng tiền tệ vẫn được tung ra, khiến nhiều người thất vọng với cách điều hành trước khi ông từ chức.
Như vậy, học thuyết kinh tế Abenomics của ông Abe với “ba mũi tên” trong cả hai giai đoạn đã mang lại những thành tựu đáng khích lệ, khiến diện mạo của nền kinh tế Nhật Bản (lớn thứ 3 thế giới) được cải thiện rõ rệt. Sự hồi sinh của nền kinh tế Nhật Bản đã được ghi nhận trong nước, khu vực và thế giới.
Vì thế, theo giới chuyên gia dự báo, mặc dù ông Abe không còn tại vị bởi lý do sức khỏe, nhưng học thuyết Abenomic của ông vẫn sẽ tiếp tục được người kế vị theo đuổi và công cuộc chống giảm phát, vực dậy nền kinh tế Nhật Bản vẫn hứa hẹn nhiều triển vọng khi đại dịch covid-19 kết thúc.
Nguyễn Nhâm/DT