+
Aa
-
like
comment

Số người chết bất thường ở Nam Phi tăng mạnh, Omicron lây lan nhanh

11/12/2021 06:59

Hội đồng nghiên cứu y khoa (MRC) Nam Phi mới đây công bố các dữ liệu cho thấy số ca tử vong bất thường ở Nam Phi gần như đã tăng gấp đôi trong bối cảnh biến thể Omicron đang lây lan nhanh chóng.

Tính đến 9-12, có 63 quốc gia/vùng lãnh thổ ghi nhận ca mắc biến thể Omicron – Dữ liệu: New York Times – Đồ họa: T.ĐẠT

Thông tin này ngay lập tức gây ra nhiều lo ngại vì Nam Phi là quốc gia đầu tiên công bố ca mắc biến thể Omicron hôm 25-11. Nhưng có thể bớt lo hơn khi số ca tử vong bất thường hiện nay ít hơn gần 8 lần so với đỉnh của làn sóng dịch bệnh thứ hai quét qua Nam Phi, thời điểm Delta vẫn là chủng virus thống trị.

Ca nhiễm tăng mạnh, nhưng ít ca cấp cứu

Hiện nay thống kê số ca tử vong bất thường được coi là thước đo về tác động của đại dịch chính xác hơn số ca tử vong vì COVID-19 được ghi nhận chính thức. Tại Nam Phi, các thống kê chính thức chỉ ghi nhận 90.000 ca tử vong từ đầu dịch, trong khi số ca tử vong bất thường là 275.000 ca. Số ca tử vong bất thường là con số chênh lệch giữa số người chết trong một giai đoạn nhất định với số người chết trung bình cùng giai đoạn đó trong các năm trước.

Hãng tin Bloomberg dẫn số liệu từ MRC Nam Phi cho biết trong tuần kết thúc vào ngày 28-11, số ca tử vong bất thường tại Nam Phi là 2.076 ca, gấp đôi so với tuần trước đó là 1.091 ca. Trong khi đó, số ca tử vong vì COVID-19 chính thức được ghi nhận trong cùng tuần này chỉ là… 174 ca.

Tuy nhiên số ca tử vong bất thường hằng tuần trên (2.076 ca) vẫn thấp hơn rất nhiều so với đỉnh của đợt bùng dịch thứ hai tại Nam Phi hồi tháng 1-2021 khoảng 15.500 ca.

Ngày 9-12, Nam Phi ghi nhận hơn 22.400 ca COVID-19 mới trong 24 giờ, nhưng chỉ có 22 ca tử vong. Cùng ngày tiến sĩ Thiero Balde – phụ trách COVID-19 của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại châu Phi – cho biết số ca COVID-19 mới ở Nam Phi đã tăng 255% trong 7 ngày qua, song bệnh nhân chỉ chiếm 6% giường cấp cứu.

Kết quả này phù hợp với dữ liệu từ Viện Quốc gia về bệnh truyền nhiễm Nam Phi (NICD) cho thấy chỉ 1/3 bệnh nhân COVID-19 nhập viện có triệu chứng nặng. Tuy nhiên NICD cũng cho biết cần nhiều tuần để tập hợp đầy đủ thông tin từ các bệnh viện.

Việc hệ thống y tế Nam Phi không quá tải dù ca nhiễm tăng cao là một tia hi vọng, qua đó cho thấy chủng Omicron nhiều khả năng có độc lực nhẹ hơn chủng Delta.

Nam Phi lạc quan, WHO thận trọng

Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm cho người dân ở Nam Phi. Ảnh: Bloomberg

Nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe lớn nhất Nam Phi – Netcare – cho biết dữ liệu từ các cơ sở của họ cho thấy các triệu chứng COVID-19 trong đợt bùng dịch thứ tư hiện nay ít nghiêm trọng hơn so với các đợt trước. “Từng tận mắt thấy nhiều bệnh nhân của chúng tôi tại các bệnh viện tỉnh Gauteng, triệu chứng của họ nhẹ hơn nhiều so với những triệu chứng chúng tôi thấy ở các đợt bùng dịch trước đây” – ông Richard Friedland, làm việc tại Netcare, cho biết.

Theo ông Friedland, khoảng 90% bệnh nhân COVID-19 hiện nay ở các bệnh viện thuộc Netcare không cần hỗ trợ oxy. Ở các đợt bùng dịch trước đó, khoảng 26% bệnh nhân COVID-19 của Netcare cần săn sóc đặc biệt.

Tiến sĩ Anthony Fauci – chuyên gia bệnh truyền nhiễm hàng đầu Mỹ – nói Omicron “gần như chắc chắn không nghiêm trọng” hơn biến thể Delta. Cơ quan y tế Mỹ cho biết đến nay tất cả ca mắc biến thể Omicron ở Mỹ đều có

triệu chứng nhẹ và chỉ một người cần nhập viện. Dù vậy các chuyên gia y tế các nước cho biết vẫn còn quá sớm để xác định ảnh hưởng lâu dài của đợt dịch do biến thể Omicron gây ra.

Trong bối cảnh vẫn chưa có nhiều dữ liệu về biến thể Omicron, WHO tỏ thái độ thận trọng. Bà Maria Van Kerkhove – trưởng nhóm kỹ thuật về COVID-19 của WHO – cảnh báo mọi người có thể chết vì Omicron. “Nói biến thể này chỉ gây bệnh nhẹ là điều rất nguy hiểm. Nếu nó lây nhanh hơn Delta, sẽ có nhiều ca bệnh hơn, nhiều ca nhập viện hơn và nhiều ca tử vong hơn” – bà Kerkhove cảnh báo.

Dù thừa nhận có những dấu hiệu cho thấy Omicron gây bệnh nhẹ hơn so với chủng Delta ở Nam Phi, nhưng bà Kerkhove tỏ thái độ thận trọng trước bất kỳ kết luận nào về mức độ nghiêm trọng của biến thể Omicron. “Chúng ta chưa thật sự có nghiên cứu nào về biến thể này” – bà Kerkhove lưu ý. Chuyên gia WHO cho biết chúng ta sẽ sớm biết về mức độ nghiêm trọng, khả năng lây truyền và khả năng né tránh miễn dịch của biến thể Omicron có thể là trong Giáng sinh này.

Theo báo New York Times, tính đến ngày 9-12 đã có 63 quốc gia/vùng lãnh thổ ghi nhận các ca Omicron. Hiện nay châu Phi chiếm 46% số ca mắc biến thể Omicron trên toàn cầu, theo WHO.

CEO Pfizer: sẽ cần tiêm liều thứ 4 sớm

Giám đốc điều hành (CEO) Hãng dược Pfizer – ông Albert Bourla – cho biết có thể cần tiêm liều vắc xin thứ tư sớm hơn dự tính sau khi nghiên cứu sơ bộ cho thấy biến thể Omicron có thể làm giảm hiệu quả bảo vệ có được nhờ tiêm vắc xin của hãng.

Tuần này Pfizer và đối tác BioNTech cho biết liều thứ ba của họ có thể tăng cường khả năng bảo vệ chống biến thể Omicron dù hai liều ban đầu vẫn có hiệu quả chống bệnh nặng và nhập viện với biến thể này.

Ngọc Mai

Bài mới
Đọc nhiều