Số lao động muốn quay lại TP.HCM làm việc cao hơn dòng người rời đi
Trong những ngày gần đây, TP.HCM đã ghi nhận nhiều lao động muốn đăng ký quay trở lại thành phố làm việc cao hơn dòng người rời đi. Hiện nay các doanh nghiệp đang tập hợp danh sách để tổ chức đón lao động trở lại TP.HCM làm việc
Đây là chia sẻ của Phó chủ tịch UBND TP HCM Phan Thị Thắng trong buổi livestream “Dân hỏi – Thành phố trả lời” tối 8/10.
Thông tin được nêu trong bối cảnh liên tiếp những ngày đầu tháng 10, nhiều người lao động đã rời thành phố về quê, trong khi các doanh nghiệp bắt đầu khôi phục sản xuất.
Tại chương trình, một số doanh nghiệp cũng bày tỏ quan ngại về tình trạng tuyển dụng khó khăn. Bà Thắng cho biết các hiệp hội doanh nghiệp, khu công nghiệp đang tập hợp danh sách nhu cầu tuyển dụng để tổ chức đón lao động trở lại TP HCM làm việc.
Trước đó, Thành phố đã đề ra 3 cách đón người lao động gồm: doanh nghiệp tự tổ chức xe đón; ban quản lý các khu chế xuất, công nghiệp phối hợp với các đơn vị vận tải để đón; và tổ chức lại một số tuyến vận tải hành khách cố định liên tỉnh.
Trước mắt trong tháng 10, hai phương án đầu sẽ được cân nhắc. Các doanh nghiệp, hiệp hội, khu công nghiệp có phương án sẽ phải gửi lên cơ quan đầu mối để tổng hợp về Sở Giao thông Vận tải xem xét triển khai.
Về phía người lao động, để quay lại TP HCM làm việc có thể liên hệ với doanh nghiệp cũ để tham gia chương trình đón. Với lao động muốn lên TP HCM tìm việc mới thì cần tìm hiểu để đăng ký với địa phương sở tại.
“Với vaccine, người chưa tiêm hoặc mới có một mũi tiêm, chính sách của thành phố là nếu doanh nghiệp và hiệp hội đón công nhân trở về, tuỳ theo điều kiện cụ thể sẽ ưu tiên cung cấp vaccine. Nhưng điều kiện khi xuất phát là họ có kết quả xét nghiệm âm tính”, bà Thắng cho biết thêm.
Theo thống kê của Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 TP HCM, số lượng lao động trở lại làm việc ngày càng tăng. Tại các khu chế xuất, khu công nghiệp, trước 1/10 có 70.000/288.000 lao động hoạt động (chiếm 24,3%). Đến 6/10, có 164.000/288.000 lao động làm việc (đạt 56,8%).
Tại khu công nghệ cao, trước 1/10, có 25.000/50.000 công nhân làm việc “3 tại chỗ” hoặc “1 cung đường, 2 điểm đến”, 6 ngày qua, số lao động tăng lên 27.300 công nhân (chiếm 54,6%).
Ngoài thiếu lao động, các doanh nghiệp phản ánh khó khăn trong năng lực tài chính, đứt gãy chuỗi cung ứng và nguy cơ thành phố “đóng cửa” lại nếu bùng dịch. Bà Thắng cho biết TP HCM đã và sắp có thêm nhiều hỗ trợ.
Về tài chính, bà khuyến nghị doanh nghiệp tìm hiểu các hỗ trợ về giãn nợ, khoanh nợ, không cho nhảy nhóm nợ, đã được nêu trong Thông tư 01, 03 và 14 của Ngân hàng Nhà nước.
Với vốn khôi phục sản xuất, ngân hàng chính sách xã hội đang có các chương trình cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã vay tối đa 2 tỷ đồng một dự án và cho cá nhân vay tối đa 100 triệu đồng tạo việc làm duy trì lao động. Hộ nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo được vay tối đa 100 triệu đồng, lãi suất 0,5% mỗi tháng.
TP HCM cũng đã gửi góp ý Nghị định mới của Chính phủ về việc giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế VAT, miễn tiền chậm nộp phát sinh của năm 2021 cho đối tượng phát sinh lỗ năm 2020. Đặc biệt, có khả năng các hộ, cá nhân kinh doanh sẽ được miễn toàn bộ thuế phải nộp trong quý III, quý IV năm 2021.
“Thành phố đã có kiến nghị cụ thể, tuy chưa được, nhưng mong muốn được chấp thuận theo hướng toàn bộ chi phí phát sinh để chống dịch (như chi phí xét nghiệm và các vật tư bảo hộ khác) của doanh nghiệp thì được hạch toán vào chi phí, chứ nếu hạch toán vào lợi nhuận rất thiệt thòi cho người ta”, bà Thắng nói.
Về chuỗi cung ứng và vận tải, TP HCM đang làm việc với các tỉnh và hiện phụ thuộc vào tình hình dịch bệnh các địa phương. Kỳ vọng 1/11 có thể cho tổ chức lại một số tuyến xe khách liên tỉnh nếu tình hình dịch bệnh tiến triển tốt.
Việc quá tải trong đăng kiểm xe được phản ánh từ các doanh nghiệp cũng đã được giải quyết. Thành phố tạm thời sẽ chưa xử phạt xe quá hạn đăng kiểm mà sẽ dời lại thời điểm kiểm tra xử phạt vào cuối tháng 10.
Các chợ đầu mối cũng đang dần mở lại hoạt động. Bà Thắng cho biết sẽ ưu tiên vaccine tại các chợ đầu mối để sớm nâng công suất lên mức vốn có. “Chuyện đóng cửa lại là có thể nhưng chúng ta cố gắng không để chuyện đó xảy ra”, bà nói.
Ngoài ra, TP HCM cũng đang tính toán việc mở cửa dần hoạt động du lịch để “hồi sinh” ngành vốn chịu thiệt hại nặng nề này. Về du lịch nội bộ địa phương, sau thí điểm ở Cần Giờ và Củ Chi, thành phố đang tính mở thêm các sản phẩm du lịch đường sông, du lịch đến quận 5.
Từ tháng 11 trở đi, thành phố dự kiến kết nối với một số địa phương để đưa khách đi. Ví dụ, đã thảo luận sơ bộ với Hà Giang về khả năng tỉnh này sẽ đón khách TP HCM trong tương lai nếu đã tiêm 2 mũi và xét nghiệm âm tính trước khi đi.
“Từ đây đến cuối năm, chúng tôi đang tính toán chuyện đưa khách đi trước vì khách đến thành phố mình thì tâm lý còn ngại”, bà Thắng nói. Đến năm 2022, căn cứ vào tình hình dịch bệnh,TP HCM sẽ có đề xuất đón lại khách quốc tế.
Minh Ngọc