Sổ hưu không còn là “tấm kim bài miễn tội”
Gắn hình thức xử lý kỷ luật cán bộ nghỉ hưu với hệ quả pháp lý tương ứng như cắt một số quyền lợi về vật chất mà người đó hưởng – đây là một nội dung rất đáng chú ý tại dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức vừa được đưa Quốc hội thảo luận sáng ngày 24/10.
“Đối với từng hình thức xử lý kỷ luật “cảnh cáo”, “khiển trách”, “xóa tư cách” thì cán bộ, công chức còn phải chịu hệ quả kèm theo, ví dụ như cắt một số quyền lợi về vật chất mà người đó được hưởng”, báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho hay.
Và như vậy, sau khi dự án luật này được thông qua thì một cán bộ nghỉ hưu nếu bị kỷ luật do liên quan đến vi phạm, sai phạm thời kỳ còn đương nhiệm, ngoài các hình thức kỷ luật về Đảng, cắt bỏ tư cách “nguyên” – tức “đánh” vào danh dự thì còn bị “đánh” thẳng vào lợi ích vật chất.
Người viết cho rằng, nguyên tắc này sẽ được nhiều người ủng hộ, đồng tình. Chưa rõ, những lợi ích vật chất cụ thể sẽ bao gồm những yếu tố gì (nội dung này sẽ được Chính phủ ban hành sau đó), song, việc kỷ luật gắn với lợi ích vật chất của người bị kỷ luật chắc chắn sẽ tăng tính răn đe đối với cán bộ Nhà nước ngay trong thời kỳ đương nhiệm.
Được biết, một số ý kiến cho rằng, cán bộ, công chức đã nghỉ việc, nghỉ hưu không còn là cán bộ, công chức nên không thuộc phạm vi điều chỉnh của luật này. Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết, thực tiễn một số luật hiện hành cũng có quy định điều chỉnh như Luật Cơ yếu, Luật Phòng chống tham nhũng…
“Tuy là xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức đã nghỉ việc, nghỉ hưu nhưng hành vi vi phạm bị xử lý là hành vi xảy ra trong thời gian người đó đang còn công tác (đang là cán bộ, công chức) và vẫn còn trong thời hiệu xử lý theo quy định”, báo cáo giải trình của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội nêu rõ.
Điều này thể hiện rõ quan điểm: Không có chuyện về hưu là “hạ cánh an toàn” và sổ hưu cũng không phải là tấm “kim bài miễn tội” cho bất cứ ai. Lâu nay chúng ta vẫn thấy tồn tại một bộ phận cán bộ, quan chức trong thời kỳ trước hưu thường vội vàng cho những “chuyến tàu vét”, tranh thủ củng cố phe cánh, thu vén lợi ích nhóm, lợi ích cá nhân, đưa con cháu, người thân vào các vị trí thuận lợi.
Cũng không phải không có những vị cán bộ ngay sau khi nghỉ hưu đã tỏ ra thoải mái hơn trong vấn đề chi tiêu, đầu tư. Bởi xưa nay, quan niệm chung vẫn “nghỉ rồi là thôi”: thôi trách nhiệm nhưng cũng thôi “không còn phải chịu trách nhiệm”.
Trong một số năm gần đây, không ít cán bộ “nguyên” sau khi thôi chức vụ vị trí đã bị truy cứu lại trách nhiệm và phải trả giá cho những sai lầm trong quá khứ. Họ bị kỷ luật về mặt Đảng (khiển trách, cảnh cáo, cách chức) và cũng có người bị xem xét khai trừ khỏi Đảng, bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Song, vẫn có dư luận, rằng đó mới chỉ là “hiện tượng” còn phần lớn quan chức đã về hưu vẫn ung dung với những sai phạm “đã rồi”, để lại hệ luỵ lớn.
Việc gắn trách nhiệm “xuyên suốt” của cán bộ, công chức với chức vụ theo người viết là điều cần thiết. Tất nhiên, cách làm cần nhân văn, mục đích cuối cùng phải nhằm nâng tinh thần chịu trách nhiệm của người cán bộ lên, chứ không phải để cán bộ tìm đủ mọi cách luồn lách, né tránh.
Chính bởi vậy, điều quan trọng nhất vẫn là sáng suốt ngay từ khâu sàng lọc, bổ nhiệm; tạo môi trường trong sạch, lành mạnh cho cán bộ hoạt động, “uốn nắn” cán bộ ngay trong thời kỳ cống hiến. Khi xảy ra vi phạm, sai phạm, cán bộ công chức cần sẵn sàng đứng ra chịu trách nhiệm chứ không phải là “rút kinh nghiệm” chung chung, để đến lúc “hạ cánh” rồi họa hoằn mới bị truy cứu.
Bích Diệp