+
Aa
-
like
comment

Sơ hở, bất cập trong quy định luật, ai chịu trách nhiệm trước dân?

10/01/2020 06:11

Thông tin được Tổng Kiểm toán nhà nước Hồ Đức Phớc vừa công bố cho hay, có tới 154 văn bản pháp luật đã được cơ quan Kiểm toán Nhà nước kiến nghị sửa đổi, bổ sung hoặc huỷ bỏ nhằm để bịt lỗ hổng về cơ chế, chính sách, hạn chế thất thoát, lãng phí trong thời gian qua. Trong số này có 9 nghị định, 24 thông tư, 9 nghị quyết, 40 quyết định và 72 văn bản khác.

Đây có thể coi là một trong những kết quả rất đáng ghi nhận của cơ quan kiểm toán trong việc tìm ra “gốc” của vấn đề, bên cạnh những con số kiến nghị xử lý đến hàng nghìn tỷ đồng phát hiện được từ các vụ việc vi phạm cụ thể.

Trước hết, phải nhấn mạnh về tinh thần của Hiến pháp, đó là doanh nghiệp và người dân được phép làm bất cứ điều gì mà luật pháp “không cấm”. Do vậy, nếu pháp luật không chặt chẽ, để xảy ra sơ hở thì rất dễ bị lợi dụng và gây ra thất thoát. Điều này đặt ra trọng trách lớn, nhấn mạnh nhiều hơn vào trách nhiệm của những cơ quan, đơn vị phụ trách soạn thảo văn bản luật.

Lấy dẫn chứng ở lĩnh vực thu hút đầu tư theo hình thức BT, ông Nguyễn Quang Thành, Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước trong một lần trao đổi với báo chí đã cho biết, qua kết quả kiểm toán tại 35 dự án, cơ quan kiểm toán đã kiến nghị xử lý tài chính tới 7.453 tỷ đồng.

Nguyên nhân một phần lớn xuất phát từ cơ chế, chính sách về đổi đất lấy hạ tầng và quản lý dự án BT còn có bất cập, sở hở, có thể bị lợi dụng gây lãng phí, thất thoát ngân sách. Cá nhân, đơn vị và địa phương chấp hành không nghiêm các quy định hiện hành về quản lý tài chính công, tài sản công và quản lý dự án BT; có hiện tượng “lách” luật để thu lợi bất chính.

Hay như một ví dụ khác đó là trường hợp “lùm xùm” xuất xứ, nguồn gốc sản phẩm tại Asanzo. Hiện tại, doanh nghiệp này cho biết đã nộp hết những khoản thuế vi phạm, những khoản mà cơ quan chức năng xác định là doanh nghiệp đã “trốn thuế”.

Tuy nhiên, doanh nghiệp đã chưa hẳn “tâm phục, khẩu phục”, xuất phát cũng từ vấn đề cơ chế chính sách. Theo như ý kiến của ông Phạm Văn Tam thì doanh nghiệp này đã phải hứng chịu nhiều thiệt hại khi chính sách và pháp luật của Việt Nam chưa hoàn thiện, không thống nhất về khái niệm thế nào là “made in Vietnam”.

Rõ ràng, những con số thiệt hại, sau khi kiểm toán vào cuộc là có thể “đo đếm” được. Và bản thân doanh nghiệp cũng tự thấy được họ sẽ phải trả giá ra sao nếu bị quy vào tội “trốn thuế”. Tuy nhiên, có vẻ là rất chung chung khi đề cập đến nguyên nhân “do cơ chế, chính sách”, do sơ hở tại văn bản pháp luật.

Đành rằng, để thông qua một văn bản pháp luật không dễ gì tuỳ tiện, nhưng nói một cách sòng phẳng, thì bản thân những cá nhân, đơn vị liên quan đến công tác soạn thảo, thẩm định cũng cần nhìn thẳng vào trách nhiệm của mình khi để xảy ra “sơ hở” hay tồn tại những quy định “bất cập”. Chứ còn với tình trạng “cha chung không ai khóc” thì e rằng bất cập trong chính sách sẽ vẫn còn dài.

Đó là nói đến “thiệt hại ngân sách” thông qua con số kiểm toán, đo đếm được. Thiệt hại gián tiếp còn nghiêm trọng hơn khi một số cơ quan, đơn vị lại lạm dụng văn bản pháp luật, đưa ra những quy định vô lý để làm khó dễ doanh nghiệp, làm xấu môi trường kinh doanh.

Do đó, sự công tâm, khách quan và tinh thần trách nhiệm của các cơ quan soạn thảo pháp luật sẽ cần phải được nhấn mạnh hơn nữa, trước khi đòi hỏi tinh thần tự giác và đạo đức của doanh nghiệp trong hoạt động kinh doanh.

Trong một số trường hợp nếu cơ quan Nhà nước, nếu đơn vị soạn thảo, ban hành văn bản pháp luật có vấn đề, xin được mượn lời Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng – Tổ trưởng Tổ công tác của Thủ tướng: “Sai thì nhận lỗi đi chứ, đừng đổ tội cho văn thư, đánh máy!”.

Bích Diệp/DT

Tags:
Bài mới
Đọc nhiều