+
Aa
-
like
comment

Sở GTVT thu hồi đề xuất người có bằng lái dưới 1 năm không chạy ôtô quá 60km/h

13/01/2022 18:53

Sở Giao thông vận tải TP.HCM cho biết đã ký văn bản thu hồi văn bản có nội dung đề xuất người có bằng lái dưới 1 năm không chạy ôtô quá 60km/h, không chạy xe trên cao tốc.

Chiều 13-1, Sở Giao thông vận tải TP.HCM cho biết đã có văn bản gửi Bộ Giao thông vận tải để thu hồi văn bản 13497 về một số ý kiến góp ý khi sửa đổi, bổ sung một số điều của thông tư 38/2019 và thông tư 12/2015 quy định về đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe cơ giới đường bộ.

Trong quá trình nghiên cứu góp ý, sửa đổi các thông tư của Bộ Giao thông vận tải, Sở Giao thông vận tải TP có tham khảo kinh nghiệm của một số nước trên thế giới, tuy nhiên nhận thấy việc tham khảo, đánh giá chưa được đầy đủ và chặt chẽ. Do đó, Sở Giao thông vận tải TP xin thu hồi văn bản nêu trên.

Sở Giao thông vận tải TP sẽ khẩn trương nghiên cứu hoàn chỉnh các nội dung góp ý và gửi về Bộ Giao thông vận tải trong thời gian sớm nhất.

Sở Giao thông vận tải TP thu hồi văn bản đề xuất người có bằng lái dưới 1 năm không chạy xe trên cao tốc.

Như đã thông tin, tại văn bản nêu trên, Sở Giao thông vận tải TP đã có đề xuất Bộ Giao thông vận tải xem xét quy định về việc người có giấy phép lái xe ôtô trong vòng 1 năm (kể từ ngày cấp lần đầu) không chạy quá tốc độ 60km/h và không chạy xe trên cao tốc.

Việc này nhằm đảm bảo an toàn giao thông đường bộ, hạn chế tai nạn xảy ra, đặc biệt là đối với những người mới được cấp giấy phép lái xe.

Đề xuất của Sở GTVT TP.HCM sau khi được thông tin đã nhận được nhiều ý kiến phản hồi của bạn đọc. Trong đó, ngoài một vài ý kiến đồng tình, hầu hết những người còn lại cho rằng đề xuất như vậy không hợp lý, nếu không nói là “tối kiến”.

Cần đưa ra “bằng chứng”

“Hoàn toàn ủng hộ, quy định này hạn chế người chưa có kinh nghiệm điều khiển phương tiện giao thông gây tai nạn” – bạn đọc Minh Phúc bình luận.

Tương tự, hai bạn đọc Dương và Trì Tràn cho rằng cần thiết hạn chế người mới được cấp bằng lái chạy xe trên đường cao tốc. “Tôi rất ủng hộ, vì người chưa chạy tốc độ cao lên đó rất dễ gây tai nạn cho người khác” – bạn đọc tên Dương nói. Bạn đọc Trì Tràn còn đề xuất nên quy định người có bằng lái từ 2 năm trở lên mới được lái xe trên đường cao tốc.

Tuy nhiên, rất nhiều bạn đọc phản biện rằng đề xuất của Sở GTVT TP.HCM thiếu thuyết phục vì chưa đưa ra được bằng chứng cho thấy người mới được cấp bằng lái xe dưới 1 năm thì gây tai nạn nhiều hơn khi lái xe quá 60km/h hay khi lái xe trên đường cao tốc.

“Buồn cười thật. Hãy đưa ra con số chính xác có bao nhiêu phần trăm số vụ tai nạn do người có bằng lái dưới 1 năm gây ra ở đường bình thường, ở đường cao tốc? Tôi có bằng lái 5 năm rồi, chưa lái xe lần nào, nay tôi mới mua xe thì sao đây?” – bạn đọc Minh Nguyễn đặt vấn đề.

Bạn đọc Huy Phan cho rằng việc lấy bằng lâu hay mau và chạy cẩn thận hay không là hai việc khác nhau hoàn toàn. Bạn đọc này đề nghị: “Thống kê tai nạn nghiêm trọng xảy ra trong 10 năm trở lại đây thử coi số người gây tai nạn thời điểm đó có bằng lái bao lâu? Đề xuất khó vậy mà cũng nghĩ ra được”.

Cùng nhận định, bạn đọc Quang Minh đề nghị Sở GTVT hãy cho mọi người thấy con số thống kê phần trăm số vụ tai nạn do người có bằng dưới 1 năm gây ra nhiều hơn người lái lâu năm.

Theo nhiều bạn đọc, những người mới học lái xe và mới được cấp bằng lái thường cẩn thận và có ý thức chấp hành luật giao thông tốt hơn. Trong khi đó không ít tài xế nhiều năm kinh nghiệm lại dễ tỏ ra chủ quan dẫn đến tai nạn. Chưa kể, nhiều người được cấp bằng lâu năm nhưng ít cầm lái còn dễ gây tai nạn hơn người mới được cấp bằng nhưng lái xe thường xuyên.

“Tôi nghĩ đề xuất thiển cận, không dựa vào cơ sở nào. Vậy tai nạn cao tốc bao nhiêu người có bằng lái dưới 1 năm gây ra? Các vụ tai nạn hiện nay trung bình là bao nhiêu, bằng lái nhiều năm mà có lái ngày nào không? Theo chủ quan của tôi, nhiều khi lái dưới 1 năm an toàn hơn” – bạn đọc Xalo viết.

Bạn đọc Vui đồng tình: “Theo tôi, tai nạn giao thông hiện nay phần lớn là do những tài xế có kinh nghiệm lâu năm gây ra. Phần lớn là tài xế xe khách và xe tải chạy ẩu giành đường và những tài xế muốn biểu diễn khả năng. Tài xế mới có bằng lái xe chỉ có thể là người gây cản trở giao thông nhiều hơn là gây ra tai nạn giao thông, vì họ thao tác xử lý những tình huống như vào đường chật hẹp chưa tốt…”.

“Người cấp bằng trên 2 năm mà không thường xuyên chạy thì còn thua người lấy bằng dưới 2 năm mà ngày nào cũng chạy xe. Quan trọng là người lái xe làm chủ tốc độ và có kỹ năng tốt thì chạy đâu chả được” – bạn đọc Thái Bình bình luận.

“Siết” khâu cấp bằng cần thiết hơn

Không chỉ vậy, nhiều ý kiến cho rằng người được cấp bằng lái ôtô đều phải qua thời gian học tập lý thuyết, thực hành và được sát hạch bởi chính ngành GTVT. Do đó, việc đề xuất chỉ cho phép người được cấp bằng lái dưới 1 năm không được chạy tốc độ quá 60km/h và không được chạy trên đường cao tốc thì hóa ra việc đào tạo và sát hạch có vấn đề.

“Thật vô lý hết sức, đào tạo xong mới cho thi lấy bằng, thi đậu thì mới cấp bằng theo thứ hạng thi, khi đạt kỳ thi lấy bằng lái lại hạn chế như vậy là sao? Chứng tỏ các ông thừa nhận rằng cái cách đào tạo của các ông thiếu kỹ năng, đào tạo không bài bản” – một bạn đọc viết.

Bạn đọc Zero Nguyen cho rằng việc đề xuất hạn chế tốc độ tối đa và không được chạy trên đường cao tốc cho người mới được cấp bằng lái trong vòng 1 năm đồng thời nói lên sự yếu kém trong việc đào tạo, cũng như chất lượng sát hạch lái xe.

“Thực tế cũng có nơi người học lái xe thi đậu, có bằng nhưng kỹ năng lái xe và xử lý tình huống rất kém. Vì đa phần họ học chiêu, học kỹ năng để qua bài thi. Thậm chí có người còn không đi thực tế đường trường mà vẫn đậu bằng lái. Vậy thì điều cần làm là siết đầu vào, kiểm soát chặt và nghiêm túc ở nơi dạy lái xe, dạy kỹ năng và kinh nghiệm chứ không phải quản ở thời gian cấp bằng” – bạn đọc Hai Lúa phân tích.

Theo một số bạn đọc, hiện nay đường cao tốc ở nước ta được xây dựng ngày càng nhiều thì ngành GTVT cũng cần cập nhật, đưa vào chương trình đào tạo lái xe nội dung thực hành trên đường cao tốc, thay vì cấp bằng xong lại hạn chế không cho chạy.

“Nếu ngại thì cấp bằng tạm và quy định riêng các kiểu cho bằng tạm, sau đó cấp bằng chính thức thì phải sát hạch đường trường 100km, đạt thì cấp” – Zero Nguyen gợi ý.

Có bạn đọc còn gợi ý không nên hạn chế tốc độ tối đa hoặc cấm chạy vào đường cao tốc, mà thay vào đó quy định ôtô do người mới được cấp bằng hoặc do người cao tuổi cầm lái phải “dán nhãn” để các xe khác nhận biết giữ khoảng cách, như cách một số nước đã làm.

Hồng Anh 

Bài mới
Đọc nhiều