Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM đề xuất UBND TP tăng số ngày nghỉ từ 9 ngày lên 11 ngày.
Hôm nay ngày 9/12, kỳ họp thứ 20 HĐND TP.HCM khóa X bước vào phiên thảo luận tổ. Nêu ý kiến tại tổ 2, đại biểu Phạm Đăng Khoa – trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo quận 3 – cho biết hiện nay cử tri rất mong muốn tăng ngày nghỉ Tết cho học sinh. Nhiều ý kiến trong nhân dân cho rằng nên giảm
Đại biểu HĐND TP.HCM Phạm Đăng Khoa cho rằng nhiều người dân mong muốn tăng thêm ngày nghỉ Tết để học sinh và phụ huynh có điều kiện về quê ăn Tết.
Trước đó, Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM cũng có đề xuất UBND TP tăng số ngày nghỉ từ 9 ngày lên 11 ngày. Cụ thể từ ngày 23-1-2025 (tức ngày 24 tháng Chạp) đến hết ngày 2-2-2025 (tức mùng 5 tháng Giêng). Đại biểu này đề xuất TP.HCM nghiên cứu đề xuất này để tạo điều kiện cho học sinh và phụ huynh về quê ăn Tết.
Tại tổ thảo luận 1, đại biểu Nguyễn Văn Hiếu – giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM – đã nêu quan điểm về việc bỏ tiếng Anh ra khỏi các môn thi THPT bắt buộc kể từ năm 2025.
Ông Hiếu cho biết với vai trò của người đứng đầu ngành giáo dục và đạo tạo TP, ông kiên định tham mưu UBND TP.HCM tiếp tục thi bắt buộc môn tiếng Anh cho đến khi Bộ Giáo dục và Đào tạo cho phép TP tự quyết định. Việc này nhằm đảm bảo sự ổn định trong việc dạy và học.
Hiện nay, học sinh lớp 9 thi vào lớp 10 đang rất rối, người dân cũng rất quan tâm đến kỳ thi vào lớp 10 và tốt nghiệp THPT.
Theo dự thảo quy chế thi lớp 10 của Bộ Giáo dục và Đào tạo đang lấy ý kiến thì có ba môn. Trong đó môn Ngữ văn, Toán được xác định và một môn lựa chọn. Định hướng của bộ là nếu năm nay đã chọn môn này thì năm sau phải bỏ để tránh học lệch. Nhiều năm nay, TP.HCM tổ chức thi tuyển vào lớp 10 với ba môn Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ.
Với tiếng Anh, Bộ Chính trị cũng có kết luận từng bước đưa môn học này trở thành ngôn ngữ thứ hai trong trường.
“Nếu chúng ta không có quyết định, quyết sách đúng thì việc dạy và học tiếng Anh trong nhà trường không được đầu tư”, ông Hiếu nói.
Cũng về vấn đề này, đại biểu Dương Anh Đức – bí thư Quận ủy quận 1 – cho rằng thực hiện các chủ trương của Trung ương, TP.HCM phải là địa phương đi đầu và làm sớm trong việc đưa môn tiếng Anh trở thành ngôn ngôn thứ hai. TP.HCM phải có đề án riêng về vấn đề này.
Theo ông Đức, TP.HCM nên chủ động xin Bộ Giáo dục và Đào tạo tự chủ trong việc tổ chức các kỳ thi đầu, cuối cấp trên tinh thần phù hợp với sự phát triển của ngành giáo dục và điều kiện của TP.
Bích Ngân