+
Aa
-
like
comment

“So giá test kit”: Nhận thức mơ hồ tạo nên phép so sánh ngờ nghệch

Nguyên Khánh - 01/10/2021 21:39

Sau hơn 120 ngày giãn cách, TP.HCM chính thức mở cửa, bước vào một giai đoạn mới của nước ta trong cuộc chiến chống virus không ngừng nghỉ. Trong những ngày tháng đó, có lẽ một trong những “kỷ niệm” khó quên của người dân là những lần xét nghiệm. Niềm vui, nỗi buồn và cả những đau khổ mất mát, đều từ những chiếc que “ngoáy mũi” như thế.

Xét nghiệm nhanh COVID-19.

Dù biết rằng đó là vì sức khỏe cộng động, việc xét nghiệm đại trà cũng đã gây ra những bất tiện cho không ít người, khi cứ cách 1-2 tuần lại phải tái xét nghiệm. Nhưng suy cho cùng, người dân đều hiểu vì sao phải tái xét nghiệm định kỳ, tại sao thỉnh thoảng lại phải ngồi trên chiếc ghế ngửa mặt lên trời như thế. Đó trước tiên là quyền lợi, kế đó là ý thức trách nhiệm của mỗi người với xã hội. Ngay cả những người chọn không đến xét nghiệm tập trung, họ cũng đã tự mình mua test kit để xét nghiệm ngay tại nhà. Tất cả cũng vì bản thân và mọi người xung quanh.

Thế nhưng, trong lúc các lực lượng chống dịch đang nỗ lực từng ngày, gõ cửa từng nhà để xét nghiệm cho người dân, thì các kẻ chống đối, phá hoại lại lan truyền những lời xuyên tạc rằng “Chính phủ vung tiền mua test kit”, điển hình như lời rêu rao “Những ai phải chịu trách nhiệm cho hàng ngàn tỷ đồng lãng phí vì xét nghiệm?” của đối tượng Nguyễn Ngọc Chu. Thật khôi hài thay khi những trang mạng, tổ chức chưa từng bỏ đồng nào mua test kit cho dân, chưa lấy tiền túi của mình vì sự nghiệp chống dịch lại tự ban cho mình tư cách phê phán những chiếc que xét nghiệm.

Khi đưa ra những lời bình phẩm, rêu rao về kinh phí mua sắm test kit, cái mà trang mạng và các đối tượng này thể hiện chỉ là một sự kém hiểu biết về cả nguồn gốc test kit, chi phí lẫn cách vận hành phân phối test kit, đặc biệt là tại TP.HCM. Và như vậy, họ càng chẳng có tư cách mà phán xét.

Điều đầu tiên cần phải nhắc cho các nhà “dân chủ” được biết, đó là Bộ Y tế không đàm phán cũng như không kiểm soát giá thiết bị y tế. Không như vaccine, test kit chưa được xem là mặt hàng bình ổn giá, và vì vậy giá cả phụ thuộc nhiều yếu tố từ thị trường, nhà cung ứng, nguyên vật liệu… Cho nên nếu nói rằng “Bộ Y tế mua test kit giá cao” thực tế là… chẳng biết gì.

Luận điệu xuyên tạc của Nguyễn Ngọc Chu.

Kế đó, nếu xem xét công văn số 5378/BYT-KHTC mà các đối tượng dùng để bêu rếu, công kích giá thành test kit, thì họ cũng nên nhìn vào ngày ban hành công văn là 7/7. Theo công văn Hướng dẫn mức giá thanh toán chi phí thực hiện xét nghiệm COVID-19 thì trước 1/7, người dân được chi trả BHYT là 238.000đ/test; và sau đó là 135.000đ/test. Các đối tượng quy chụp, đem so sánh với mức chào giá của các nhà cung ứng vào thời điểm hiện tại, gần 3 tháng sau khi công văn ban hành và nửa năm sau khi chủng Delta xuất hiện, thì cũng đừng quên tình hình dịch COVID-19 trên thế giới trước đây như thế nào…

Hẳn chúng ta còn nhớ thời điểm tháng 4/2021, biến chủng Delta đã tàn phá Ấn Độ khủng khiếp đến mức nào: Hơn 30 triệu người nhiễm bệnh, hơn 400.000 chết. Không chỉ riêng Ấn Độ, chủng Delta cũng khiến tình hình trở nên phức tạp tại nhiều nước khác. Nhu cầu xét nghiệm toàn thế giới tăng cao tạo áp lực lên các nhà cung ứng, và quy luật cung – cầu hiển nhiên sẽ đẩy giá thành lên cao. Mức chi trả BHYT của Bộ Y tế như vậy cho thấy Chính phủ đã đảm bảo quyền lợi an sinh xã hội tốt nhất cho người dân. Ngược lại, ngay khi tình hình dịch bệnh trên thế giới phần nào được kiểm soát, giá cả vật tư y tế giảm nhờ nhẹ đi áp lực cung ứng, Bộ Y tế đã ban hành công văn quy định mức giá thấp hơn gần ½ so với trước 1/7.

Cũng cần hiểu rằng mức chi trả được BHYT cho test kit hay bất kì chi phí y tế nào đều không thể lấy giá thấp nhất để làm mẫu số chung. Bởi cũng như mọi mặt hàng, vật tư y tế, thuốc chữa bệnh có nhiều nhà phân phối, cung ứng khác nhau, giá cả theo đó cũng có sự chênh lệch, có khi là rất lớn. Do đó, mức chi trả BHYT 135.000đ/test là một con số bình quân xét trên yếu tố cung ứng, thị trường… Đó là chưa kể, vào thời điểm hiện tại, số lượng và chủng loại test kit ngày một tăng do các nhà sản xuất trong và ngoài nước dần trở lại hoạt động sản xuất. Do đó, lấy giá thành hiện nay để làm quy chiếu đã là một sự so sánh khập khiễng. Còn nếu lấy giá 1,5 USD/test đang được một số đơn vị chào bán làm định mức chi trả BHYT như các đối tượng đòi hỏi, đây mới chính là sự trục lợi vô đạo đức, táng tận lương tâm từ cả người dân lẫn ngân sách Nhà nước.

Chỉ có 2 cách lý giải về phép so sánh “giá test kit” ngờ nghệch: Những người tô vẽ ra nó nhận thức cực kỳ mơ hồ về BHYT. Còn không, thì cái họ mong chờ là người dân chỉ được hưởng khoản bảo hiểm rẻ mạt sau khi đã đóng góp ngân sách bằng chính tiền thuế của mình. Những con người đó đã phơi bày trái tim vô cảm và khối óc trống rỗng.

Còn người dân Việt Nam, họ đã được trở lại cuộc sống thường nhật mà không mang trên vai nỗi lo về thuốc thang, viện phí, nhờ một trái tim nóng và cái đầu lạnh của một Chính phủ trước tiên và trên hết luôn vì người dân.

Nguyên Khánh

Bài mới
Đọc nhiều