Sợ di chứng hơn sợ mắc Covid
Nhiều người mang tâm lý đã tiêm vaccine thì “có nhiễm cũng không chết”, chỉ lo di chứng hậu Covid-19 ảnh hưởng đến sức khỏe về sau.
Chị Thùy Linh (ở quận Ba Đình), đang mang bầu tháng thứ 8, bụng to vượt mặt, xin làm việc ở nhà, chỉ ra ngoài khi có lịch khám thai. Hiện nơi chị sống và gia đình nội ngoại đều thuộc vùng cam, nhiều người mắc Covid-19. Điều khiến chị bất an lúc này không phải mắc bệnh mà là “di chứng hậu Covid-19”. Đây là hiện tượng nhiều người có các triệu chứng mệt mỏi, nhức đầu, rối loạn lo âu, khó thở, đau ngực, ho dai dẳng, mất ngủ, sốt kéo dài… từ vài tuần đến vài tháng sau dù đã âm tính.
Chị Linh đã sẵn sàng tâm thế “Covid-19 ở khắp nơi, ai cũng có thể là F0, F1”. Tuy nhiên, bản thân còn trẻ, tiêm đủ mũi nên “nếu nhiễm cũng chóng qua”, chị chỉ lo lắng di chứng lên em bé khi sinh, nhất là bệnh liên quan đến hô hấp. Chị đọc nhiều tài liệu nhưng chưa thấy có phương pháp phòng ngừa di chứng hậu Covid-19. Đôi lúc, chị nghĩ mắc Covid-19 trước khi có bầu thì tâm thế đã không trăn trở như lúc này.
Tính trong đợt dịch thứ 4, Hà Nội ghi nhận hơn 50.000 ca nhiễm, trong đó gần 20.000 ca cộng đồng ở khắp các quận/ huyện như Ba Đình, Hoàng Mai, Cầu Giấy, Thanh Trì, Hà Đông… Sống chung với dịch hai năm qua, lại khác với trước là nay đã có vaccine, có thuốc, có hiểu biết và kinh nghiệm điều trị bệnh Covid, hiện nhiều người khi test nhanh dương tính vẫn không quá hoảng loạn, một số gia đình chuẩn bị sẵn thuốc, thiết bị để điều trị F0 tại nhà.
Gia đình chị Vui (ở Hà Đông) cùng mắc Covid-19 giữa tháng 12, đã tự chăm sóc nhau tại nhà. Chị Vui lên mạng chia sẻ kinh nghiệm chăm sóc F0 cho mọi người. Sau một tuần, cả nhà đã test âm tính. Song, chị lo lắng di chứng, nhất là con trai nhỏ mới hai tuổi và bé thứ hai bị nhược cơ, băn khoăn “liệu có để lại ảnh hưởng sức khỏe sau này”.
Tình trạng sau khỏi bệnh vẫn chịu các di chứng, được các nhà khoa học trên thế giới gọi là “hội chứng hậu Covid” hoặc “hội chứng Covid kéo dài”. Hội chứng này đã được ghi nhận nhiều tại các nước, song với các nhà khoa học, đến nay vẫn còn là hiện tượng khó lý giải nhất của đại dịch. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) lo ngại sâu sắc về hội chứng hậu Covid-19.
Theo một nghiên cứu của Anh đăng trên Tạp chí Y khoa E Clinical Medicine của The Lancet hôm 15/7/2021, trung bình mỗi bệnh nhân Covid-19 gặp 56 triệu chứng khác nhau. Tổng cộng, 203 loại di chứng ảnh hưởng đến 10 cơ quan của cơ thể. Một phần ba số đó sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến người bệnh trong ít nhất 6 tháng kể từ khi khỏi Covid-19.
Các triệu chứng phổ biến nhất là mệt mỏi, kiệt sức và sương mù não. Những tình trạng khác bao gồm ảo giác, run rẩy, ngứa da, chu kỳ kinh nguyệt bất thường, rối loạn chức năng tình dục, các vấn đề tim mạch và bàng quang, bệnh zona, mất trí nhớ, mờ mắt, tiêu chảy và ù tai.
Ngoài ra, tất cả bệnh nhân Covid-19 cấp tính đều có thể mắc hội chứng hậu Covid, bao gồm người không triệu chứng tới bệnh nhân rất nặng phải điều trị trong đơn vị chăm sóc tích cực (ICU).
Trên thế giới, một nghiên cứu với nhóm F0 khỏi bệnh hai tháng, kết quả đăng trên tạp chí y khoa uy tín Lancet mới đây, tỷ lệ mắc trầm cảm 14,9%; mất ngủ 12,2%; lo âu 14,8%; cảm xúc cáu kỉnh giận dữ 12,8%; suy giảm trí nhớ 18,9%, mệt mỏi mạn tính 19,3%; đặc biệt rối loạn stress sau sang chấn lên tới 32,2% .
“Tỷ lệ này cao gấp 5 đến 6 lần những người bình thường”, bác sĩ Nguyễn Viết Chung (Khoa Sức khỏe Tâm thần, Bệnh viện E) nói. Do đó, sự lo lắng về di chứng hậu Covid-19 là có cơ sở, nhưng không nên thái quá. Khi dịch đã kiểm soát tốt, đa số ca mắc nhẹ, không có di chứng thì người dân sẽ lại tiếp tục có những mối lo khác trong cuộc sống như cơm áo, gạo tiền…
Bác sĩ Nguyễn Minh Nguyên (Bệnh viện Điều trị Người bệnh Covid-19, thuộc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội) nói khoảng 80 đến 85% F0 hiện nay là nhẹ hoặc không có triệu chứng thì di chứng hậu Covid-19 thường nhẹ hoặc không có. Riêng nhóm bệnh nhân nặng, nhập viện, cần điều trị hồi sức tích cực có nguy cơ Covid-19 kéo dài cao hơn như tổn thương phổi, xơ phổi, mất ngủ, lo âu, mệt mỏi…
Theo bác sĩ, “không mắc bệnh thì không có di chứng”, mục tiêu hiện nay là cố gắng tiêm đủ vaccine để tạo ra miễn dịch phòng bệnh, hạn chế lây nhiễm, vì ngoài lây nhiễm cho bản thân thì người xung quanh cũng bị ảnh hưởng. Ví dụ, trẻ con, người già, người chưa tiêm hoặc chưa tiêm đủ mũi, nếu nhiễm sẽ dễ trở nặng, ảnh hưởng đến bản thân, gia đình và cả quá trình chống dịch của thành phố. Khi F0 tăng, số ca nặng tăng theo, dẫn đến quá tải và áp lực lên hệ thống y tế.
Phó giáo sư Đỗ Văn Dũng (Trưởng Khoa Y tế công cộng, Đại học Y dược TP HCM) cũng khuyến cáo không nên nghĩ “mắc bệnh xong sẽ yên tâm hơn”, bởi người mắc bệnh rồi vẫn có thể bị nhiễm lại chứ không hoàn toàn tránh được. Nguyên lý chung là “đừng để Covid-19 ảnh hưởng cuộc sống, tránh được bệnh là tốt nhất”.
Còn bác sĩ Chung ví “Covid-19 như một cơn sang chấn tập thể” và ai cũng có thể bị ảnh hưởng về mặt sức khỏe tâm thần, nhất là trẻ nhỏ. Trong cuộc chiến chống dịch, quan trọng nhất là tránh không bị mắc bệnh, không chỉ Covid-19 mà cả các bệnh khác. “Đây là sự khôn ngoan, bảo vệ sức khỏe cho bản thân. Dù mắc bệnh không nặng hoặc tử vong nhưng sẽ mệt mỏi, tốn kém tiền bạc và thời gian điều trị”, bác sĩ chia sẻ. Người gặp vấn đề sức khỏe hậu Covid-19 có thể tham vấn bác sĩ để phân tích nguyên nhân, triệu chứng…, từ đó có phương án điều trị sớm và phù hợp.
Bích Vân