+
Aa
-
like
comment

Số ca tử vong tăng cao, Singapore phải thay đổi nghi thức tổ chức tang lễ

30/11/2021 22:53

Theo báo Bưu điện Hoa Nam buổi sáng, nhân viên nhà tang lễ Dennis Pedrozo đã có 24 năm kinh nghiệm làm nghề bảo quản thi thể người đã khuất. Tuy nhiên, ông chưa từng ngờ rằng một đại dịch có thể làm thay đổi các nghi lễ tổ chức lễ tang lâu đời ở Singapore.

Nhân viên nhà tang lễ mặc trang phục bảo hộ cá nhân trước khi nhận thi thể bệnh nhân COVID-19. Ảnh: SCMP

Mặc dù số người chết vì COVID-19 ở Singapore vẫn ở mức thấp nhất thế giới, nhưng số ca nhiễm và tử vong trong tháng 10 đã đột ngột tăng mạnh sau khi nước này ghi nhận các ổ dịch liên quan đến quán karaoke và cảng cá.

Kể từ khi phát hiện ca nhiễm virus đầu tiên vào ngày 23/1 năm ngoái, Singapore chỉ ghi nhận 30 trường hợp tử vong vì COVID-19 trong 14 tháng sau đó. Tuy nhiên, làn sóng lây nhiễm do biến thể Delta gây ra đã làm bùng phát số ca mắc bệnh, số ca tử vong cũng tăng nhanh, với 391 người chết trong khoảng thời gian từ ngày 1/4 đến ngày 1/11 năm nay.

Quan tài của bệnh nhân COVID-19 được đóng kín hoàn toàn.

Theo Bộ Y tế Singapore, tính đến ngày 30/11, nước này đã ghi nhận trên 263.000 ca nhiễm và 710 ca tử vong liên quan đến COVID-19.

Khi các nhà tang lễ phải chật vật với số ca tử vong tăng cao, ông Pedrozo đã phải chuyển sang sử dụng trang phục bảo hộ cá nhân để vận chuyển bệnh nhân COVID-19 đã qua đời từ bệnh viện đến lò hỏa táng một cách an toàn.

Ông Pedrozo làm việc tại Singapore Casket, một trong những nhà tang lễ lớn nhất của nước này. Người quản lý Jeffrey Lee cho biết trước khi dịch bệnh bùng phát vào đầu năm 2020, nhà tang lễ đã xử lý khoảng 140-150 ca tử vong/tháng. Nhưng đến tháng 10 năm nay, họ phải xử lý gần 200 thi thể/tháng.

Nhân viên nhà tang lễ chuyển quan tài của bệnh nhân COVID-19. Ảnh: SCMP.

Khi dịch bệnh lây lan nghiêm trọng, Singapore không cho phép các nhà tang lễ bảo quản thi thể của bệnh nhân COVID-19. Vì vậy, các nhân viên ở đây phải bọc kín thi thể trong 2 lớp nilon và khử trùng để đề phòng lây nhiễm. Khi nhận thi thể, các nhân viên nhà tang lễ cũng không được nhìn hay trực tiếp chạm vào thi thể. Sau khi khử trùng, thi thể sẽ được đặt bên trong quan tài, sau đó được niêm phong kín bằng silicon để tránh phát tán mầm bệnh trên xe tang dùng để vận chuyển thi thể từ bệnh viện đến nhà tang lễ.

Nếu muốn mở quan tài, các thành viên trong gia đình phải xác minh danh tính của người đã khuất thông qua thẻ tên gắn trên đó. Chỉ những nhân viên đóng quan tài của nhà tang lễ mới mới được phép mở những quan tài này. Song do những nguy cơ của dịch COVID-19, một số xác chết đã bị “bỏ rơi” và các nghi thức tang lễ được rút gọn nhất có thể.

“Các gia đình ủy quyền cho chúng tôi nhận thi thể mà không cần sự hiện diện của họ. Thậm chí, trong nghi lễ tiễn đưa – nghi thức cuối cùng tại nhà tang lễ, người thân của nạn nhân cũng không có mặt ở đó”, quản lý Lee nói thêm.

Quan tài của bệnh nhân COVID-19 không được phép trang trí vì “lý do vệ sinh”. Ảnh: SCMP

Ông Pedrozo cho biết: “Một số người sợ lây COVID-19 và yêu cầu hoả táng thi thể ngay lập tức mà không cần nhìn mặt người thân của họ lần cuối”.

Nhà tang lễ sẽ thực hiện các dịch vụ tang lễ miễn phí cho bệnh nhân COVID-19. Hầu hết những thi thể này sẽ được hỏa táng sau ba ngày sau đó.

Khi nhiều gia đình không thể dự đám tang của một số nạn nhân COVID-19, một số nhà sư sẽ phát nguyện thực hiện các nghi thức cầu siêu cho người đã khuất. Shi Ming Qing, một nhà sư Phật giáo, đã tình nguyện thực hiện các nghi lễ cho người quá cố ngay cả trước khi xuất gia.

“Điều đó đã dạy tôi sống với lòng biết ơn và trả ơn cho thế giới bằng cách giúp đỡ những người gặp khó khăn, đặc biệt là những người kém may mắn, người nghèo và những người không có gia đình”, sư thầy Shi, một nhà sư đã tu hành hơn 30 năm, chia sẻ.

Phòng tang lễ chìm trong im lặng cho đến khi các nhà sư tụng kinh. Ảnh: SCMP

Trong khi thông thường, hầu hết các đám tang đều có nhạc lễ và các thành viên trong gia đình đọc điếu văn, nhưng không ai đến dự đám tang của một bệnh nhân 87 tuổi COVID-19 vào ngày 30/10, ngoài sư thầy Shi và 2 nhân viên nhà tang tễ. Các hướng dẫn phòng dịch của chính phủ chỉ cho phép tối đa 30 người tập trung tại nơi tiến hành nghi lễ, chôn cất hoặc hỏa táng.

Sau khi hoàn tất các nghi lễ cuối cùng, nhân viên nhà tang lễ sẽ mặc thiết bị bảo hộ cá nhân để đưa quan tài vào lò hỏa táng. Quá trình hỏa táng kéo dài từ khoảng 4 đến 5 giờ.

Các gia đình sẽ được phép xem lễ hỏa táng từ đài quan sát trong lò hỏa táng. Ảnh: SCMP

Cơ quan Môi trường Quốc gia cho biết ngoài hoả táng, Singapore cũng cho phép chôn cất nạn nhân COVID-19 vì những lý do tôn giáo đặc biệt. Vào năm 2020, 82% trong số 22.000 người chết ở Singapore đã được hỏa táng, trong khi chỉ có 18% được chôn cất. Những số liệu này vẫn ổn định trong suốt một thập niên qua.

Tại khu vực châu Á, các nghi lễ tổ chức đám tang cũng đã phần nào thay đổi do COVID-19 và được tổ chức theo nhiều hình thức khác nhau ở từng địa phương. Tại Philippines, chính quyền địa phương được giao nhiệm vụ đảm bảo thi thể người chết do COVID-19 hoặc nghi nhiễm phải được hỏa táng hoặc chôn cất nạn nhân trong vòng 12 giờ sau khi qua đời. Các nhà tang lễ và nhà hỏa táng có thể bị tước giấy phép hoạt động nếu từ chối tiếp nhận thi thể.

Phong tục mai táng ở Ấn Độ được tiến hành theo những nghi lễ của đạo Hindu, đạo Jain và đạo Hồi. Theo đó, người qua đời vì COVID-19 phải được hỏa táng hoặc chôn cất trong vòng 24 giờ.

Nhưng ở Indonesia, nơi phần lớn người dân theo đạo Hồi giáo, rất ít gia đình lựa chọn hỏa táng cho người thân của họ. Ở Bogor, đã có nhiều người tình nguyện làm công việc chôn cất người đã khuất vì COVID-19, đôi khi họ không mặc đồ bảo hộ.

Các tình nguyện viên ở Malaysia cũng hỗ trợ đất nước giải quyết áp lực số ca tử vong tăng cao. Nhiều nhiên viên đã tình nguyện vận chuyển thi thể người qua đời vì COVID-19 đến nghĩa trang để chôn cất, một công việc có rủi ro lây nhiễm cao.

Khai Tâm

Tags:
Bài mới
Đọc nhiều