Số ca tử vong do Covid-19 ở Pháp quá ngưỡng 10 nghìn
Ngày 7-4, nước Pháp bước vào tuần thứ 4 của lệnh hạn chế di chuyển với những thống kê rất đáng lo ngại. Bộ Y tế Pháp xác nhận, có 109.069 người mắc Covid-19, còn số tử vong cũng tăng lên tới 10.328. Như vậy Pháp hiện là nước bị ảnh hưởng nặng nề thứ 3 ở châu Âu, sau Italy và Tây Ban Nha.
Trong cuộc họp báo tối 7-4, Tổng Cục trưởng Y tế Pháp Jérôme Salomon cho biết, trong 24 giờ qua, có thêm 597 ca tử vong trong bệnh viện và 820 trường hợp khác ở các nhà dưỡng lão. Số thống kê ở các nhà dưỡng lão ở mức rất cao có thể do việc tổng hợp thông tin chậm, không thể cập nhật từng ngày. Như vậy, Pháp ghi nhận 7.091 ca tử vong ở bệnh viện và 3.237 ca khác ở các nhà dưỡng lão.
Hơn 30 nghìn người đang được điều trị trong bệnh viện do nhiễm virus corona, gồm 7.132 trường hợp cần chăm sóc đặc biệt, trong đó 61% ở độ tuổi 60-80. Ông Jérôme Salomon cho biết, số người được chữa khỏi và xuất viện mỗi ngày một nhiều, tuy nhiên bệnh dịch vẫn gia tăng, chưa đạt đỉnh dù có dấu hiệu chậm lại. Tin tích cực là sự gia tăng của người cần chăm sóc điều trị trong 24 giờ qua tiếp tục giảm đáng kể mấy ngày liền.
Vùng thủ đô Ile-de-France tiếp tục là khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất với 2.649 ca tử vong trong bệnh viện kể từ khi có dịch, tăng 240 trường hợp trong 24 giờ qua. Mức độ lây lan ở các thành phố ở phía bắc Paris ở mức rất đáng lo ngại vì mật độ dân cư đông và điều kiện chăm sóc y tế còn hạn chế.
Ngày 7-4, phát biểu trước Quốc hội, Thủ tướng Pháp Edouard Philippe cho rằng, các biện pháp hạn chế di chuyển và duy trì khoảng cách xã hội hiện nay ảnh hưởng rất nhiều đến cuộc sống của người dân, tuy nhiên cần phải duy trì để tránh nguy cơ xảy ra tình trạng khủng hoảng sức khỏe tồi tệ hơn. Trước tình hình bệnh dịch chưa có dấu hiệu suy giảm, việc dỡ bỏ lệnh hạn chế di chuyển chỉ được thông qua khi đà lây lan đã được kiểm soát và số bệnh nhân nặng không vượt quá khả năng tiếp nhận của các bệnh viện.
Thủ tướng Edouard Philippe cho biết, Chính phủ đang chuẩn bị cho việc dỡ bỏ lệnh hạn chế di chuyển nhưng không có nghĩa là mọi điều kiện đã sẵn sàng. Chính phủ sẽ xây dựng các kịch bản có đủ yếu tố về kỹ thuật, khoa học để đưa ra quyết định vào thời điểm hợp lý vì hiện còn quá sớm để nới lỏng.
Bộ trưởng Y tế Olivier Véran cũng cho rằng, số người nhập viện có xu hướng giảm nhưng hằng ngày vẫn có thêm bệnh nhân nặng. Ông nói: Đỉnh dịch vẫn chưa tới. Số người nhập viện vẫn nhiều hơn số được chữa khỏi và xuất viện. Điều đó cho thấy dịch vẫn tiếp tục lây lan. Vì vậy, cần tiếp tục duy trì các biện pháp nghiêm ngặt để ngăn chặn sự lây lan và giảm số người bị mắc Covid-19.
Trong khi đó, Viện hàn lâm Y học quốc gia Pháp ủng hộ phương án dỡ bỏ hạn chế di chuyển theo khu vực chứ không theo nhóm tuổi. Và Chính phủ có thể xem xét việc ngừng áp dụng biện pháp cấm ra khỏi nhà, trừ khi có mục đích thiết yếu, ở những nơi ít có người nhiễm và, nếu có, đã được chữa khỏi. Ngoài ra, cư dân ở những nơi mà bệnh dịch đã được kiểm soát không được đến những khu vực còn “nguy hiểm,” đồng thời tiếp tục duy trì lệnh cấm tụ tập, các biện pháp rào cản cũng như bắt buộc đeo khẩu trang ở những nơi công cộng.
Đánh giá về tình hình dịch bệnh trong cuộc phỏng vấn với tờ Le Monde, ông Jean-François Delfraissy – Chủ tịch Hội đồng Khoa học quốc gia – cho rằng ba tuần “phong tỏa” đã giúp hệ thống y tế tránh khỏi nguy cơ “vỡ trận” và giảm đà lây lan của virus corona. Tỷ lệ lây lan từ người này sang người khác đã giảm từ mức gần 3 xuống còn dưới 1, có thể là 0,8. Điều đó có nghĩa là số người bị nhiễm từ 10 hiện chỉ còn 8.
Vì vậy, Hội đồng Khoa học cho rằng, việc dỡ bỏ lệnh hạn chế di chuyển – tiếp xúc chỉ nên thực hiện khi có đủ các công cụ chống dịch như khẩu trang, xét nghiệm và công cụ để theo dõi các tiếp xúc của người được phát hiện mắc Covid-19. Bên cạnh đó, cần có chiến lược cụ thể để thoát khỏi bệnh dịch, không chỉ ở Pháp mà cả khu vực châu Âu.
Vấn đề đeo khẩu trang khi ra khỏi nhà vẫn là chủ đề gây tranh cãi trong suốt mấy ngày qua ở Pháp. Lý do chính là không có đủ số lượng cũng như loại khẩu trang y tế để cung cấp cho người dân. Dù Chính phủ vẫn chưa có quyết định dứt khoát, một số thành phố ở phía nam và chung quanh Paris đã ra thông báo yêu cầu người dân phải đeo khẩu trang khi ra khỏi nhà. Ngày 6-4, Thị trưởng thành phố Sceaux ở ngoại ô phía nam Paris là người đầu tiên thông báo rằng trong trường hợp không có khẩu trang FFP2, những ai trên 10 tuổi ra đường phải đeo khẩu trang bình thường hoặc dùng khăn quàng để che miệng và mũi nhằm hạn chế sự lây lan. Nếu ai vi phạm sẽ bị phạt 38 euro và Hội đồng thành phố mong rằng lệnh này sẽ được các thành phố khác hưởng ứng để bảo vệ sức khỏe cho mọi người.
Tại thành phố Nice và Mandelieu-la-Napoule ở vùng biển phía nam, chính quyền đã thông báo về việc phân phối khẩu trang có thể giặt và sử dụng lại nhiều lần cho tất cả người dân ở đây trong 10 ngày tới. Khi có đủ, bất kỳ ai ra đường đều phải đeo khẩu trang. Trong khi đó, thành phố Marcq-en-Baroeul ở phía bắc có quy định nghiêm ngặt hơn khi phạt 68 euro với các hành vi nhổ nước bọt, hắt hơi không che tay hoặc vứt găng tay và khẩu trang không đúng nơi quy định.
Cũng như các nước khác trong khu vực, Pháp đang đối mặt với rất nhiều thách thức từ sự đình trệ kinh tế, việc làm cho tới giá cả hàng tiêu dùng. Ngày 7-4, Bộ trưởng Lao động Pháp cho biết, một nửa nền kinh tế của Pháp đã ngừng hoạt động. Có tới 544 nghìn công ty, chủ yếu là khu vực tư nhân, đã đăng ký thất nghiệp tạm thời cho 5,8 triệu nhân viên. Như vậy Nhà nước phải chi khoảng 19,6 tỷ euro trong ba tháng.
Lệnh phong tỏa ở Pháp và các nước châu Âu cũng đã ảnh hưởng không nhỏ đến ngành phân phối và ngành nông nghiệp. Tình trạng thiếu hụt nhân lực để thu hoạch vụ mùa hiện nay khiến các nhà sản xuất nông sản gặp rất nhiều khó khăn vì nhân công nước ngoài đã phải về nước. Giá cả của nhiều loại rau, quả tươi tăng rất mạnh vì không có hàng nhập khẩu từ các nước chung quanh. Chợ ngoài trời đóng cửa, vì vậy người tiêu dùng phải xếp hàng rất lâu để mua đồ ở siêu thị hay các cửa hàng hoa quả, thực phẩm. Tình trạng này dẫn tới tốc độ tiêu thụ rất chậm, ế ẩm, còn nhà sản xuất ở Pháp thì thiếu kho dự trữ để tránh tình trạng ứ đọng và hủy bỏ hàng loạt.
KHẢI HOÀN/ND