+
Aa
-
like
comment

Số ca nhiễm Covid-19 nhập viện tăng, TP.HCM ứng phó thế nào?

27/11/2021 07:21

Trước tình hình ca nhiễm Covid-19 có xu hướng gia tăng trong thời gần đây, TP.HCM đã lên nhiều kế hoạch để ứng phó và kiểm soát dịch bệnh.

Đề xuất tăng cường nhân lực

Ngày 26.11, bác sĩ (BS) Phạm Thanh Việt, Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp Bệnh viện (BV) Chợ Rẫy, cho biết tại BV Hồi sức Covid-19 hiện chỉ còn BV Chợ Rẫy phụ trách về nhân lực, chuyên môn; nhân lực T.Ư, các tỉnh, cũng như tại TP.HCM đã rút về hết.

TP.HCM ứng phó số ca nhiễm Covid-19 nhập viện tăng - ảnh 1
Điều trị bệnh nhân Covid-19 tại Bệnh viện dã chiến đa tầng Tân Bình

“Khi dịch bệnh tạm ổn, BV chỉ còn 150 bệnh nhân (BN) và nhân lực đủ phục vụ 150 BN. Nhưng nay đã quá tải, BN đã lên 170 người. BN thở mask (thở ô xy qua mặt nạ) trở lên chiếm tỷ lệ gần 60%, cao hơn thời điểm trước (30%). Hiện không còn giường để nhận BN nên mỗi ngày phải nhờ tổ điều phối của Sở Y tế điều động BN qua các BV khác từ 5 – 7 ca. Dù rất khó chịu nhưng nhân lực không đủ để đảm đương”, BS Việt nói.

TP.HCM ứng phó số ca nhiễm Covid-19 nhập viện tăng - ảnh 2
Áp lực lại đè nặng lên vai nhân viên y tế

Về giải pháp, theo BS Việt, BV Hồi sức Covid-19 đang làm văn bản trình Sở Y tế cho BV mở thêm giường hồi sức, nhưng với điều kiện Sở Y tế phải bổ sung nhân lực. Muốn mở thêm bao nhiêu giường thì cử thêm bấy nhiêu nhân lực. Cứ 2 BS, 5 điều dưỡng cho 1 kíp trực, phụ trách 5 – 15 giường hồi sức. Một khoa cần 4 kíp như vậy để xoay tua. Thậm chí, có thể gom trung tâm hồi sức các nơi khác về cho BV Hồi sức Covid-19, tập trung một chỗ để dễ quản lý, vừa đỡ tốn về nhân lực. Còn trang thiết bị, thuốc thì BV Hồi sức Covid-19 đã có sẵn sàng. Ngoài ra, BV Chợ Rẫy, số BN nhập viện tăng lại từ 50 – 100 BN, trong khi nhân lực của BV còn phải đi chi viện cho các tỉnh khác.

PGS-TS Trần Vĩnh Hưng, Giám đốc BV Bình Dân – kiêm Giám đốc BV dã chiến số 8, cho hay 3 tuần trước BV chỉ còn 42 ca, nhưng đến nay lên 200 ca, trong đó có 6 ca nặng. BV đã chuẩn bị cơ số máy thở, hàng trăm đầu thở ô xy và 18 giường hồi sức. Xu hướng BN tăng lên, nhưng hiện chỉ còn BV Bình Dân phụ trách BV dã chiến số 8, tổng cộng 130 người (kể cả bộ đội). Đồng thời, BV Bình Dân còn chi viện cho BV dã chiến 3 tầng số 16, Q.12 (Trạm y tế lưu động); khám, chữa bệnh tại BV Bình Dân.

Theo PGS-TS Lê Đình Thanh, Giám đốc BV Thống Nhất, kiêm phụ trách BV dã chiến đa tầng Tân Bình 1.000 giường, có thời điểm BV dã chiến đa tầng Tân Bình số ca bệnh xuống thấp còn khoảng hơn 400 ca, rất đáng mừng. Nhưng nay, số ca bệnh tăng lên, song vẫn được kiểm soát, người dân được trang bị kiến thức tốt hơn, tự giác hơn. Hiện tầng 1 có 210 ca nhẹ có triệu chứng, kèm bệnh nền; tầng 2 có 464 ca trung bình nặng, khu nặng hồi sức 117 ca, cấp cứu 14 – 19 ca.

PGS-TS Lê Đình Thanh cho rằng điều quan trọng bây giờ là chăm sóc F0 nhẹ để không chuyển nặng, hạn chế ca tử vong. “Bây giờ tương đối áp lực, các BV vừa điều trị bệnh thông thường, vừa điều trị Covid-19 nên cần hỗ trợ nhân lực khoảng từ 40 – 60 người. Sở Y tế vừa có quyết định tăng cường cho BV dã chiến đa tầng Tân Bình”, BS Thanh nói và cho biết thêm về giải pháp, cần tăng cường vắc xin, nâng cao ý thức người dân và 5K thật tốt; điều trị hợp lý; quản lý nguồn lây thật tốt.

Đã lường trước

Tính đến hết ngày 25.11, tổng số ca F0 có triệu chứng trung bình, nặng đang điều trị tại BV tầng 2, tầng 3 là 14.342 người, tăng khoảng 2.500 ca so với thời điểm giữa tháng 10.2021. Số ca F0 đang cách ly tại các cơ sở cách ly tập trung là trên 6.200 người (tăng khoảng 2.000 ca so với giữa tháng 10). Số ca F0 đang cách ly, điều trị tại nhà là 60.000 người (cao gấp đôi so với thời điểm 1.10). Như vậy, hiện có tổng cộng 80.000 ca F0 đang được điều trị, cách ly. Song song đó, người (F1 và người nhập cảnh) đang cách ly tập trung là 1.623 người, số trường hợp F1 đang được cách ly tại nhà là 15.943 người.

Tại cuộc họp báo về tuyên truyền phòng, chống dịch Covid-19 chiều 25.11, BS Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Chánh văn phòng Sở Y tế TP.HCM, thông tin việc F0 có chiều hướng gia tăng nhẹ dù đã có nhiều biện pháp, nhưng cũng được lường trước khi mở cửa sản xuất kinh doanh và bình thường mới đối với các hoạt động của TP.HCM. Khi số F0 gia tăng nhẹ thì kéo theo gia tăng tử vong mà chủ yếu người trên 65 tuổi và chưa tiêm ngừa.

Trong 6 chiến lược chống dịch mới của TP.HCM, chiến lược điều trị F0 được triển khai theo hướng các F0 không triệu chứng và có triệu chứng nhẹ được chăm sóc, quản lý tại nhà, Sở Y tế tăng cường BS cho các quận huyện có F0 tăng, phát gói thuốc cho F0, đặc biệt là thuốc Molnupiravir kháng vi rút. Các BV tầng 2, tầng 3 sẽ tập trung chăm sóc người bệnh có triệu chứng trung bình trở lên và những người thuộc nhóm nguy cơ cao. Về công tác thu dung điều trị F0 tại các BV, tất cả cơ sở điều trị luôn sẵn sàng tiếp nhận BN Covid-19. Áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào công tác điều trị. TP.HCM sẽ “đánh chặn từ xa” kết hợp “4 tại chỗ”.

TP.HCM ứng phó số ca nhiễm Covid-19 nhập viện tăng - ảnh 3

TP.HCM bác bỏ thông tin “vào tình trạng khẩn”

Từ trưa 26.11, trên không gian mạng lan truyền nội dung “thông tin khẩn từ Văn phòng Chính phủ (vừa họp xong với Bộ Quốc Phòng, mai ra thông báo) với nhiều thông báo như: TP.HCM vào tình trạng khẩn. Siêu thị sẽ đóng cửa hết, siêu thị chuỗi lớn sẽ ký hợp đồng với quân đội để cung ứng lương thực cho dân, người dân tuyệt đối không ra ngoài, áp dụng trong 2 tuần…” khiến người dân bất an.

Chiều cùng ngày, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 TP.HCM khẳng định đó là thông tin bịa đặt, đồng thời cho biết tình hình dịch Covid-19 trên địa bàn vẫn tiếp tục được kiểm soát, mức bao phủ vắc xin tăng lên từng ngày.

Tính đến ngày 24.11, có gần 7,9 triệu người dân được tiêm mũi 1, hơn 6,4 triệu người được tiêm mũi 2. Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 TP.HCM đề nghị người dân tuyệt đối không chủ quan, lơ là trong phòng chống dịch bệnh; nắm bắt các thông tin từ nguồn chính thống, không chia sẻ, lan truyền thông tin bịa đặt, gây hoang mang dư luận.

Đình Anh

Tags:
Bài mới
Đọc nhiều