+
Aa
-
like
comment

Số ca F0 tăng nhanh, quận Cầu Giấy chuyển màu cam – cấp nguy cơ cao

07/01/2022 14:15

Lãnh đạo quận Cầu Giấy cho biết, những ngày qua, số ca mắc Covid-19 trên địa bàn quận đang gia tăng, hiện địa bàn có 7/8 phường ở cấp độ 3, quận chuyển màu cam – tức nguy cơ cao.

Thông tin được lãnh đạo quận Cầu Giấy cho biết tại cuộc họp trực tuyến với các quận, huyện, thị xã của Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh Covid-19 Hà Nội, sáng 7/1.

Cụ thể, theo lãnh đạo quận Cầu Giấy, địa bàn đang gia tăng nhanh các ca bệnh. Đáng chú ý, đến sáng 7/1 đã có 7/8 phường là cấp độ 3, toàn quận hiện ở cấp độ 3.

Theo đó, quận Cầu Giấy đã chuyển màu cam – nguy cơ cao và sẵn sàng chuyển trạng thái theo cấp độ mới. Với người trên 65 tuổi, quận đã tích cực vận động và mỗi ngày tiêm thêm được từ 20-30 người…

Hà Nội: Quận Cầu Giấy chuyển màu cam, sẵn sàng chuyển trạng thái theo cấp độ mới - Ảnh 1.
Quận Cầu Giấy chuyển màu cam, sẵn sàng chuyển trạng thái theo cấp độ mới.

Tại cuộc họp, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Vũ Cao Cương cho biết, trong đợt dịch Covid-19 thứ 4 (từ ngày 27/4/2021 đến 18 giờ ngày 6/1/2022), Hà Nội ghi nhận 62.908 ca mắc. Trong đó, ghi nhận 62.806 ca bệnh tại Hà Nội, 102 trường hợp nhập cảnh, 211 trường hợp tử vong (0,33%).

Trong kỳ báo cáo, trung bình ghi nhận 2.230 ca/ngày, tăng nhiều so với kỳ báo trước (trung bình 1.747 ca/ngày) và có xu hướng tiếp tục gia tăng trong thời gian tiếp theo.

Toàn TP đã tiêm được 12.941.275 mũi; Tổng số mũi bổ sung đã tiêm 198.953 mũi; Tổng số mũi nhắc lại 807.032 mũi. Trong đó, tiêm cho người >18 tuổi là 5.382.193 mũi 1 và 5.239.138 mũi 2; Tiêm cho người >50 tuổi là 1.883.806 mũi 1 và 1.837.415 mũi 2. Hiện thành phố đang điều trị cho 38.038 người. Trong đó, tầng 1 là 35.655 người; Tầng 2 là 1.655 người; Tầng 3 là 390 người.

Theo lãnh đạo Sở Y tế Hà Nội, công tác phòng, chống dịch vẫn đang được tổ chức quyết liệt, tỷ lệ bệnh nhân nặng, bệnh nhân tử vong vẫn đang trong giới hạn kiểm soát, tuy nhiên hệ thống y tế các tuyến đang chịu rất nhiều áp lực về quản lý, thu dung, điều trị. Trong thời gian tiếp theo, khi số ca mắc tiếp tục gia tăng là gánh nặng lên hệ thống y tế và có thể gia tăng tỷ lệ chuyển nặng, tỷ lệ tử vong.

Trong 9 nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới, bên cạnh các giải pháp, biện pháp thành phố đã và đang kiên trì thực hiện, Hà Nội sẽ giám sát chặt chẽ người nhập cảnh, tăng cường giám sát phát hiện biến chủng mới Omicron; tăng cường thành lập mới các trạm y tế lưu động; chăm lo, chia sẻ những khó khăn với người bị ảnh hưởng bởi đại dịch, không để người dân nào bị thiếu ăn, thiếu mặc, bị bỏ lại phía sau; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý F0 tại các cơ sở thu dung, điều trị tại nhà…

Phó Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Chử Xuân Dũng nhấn mạnh, Hà Nội đã chuyển hướng, phân cấp cho các địa phương với nhiều phần việc cụ thể để kiểm soát dịch bệnh.

“Tấp cả khó khăn ở cơ sở có thể báo ngay cho các sở ngành, không phải chờ các cuộc họp. Có như thế công việc mới “chạy” kịp thời, không để người dân bức xúc”, ông Chử Xuân Dũng nói và yêu cầu các quận huyện, xã phường trả lời rõ về các phần việc quan trọng như: Rà soát, vận động, tiêm chủng cho gần 15.000 người trên 50 tuổi có bệnh nền chưa được tiêm vaccine đã triển khai ra sao; mua sắm trang thiết bị phòng dịch như thế nào…

Tại quán cháo sườn trên phố Hàng Điếu, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội dừng bán tại ăn uống tại chỗ, treo biển bán mang về. Ảnh: Gia Khiêm

Ngay sau khi được xác định “đổi màu”, các quận, huyện trên địa bàn thành phố đã lập tức điều chỉnh các biện pháp chống dịch theo hướng siết chặt các hoạt động đông người, có nguy cơ lây lan dịch bệnh; cấm các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, nhà hàng phục vụ tại chỗ, chỉ được phép bán hàng mang về và đóng cửa trước 21h hàng ngày…

Trước đó, sau khi xác định dịch ở cấp độ 3 (vùng cam), các quận Ba Đình, Hoàn Kiếm, Tây Hồ của Hà Nội đã thực hiện cấm nhà hàng, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống phục vụ tại chỗ.

Sơn Ca

Bài mới
Đọc nhiều