TP.HCM ghi nhận ca Covid-19 trong 24h qua cao nhất cả nước, khi giãn cách xã hội ngày thứ 15. Các chuỗi lây nhiễm liên tục xuất hiện. Người dân trông chờ giải pháp tiếp theo của TP, cũng như mong đợi vắc xin.
Ca Covid-19 tăng kỷ lục, nhiều nhất cả nước trong 1 ngày
Việc thực hiện giãn cách xã hội toàn TP.HCM theo Chỉ thị 15 và các quận Gò Vấp, phường Thạnh Lộc (quận 12) theo Chỉ thị 16 hôm nay (14/6) bước sang ngày thứ 15. Tuy vậy, diễn biến dịch Covid-19 vẫn còn nhiều phức tạp khi liên tiếp xuất hiện những chuỗi lây nhiễm, đặc biệt nhiều trường hợp chưa xác định được nguồn lây.
Nhiều ca lây trong cộng đồng được phát hiện qua khám sàng lọc tại bệnh viện. Chưa kể, có những ca F0 khai báo nhỏ giọt dẫn đến việc truy vết gặp nhiều khó khăn.
Theo Bộ Y tế, tối ngày 13/6 ghi nhận, 24h qua TP.HCM thêm 95 ca, nhiều nhất cả nước. Tổng số ca trong nước tại TP.HCM đã lên 789 ca, cao thứ 3 cả nước, sau Bắc Giang và Bắc Ninh.
Tuy nhiên, hôm nay đã là 15 ngày thực hiện giãn cách, chính quyền TP sẽ phải đưa ra giải pháp tiếp theo, đặc biệt với quận Gò Vấp.
TP.HCM đã tiến hành xét nghiệm cho hàng chục nghìn công nhân trong các khu công nghiệp, khu chế xuất. Ảnh: Trương Thanh TùngSáng 13/6, Phó Chủ tịch TP Dương Anh Đức đã xuống làm việc với quận Gò Vấp. Tại đây, ông Đức đề cập đến việc TP vừa phát hiện hàng chục ca tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới, nơi chuyên điều trị bệnh nhân Covid-19 của TP.
Qua đây, ông Đức lưu ý, các cơ sở y tế, đặc biệt là bác sĩ, nhân viên y tế quận Gò Vấp ở cả khu vực công và tư đều cần cảnh giác cao độ.
Theo ông Đức, biện pháp thời gian qua đã phát huy tác dụng, nhưng chưa đủ an tâm. Cần vận động nhiều hơn nữa ý thức người dân.
Về diễn biến tại Gò Vấp, ông Đức đánh giá cơ bản không còn khác biệt so với tình hình chung toàn TP, nhưng vẫn còn những trọng điểm, cần phải siết chặt hơn nữa việc cách ly, giãn cách.
Trước đó, từ 0h ngày 31/5, quận Gò Vấp thực hiện cách ly theo Chỉ thị 16 do có chuỗi lây nhiễm từ nhóm truyền giáo Phục Hưng (địa điểm sinh hoạt ở đường Nguyễn Văn Công, phường 3). Ổ dịch liên quan đến nhóm này được TP.HCM phát hiện ngày 26/5 và riêng tại Gò Vấp hiện có gần 100 ca.
Theo ông Dũng, đến nay toàn quận đã chấp hành tốt. Người dân hạn chế ra đường, chỉ có giờ cao điểm lưu thông vẫn còn đông, nhưng cũng giảm một nửa so với hai ngày đầu cách ly.
“Trong vài ngày tới nếu số ca nhiễm không tăng thì chỉ cần giãn cách 15 ngày là đủ. Cần chia sẻ với người dân, họ đã quá khổ rồi, nhưng vẫn chấp hành tốt các quy định của quận và TP”, ông Dũng bày tỏ.
Liên tiếp xuất hiện chuỗi lây nhiễm
BV Bệnh Nhiệt đới TP.HCM và các ngành chức năng đang ráo riết truy vết, truy nguồn 53 ca bệnh là nhân viên thuộc khối hậu cần tại đây. Đáng nói, 52/53 nhân viên hoàn toàn không có triệu chứng. Các nhân viên này đều được tiêm vắc xin Covid-19 đầy đủ 2 liều.
Trước diễn biến phức tạp này, trong ngày 13/6, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn đã tới làm việc với bệnh viện.
Theo Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn, nhân viên bệnh viện đã được tiêm đủ 2 mũi vắc xin ngừa Covid-19. Do đó, khi kết hợp thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, bệnh viện này sẽ sớm hoạt động trở lại.
Qua thống kê, Thứ trưởng Bộ Y tế nhận định, có thể nhân viên nhiễm Covid-19 là do từ bên ngoài thông qua các chuỗi lây nhiễm dịch ở TP.
Theo HCDC, người đầu tiên có kết quả dương tính SARS-CoV-2 là nhân viên phòng Công nghệ thông tin, cư trú tại thị trấn Hóc Môn, huyện Hóc Môn.
“Viện Pasteur TP.HCM cần phối hợp cùng với bệnh viện làm các xét nghiệm liên quan để tìm được nguồn lây nhanh nhất’, Thứ trưởng nhấn mạnh.
Trước đó ít ngày, TP cũng ghi nhận chuỗi lây nhiễm 28 trường hợp ở Hóc Môn. Chuỗi này được phát hiện khi các bệnh nhân đi khám ở 3 bệnh viện do có triệu chứng sốt ho, nhưng đều cùng một ổ dịch.
Đó là, từ việc 2 cha con của xưởng cơ khí Tuấn Tú (huyện Hóc Môn), có địa chỉ cư trú tại xã Tân Thạnh Đông, huyện Củ Chi, đi khám tại BV Thống Nhất, sau đó các ca phát hiện đều có quan hệ trong cùng gia đình, hàng xóm có tiếp xúc gần với các bệnh nhân.
Báo cáo tại cuộc họp phòng chống dịch của TP ngày 11/6, Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Tấn Bỉnh cho biết, riêng ổ dịch điểm nhóm truyền giáo Phục Hưng từ ngày 26/5 đến nay có hơn 440 ca.
Cũng từ chuỗi này, phát hiện 4 ca bệnh là người làm việc trong 4 khu công nghiệp riêng biệt. Nhưng nhờ phát hiện sớm, xử lý dập dịch triệt để nên đến nay chưa ghi nhận có lây lan dịch bệnh trong các khu công nghiệp.
Theo ông Bỉnh, liên quan nhóm truyền giáo hiện chỉ đang truy vết dập dịch đối với những người liên quan tòa nhà SAMCO.
Ngoài những chuỗi lây nhiễm trên, TP còn phát hiện 48 bệnh nhân Covid-19 qua khám sàng lọc tại các bệnh viện, phòng khám.
Tại cuộc họp ngày 13/6 với quận Gò Vấp, Phó chủ tịch TP Dương Anh Đức nói: “Chúng ta đang trong thời gian khá căng thẳng với các ca phát sinh ở nhiều nơi”.
Trước đó, hôm 11/6, Chủ tịch TP Nguyễn Thành Phong cũng nhìn nhận, xu hướng của các ca chuỗi lây nhiễm về sau đều qua sàng lọc tại bệnh viện khi người dân đi khám. Điều đó cho thấy tình hình trong cộng đồng vẫn chưa kiểm soát được hết.
Như vậy, vấn đề đáng lo hiện nay là người dân khi đi khám có triệu chứng nhưng không khai báo thành thật ngay từ đầu để khám sàng lọc và truy vết.
Từ đó, người đứng đầu chính quyền TP đưa ra 8 giải pháp, yêu cầu các địa phương thực hiện để dập dịch trong thời gian sớm nhất.
Mong chờ vắc xin đảm bảo mục tiêu kép
Làm việc với ngành y tế TP, Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn cho biết, Bộ đã giao cho Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 TP.HCM toàn quyền sử dụng lực lượng của Trung ương thuộc Bộ trên địa bàn.
“Dịch Covid-19 tại TP.HCM xuất phát từ trong cộng đồng. Do đó, việc xuất hiện ca nhiễm nhỏ lẻ là điều có thể xảy ra trong thời gian tới. Ban Chỉ đạo TP đang hoạt động rất hiệu quả. Nếu tiếp tục thực hiện nghiệm biện pháp phòng dịch, TP sẽ sớm ổn định tình hình”, Thứ trưởng nói.
Liên quan đến chùm ca bệnh trong BV Bệnh Nhiệt đới, TS.BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Giám đốc bệnh viện cho biết, sẽ phối hợp với đơn vị nghiên cứu lâm sàng Đại học Oxford theo dõi diễn tiến lâm sàng, nồng độ virus của các ca dương tính sau khi đã tiêm chủng nhằm đánh giá hiệu quả của vắc xin Covid-19.
Do tình hình dịch bệnh hiện tại, bệnh viện sẽ tạm phong tỏa 1 tuần từ ngày 12/6. Thời gian này, bệnh viện sẽ tạm ngưng nhận bệnh nhân Covid-19.
Về việc 53 ca nhiễm đều đã được tiêm vắc xin đủ 2 lần, GS Nguyễn Văn Kính, Chủ tịch Hội truyền nhiễm Việt Nam khẳng định, không có loại vắc xin nào trên thế giới có khả năng bảo vệ 100%. Do đó, nếu 1 người tiêm đủ 2 mũi vắc xin vẫn có nguy cơ mắc Covid-19 nếu rơi vào nhóm không sinh miễn dịch.
Với vắc xin AstraZeneca, hiệu quả bảo vệ sau tiêm mũi đầu tiên 22 ngày đạt trung bình 76% và tiếp tục duy trì. Hiệu quả cao nhất tăng lên 82% sau khi tiêm mũi 2 cách mũi đầu tiên 12 tuần.
PGS.TS Nguyễn Viết Nhung, Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương cho biết thêm, với sự xuất hiện của biến chủng mới Delta đến từ Ấn Độ, hiệu quả của các loại vắc xin ngừa Covid-19 đều bị giảm.
“Vắc xin ngừa Covid-19 không giúp bảo vệ bạn 100% nhưng nó giúp bạn nếu có mắc cũng tránh được tiến triển nặng, tránh tử vong và hạn chế lây bệnh cho người khác. Do đó mọi người dân không nên hoài nghi về hiệu quả vắc xin”, PGS Nhung nhấn mạnh.
Chủ tịch TP Nguyễn Thành Phong cho biết, TP cơ bản đã kiểm soát được đợt lây nhiễm thứ 4. Tình hình dịch bệnh còn tiếp tục diễn biến phức tạp, kinh tế TP nói chung và cộng đồng DN nói riêng đã bị ảnh hưởng rất nặng nề.
Ông Phong liệt kê, từ đầu năm đến nay, TP hơn 42.500 công nhân mất việc hoặc ngừng việc; hơn 10.000 DN giải thể và tạm ngưng hoạt động…
“Chúng ta phải xác định với nhau, tiêm vắc xin là giải pháp căn cơ, lâu dài, mang tính chiến lược, quyết định để chúng ta thoát khỏi đại dịch”, Chủ tịch TP nhấn mạnh.
Theo ông Phong, TP đã thành lập tổ công tác đặc biệt về tiêm vắc xin do Phó chủ tịch TP Dương Anh Đức làm tổ trưởng. Mục tiêu là sớm tiêm cho toàn bộ người dân.
Đức Anh