Tối ngày 19/11, buổi lễ tưởng niệm những đồng bào, chiến sĩ đã khuất trong đại dịch Covid-19 đã lắng đọng lại nhiều cảm xúc cho mỗi chúng ta, những người may mắn vẫn còn đó sau cơn đại họa. Trong số hơn 23.000 đồng bào đã mất vì đại dịch, có đến 17.000 người là cư dân TP.HCM.
Thành phố Hồ Chí Minh, đầu tàu kinh tế của cả nước, xưa nay vốn là nơi hội tụ của những con người mang khát vọng lập nghiệp, đổi đời. Đối với nhiều người, TP.HCM không chỉ là nơi đáng sống, mà đã trở thành nơi để sống. Họ tìm thấy giá trị của mình nơi đây, tìm thấy hạnh phúc trên mảnh đất thành thị tấp nập. Đối với họ, đây là nhà.
Sở dĩ có được danh xưng đó, là bởi những con ấy đã tìm thấy nơi đây công ăn việc làm để chăm sóc gia đình, được đi học, dạy nghề. Và cũng chốn thành thị đó, họ được hưởng đầy đủ thành quả của sự phát triển kinh tế, từ y chăm sóc y tế hiện đại cho đến các loại hình vui chơi giải trí. TP.HCM là nơi mà người ta tiếp cận được đầy đủ nhất khả năng đáp ứng những nhu cầu cơ bản: Sinh tồn, Phát triển và Tận hưởng cuộc sống.
Thế nhưng, ở ngay thành phố đáng sống nhất ấy, làn sóng dịch Covid-19 dữ dội nhất từ trước đến nay đã bùng phát. Dịch bệnh biến thành phố năng động nhất chìm trong không khí ảm đạm. Dịch bệnh như một phép thử trước hiện thực phũ phàng rằng nhu cầu sinh tồn của nhân loại có thể bị thiên nhiên thử thách bất cứ lúc nào. Trong giai đoạn căng thẳng nhất, những câu hỏi “làm sao để không nhiễm bệnh”, “làm sao để vượt qua bệnh tật”, “làm sao để chăm lo cho người thân” … ám ảnh tâm trí tất cả mọi người.
Và một khi “sinh tồn” trở thành nỗi ám ảnh của hàng triệu người dân thành phố thì hiển nhiên, những nhu cầu khác cũng trở nên xa vời: Cơ quan, trường học đóng cửa, hệ thống y tế quá tải, các địa điểm vui chơi giải trí ngừng hoạt động. Các nhà khoa học từng nhận xét: Dịch bệnh đã kéo lùi sự phát triển của nhân loại xuống hàng thập kỷ. Tư duy, quan niệm sống và góc nhìn đối với cuộc đời theo đó cũng bị đảo lộn.
Còn vào thời điểm hiện tại, TP.HCM đã dần lấy lại nhịp sống ngày trước, nhưng nỗi lo của người dân về những nhu cầu cơ bản ấy vẫn còn đó. Đại dịch đã khiến nhiều người mất việc làm, hàng trăm cơ sở kinh doanh đóng cửa hoàn toàn. Thiếu công ăn việc làm cũng đồng nghĩa cơ hội phát triển sự nghiệp, xây dựng cuộc sống ngày càng xa vời. Và dĩ nhiên, nhu cầu thứ 3 cũng không thể đảm bảo khi hệ thống y tế cũng chỉ vừa vượt qua giai đoạn căng thẳng nhất, các cửa hàng dịch vụ, quán ăn và khu vui chơi cũng đã đứt gãy trong một thời gian dài. Những mối bận tâm ấy đã làm sự kiện cách đây không lâu càng khiến người ta chú ý.
Sự kiện đó là buổi Sơ kết công tác phòng, chống dịch Covid-19 đợt thứ 4 vào sáng ngày 17/11. Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên trong bài phát biểu của mình cũng nói rằng thành phố đang cùng lúc thực hiện 3 mục tiêu lớn. Đó là bảo vệ sức khỏe, tính mạng của người dân; phục hồi và phát triển kinh tế để sức khỏe nền kinh tế không đứt gãy; và cuối cùng là đời sống xã hội, sinh hoạt của người dân. Không khó để nhận ra rằng, sự “trùng hợp” giữa 3 mục tiêu lớn của thành phố và 3 nhu cầu cơ bản của người dân thực tế không hề ngẫu nhiên.
Trong 3 mục tiêu lớn thì “Mục tiêu hàng đầu là bảo vệ tính mạng, sức khỏe của người dân” là thông điệp đầu tiên mà Bí thư Nên gửi gắm trong phát biểu của mình. Cũng có thể gọi đây là nền tảng để giải quyết mọi vấn đề hiện tại và trong tương lai của “đầu tàu kinh tế”. Và hẳn có nhiều người sẽ xem nó như một thứ gì đó tất yếu và tầm thường. Quả thật, tâm lý con người có xu hướng khi đã quen với sự tồn tại của một sự việc, hiện tượng thường quên đi những khó khăn và cố gắng đằng sau và coi nó như điều hiển nhiên. Đó là sai lầm thường thấy ở bất kỳ ai con người. Nhưng với các chính sách, quyết định có sức ảnh hưởng đến hàng chục triệu cư dân như “không ai bị bỏ lại phía sau”, việc lãng quên những hy sinh và mất mát là điều không được xảy ra.
Thông điệp của Bí thư Thành ủy vì thế cũng là lời gợi nhắc rằng những cái “mất” về kinh tế, lợi ích vật chất chưa bao giờ sánh ngang với cái “được” là sự sống, là nhu cầu sinh tồn của mỗi cá nhân. Chỉ khi sức khỏe, tính mạng người dân được đảm bảo, thành phố mới có thể tiến lên những bước thang tiếp theo là phục hồi, phát triển kinh tế và đảm bảo an sinh xã hội.
Trong chuỗi gián đoạn nhu cầu cơ bản, tác động về “Phát triển” của cá nhân tuy không trực tiếp và hữu hình như nhu cầu sinh tồn, có nguy cơ mang đến hệ lụy nặng nề trong tương lai. Ngoài gián đoạn trong học tập, đào tạo đối với các học sinh, sinh viên, sẽ là thiếu sót lớn nên không nhìn nhận tác động về mặt phát triển xã hội trong chính tình trạng thiếu việc làm. Bởi trên thực tế, bản thân quá trình lao động cũng là một sự phát triển, hoàn thiện bản thân của mỗi người. Nhìn từ một góc độ vĩ mô, có thể nhận xét rằng sự phát triển của mỗi cá nhân đều là một bước tiến trong sự phát triển xã hội. Mỗi mong ước, khát vọng phát triển sự nghiệp hay “bước ra ngoài khởi nghiệp” cũng đều là một mắt xích để “cỗ máy” mang tên TP.HCM vận hành, đi tới phía trước. Nói cách khác, mục tiêu thứ 2 của TP.HCM về “phục hồi, phát triển kinh tế” hóa ra lại rất đồng điệu với nhu cầu “Phát triển” của chính bản thân mỗi người.
Và khi đề ra mục tiêu phục hồi kinh tế, Bí thư Nguyễn Văn Nên cũng không quên nhắc đến hàng loạt chiến lược và chính sách an sinh xã hội như nhà ở cho người thu nhập thấp, công nhân… như một phần trong mục tiêu “đảm bảo đời sống xã hội, sinh hoạt của người dân” mà TP.HCM đặt ra. Xét về mặt thực tiễn, những vấn đề về an cư lạc nghiệp, chăm sóc y tế hay sinh hoạt, giải trí đơn thuần đều thuộc về nhu cầu cơ bản cuối cùng của chúng ta, nhu cầu “Tận hưởng” cuộc sống. Một cuộc mưu sinh sẽ không có ý nghĩa nếu chúng ta không tìm được mái ấm hạnh phúc hay vật lộn với “sinh – lão – bệnh – tử”. Một cuộc sống cũng trở nên vô vị nếu ở đó không có niềm vui và tiếng cười của gia đình. Nhưng trong hành trình đi tìm hạnh phúc, có ít nhất một người sẽ luôn đồng hành cùng mỗi người dân TP.HCM.
Chắc chắn, hành trình sắp tới của người dân và chính quyền TP.HCM sẽ rất khó khăn và trắc trở. Một điều không thể phủ nhận khác, đó là không ai muốn đơn độc trên bước đường vượt qua đại dịch. Nhưng với quyết định đồng hành cùng hàng triệu người dân thông qua thông điệp của Bí thư Nguyễn Văn Nên, chúng ta có quyền đặt niềm tin rằng, mình sẽ không bao giờ lẻ loi hay “bị bỏ lại phía sau”.
Thực hiện: Nguyên Khánh
Hình ảnh: M.N