+
Aa
-
like
comment

Singapore, Úc có nhiệt độ cao nhưng Covid-19 vẫn phát triển

Cánh Én - 13/03/2020 20:34

CNN dẫn các nguồn tin cho biết, có những bằng chứng cho thấy virus corona hoạt động mạnh hơn trong một số điều kiện thời tiết nhất định.

CNN: Thời tiết nóng tại Singapore và Australia cho thấy nhiệt độ cao chưa chắc sẽ giúp đẩy lùi COVID-19

Hiểu rõ về virus

Giữa thời điểm virus corona đang bắt đầu lan rộng tới nhiều nơi trên thế giới, nhiều người có quan niệm rằng dịch bệnh này chỉ giống như bệnh cúm – nguy hiểm với một số nhóm người ó thể trạng yếu và sẽ không phải là loại bệnh khiến các khu vực bị phong tỏa lâu dài.

Tuy nhiên, đây là quan niệm sai lầm. Dựa trên dữ liệu tính tới thời điểm hiện tại, dịch bệnh COVID-19 gây ra bởi virus corona, khiến 1-2% số bệnh nhân nhiễm tử vong, cao hơn rất nhiều so với tỉ lệ 0,1% đối với bệnh cúm. Virus corona cũng lây lan nhanh chóng như cúm, và thậm chí còn lây mạnh hơn, đặc biệt nếu không có thuốc chữa trị, vaccine hay phác đồ cụ thể.

Các nhà khoa học hiện đang hi vọng loại virus này sẽ có một số hành vi và điểm yếu tương tự như virus cúm, ví dụ như yếu tố thời tiết.

“Đây là virus gây bệnh về đường hô hấp và chúng thường khiến chúng ta gặp rắc rối vào mùa lạnh, vì những lí do hiển nhiên,” Nelson Michael, một nhà nghiên cứu y tế quân đội Mỹ, nói về chủng virus này.

Virus cúm phát triển mạnh trong thời tiết lạnh và khô, đây cũng là lý do tại sao mùa đông là “mùa cúm” đối với các nước ở bán cầu bắc. Ông Michael cho rằng virus corona sẽ có phần giống như virus cúm, gây ra ít bệnh hơn khi thời tiết ấm lên nhưng không loại trừ khả năng dịch bệnh sẽ quay trở lại vào mùa lạnh.

Theo CNN, cùng với các biện pháp ngăn ngừa dịch của chính phủ và người dân các nước, việc virus khó lây lan khi thời tiết nóng lên sẽ giúp hệ thống y tế có đủ nguồn lực để chữa trị cho bệnh nhân, có thêm thời gian để phát triển vaccine cho cộng đồng.

“Việc hiểu rõ về virus là rất quan trọng để chúng ta có sự chuẩn bị tốt trước khi đợt dịch bệnh thứ 2 bùng phát,” ông Michael nói.

Tuy nhiên, một vấn đề khiến ngành y tế thế giới đau đầu là liệu virus corona có biểu hiện hoàn toàn giống virus cúm hay không. Hiện tại, hơn 100 ca nhiễm bệnh đã được xác định tại Singapore, nơi có thời tiết nóng ẩm gần như quanh năm. Australia, Brazil và Argentina – các khu vực hiện đang là mùa hè – cũng đã ghi nhận nhiều trường hợp dương tính với COVID-19.

Những điều chưa biết

Có những bằng chứng cho thấy virus corona hoạt động mạnh hơn trong một số điều kiện thời tiết nhất định.

Một số vùng COVID-19 bùng phát mạnh nhất trên thế giới – từ Vũ Hán tới Iran, Italy và Hàn Quốc – tất cả các khu vực đều có vĩ độ gần như tương đương, với nhiệt độ và độ ẩm có phần giống nhau. Các nhà nghiên cứu tại Đại học Maryland (UM) thậm chí đã sử dụng dữ liệu này để dự đoán các khu vực khác trên thế giới có nguy cơ cao bùng phát dịch.

Tuy nghiên cứu này mới chỉ ở giai đoạn đầu, nhưng các dữ liệu cho thấy một số điều kiện thời tiết nhất định có thể làm gia tăng tốc độ lây lan bệnh.

“Ngoài những yếu tố tương đương về mặt nhiệt độ, độ ẩm và vĩ độ, các địa điểm ở khoảng vĩ độ 30-50 độ Bắc cũng có điểm chung về thời điểm bùng phát dịch,” nhóm tác giả viết.

Brittany Kmush, một chuyên gia y tế cộng đồng tại Đại học Syracuse ở New York và không tham gia vào nghiên cứu của Đại học Maryland, cho biết: “Bệnh cúm và các loại virus corona khác thường hoạt động theo mùa, các ca bệnh sẽ đạt đỉnh vào mùa đông ở bán cầu bắc. Tuy nhiên, chúng tôi không biết liệu loại virus này có hành vi tương tự hay không”.

David Cennimo, nhà nghiên cứu bệnh truyền nhiễm tại Trường Y khoa Rutgers New Jersey, cho biết: “Nhiều chuyên gia hi vọng – và tôi nghĩ từ ‘hi vọng’ là hợp lí – rằng mùa hè sẽ giúp giảm bớt số ca nhiễm bệnh mới, mặc dù dữ liệu từ các nước nhiệt đới lại không ủng hộ giả thuyết này cho lắm”.

Bên cạnh đó, Cennimo và Kmush đều cảnh báo về việc rút ra quá nhiều kết luận từ dữ liệu địa lí, chỉ ra rằng còn rất nhiều điều bí ẩn về virus và sự lây lan của nó trong những tháng gần đây.

“Câu hỏi ở đây là liệu việc di chuyển có liên quan tới các ca nhiễm bệnh đã biết, hoặc các ca nhiễm không rõ nguồn gốc hay không. Nếu bệnh COVID-19 có tính mùa vụ, chúng ta có thể hi vọng rằng các trường hợp đã nhiễm bệnh và các trường hợp nhiễm chưa rõ nguồn gốc sẽ giảm khi thời tiết ấm lên. Tôi nghĩ rằng vẫn còn quá sớm để nói liệu chúng ta có thể biết được xu hướng xuất hiện của COVID-19 hay không,” Kmush nói.

Debra Chew, phó giáo sư về dược tại Rutgers, đồng ý rằng sự thiếu hiểu biết về virus và cách thức chúng hoạt động khiến các nhà khoa học gần như không thể đoán được tần suất xuất hiện của chủng virus này.

“Việc kiểm soát dịch bệnh có thể phụ thuộc vào các yếu tố như can thiệp vào sự lây lan của virus đối với các bệnh nhân có triệu chứng nhẹ hoặc không triệu chứng, hoặc bằng những biện pháp cách ly khác. Chúng ta không thể đối phó với một loại virus giống virus cúm vốn có những hành vi lặp lại hàng năm,” bà nói.

Tín hiệu tích cực

Mặc dù số lượng ca nhiễm virus corona đang tăng mạnh tại nhiều quốc gia trên thế giới, nhưng các ca bệnh tại Trung Quốc và Hàn Quốc đang dần trở nên ổn định, ít ca nhiễm mới sau nhiều tuần.

Điều này là nhờ sự can thiệp liên tục của chính quyền, bao gồm phong tỏa, hạn chế di chuyển và khuyến khích người dân làm việc tại nhà, tránh tiếp xúc gần tại các địa điểm công cộng cũng như cung cấp kiến thức cho người dân về sự cần thiết của việc khử trùng thông thường.

Theo CNN, vẫn cần phải theo dõi thêm sau khi các vùng dịch gỡ bỏ các giới hạn, xem liệu các ca bệnh có tăng trở lại hay virus đã được kiểm soát hoàn toàn. Tại các vùng khác trên thế giới, nhiều người hi vọng thời tiết nóng lên sẽ giúp cải thiện tình hình. Tuy nhiên, kể cả khi dịch COVID-19 chấm dứt, điều đó không có nghĩa rằng virus đã bị tiêu diệt hoàn toàn.

“Vẫn còn nhiều điều chúng ta chưa biết về loại virus này. Nếu số ca nhiễm giảm vào mùa hè, thế giới vẫn cần phải chuẩn bị đề phòng dịch tái bùng phát vào những tháng mùa đông”.

Bài mới
Đọc nhiều