Siêu vũ khí Nga “bẻ gãy” hỏa lực đường không phương Tây: Cơn ác mộng đối với NATO
Hệ thống này mang lại cho Nga lợi thế tác chiến đường không lớn và tạo ra mối đe dọa lớn đối với tự do hoạt động của NATO trên chiến trường châu Âu nếu nổ ra chiến tranh.
Nhân tố thay đổi cuộc chơi
Trong bối cảnh tên lửa đất-đối-không S-500 của Nga sắp được đưa vào trang bị, một trong những vấn đề được quan tâm hiện nay là tác động của nó đối với cán cân sức mạnh trên bầu trời châu Âu [nếu S-500 được triển khai ở các vị trí tiền tuyến] và mức độ mà phức tạp hóa mà nó có thể gây ra cho các hoạt động đường không của khối phương Tây.
S-500 được thiết kế với 3 nhiệm vụ chính – vô hiệu hóa vệ tinh và phi cơ không gian bên ngoài bầu khí quyển, đánh chặn tên lửa đạn đạo và phá hủy các máy bay quân sự giá trị cao của đối thủ.
Ở vai trò thứ 3, chúng ta sẽ thấy S-500 tấn công các mục tiêu ở độ cao thấp hơn bên trong bầu khí quyển và tại đây hệ thống tên lửa này sẽ chứng minh vai trò “thay đổi cuộc chơi” của mình trước các phương tiện đường không mà các đối thủ của Nga triển khai.
Hệ thống tên lửa mới của Nga được giới thiệu là có đủ khả năng theo dõi các máy bay hạng nặng, có giá trị cao của đối phương ở phạm vi lên tới 800km, và có thể tấn công các mục tiêu ở cự ly lên tới 600km, với tốc độ siêu vượt âm ít nhất Mach 14.
Khi được triển khai tới chiến trường châu Âu, nó sẽ trở thành nhân tố thách thức năng lực tiến hành các chiến dịch tấn công đường không của phương Tây.
Mối đe dọa đối với một loạt máy bay phương Tây
Các loại máy bay hỗ trợ có giá trị cao của phương Tây nằm trong danh sách mục tiêu của S-500 đều đóng vai trò quan trọng đối với năng lực phát động chiến tranh đường không của liên minh NATO.
Một trong những loại máy bay hỗ trợ quan trọng là máy bay chỉ huy-cảnh báo sớm (AWACS) như E-3 Sentry, E-2 Hawkeye và E-7A Wedgetail. Chúng được trang bị các hệ thống radar mạnh mẽ, có nhiệm vụ phối hợp tấn công đường không với các phi đoàn máy bay chiến đấu và ném bom của NATO.
E-3 Sentry là loại AWACS tiên tiến nhất trên thế giới, mang lại cho các đơn vị tác chiến đường không của Mỹ và đồng minh lợi thế đáng kể trong việc tấn công các chiến đấu cơ và tiêm kích đánh chặn của đối phương.
Năng lực vô hiệu hóa mẫu máy bay này, và khả năng bao phủ phần nhiều lãnh thổ châu Âu của S-500 sẽ thay đổi cán cân sức mạnh đường không theo hướng có lợi cho Nga.
Một số loại máy bay khác của phương Tây đang nằm trong danh sách bị đe dọa nếu S-500 được triển khai bao gồm E-8 Joint STARS, E-9 Widget, E-4 Nightwatch, OC-135, RC-135 và máy bay tác chiến điện tử EC-130 Commando.
Chúng đều là các mục tiêu giá trị cao được triển khai với số lượng nhỏ, phụ thuộc vào lực lượng tiêm kích hộ tống và phải hoạt động cách xa các mối đe dọa để sống sót.
S-500 cũng tạo ra mối đe dọa nghiêm trọng đối với các loại máy bay tiếp dầu như KC-10 và KC-135.
Trong khi đó, lực lượng chủ lực trong các phi đoàn máy bay chiến đấu của phương Tây là các loại chiến đấu cơ tầm ngắn/trung như F-16, F-18E, Gripen, Rafale và F-35 nên điều này sẽ làm hạn chế lớn phạm vi tấn công của liên minh NATO.
Khả năng vô hiệu hóa các loại máy bay vận tải hạng nặng như C-130 tiếp cận châu Âu sẽ gây ra các vấn đề lớn về hậu cần, làm suy yếu nghiêm trọng năng lực chiến tranh của phương Tây. Mặc dù những máy bay này thường được triển khai với số lượng lớn hơn và có giá trị thấp hơn các loại máy bay hỗ trợ đã đề cập ở trên nhưng do chúng có khả năng mang theo các loại vũ khí tiên tiến và chở hàng chục binh sĩ nên việc chúng bị thiệt hại cũng gây ra tổn thất lớn cho phương Tây.
Nếu được triển khai tới Kaliningrad, Crimea và tỉnh miền trung của Nga gần Brayansk, S-500 sẽ duy trì được phạm vi bao phủ trên phần lớn lãnh thổ châu Âu, trong đó bao gồm toàn bộ khu vực biển Baltic.
Chẳng hạn, máy bay cảnh báo sớm E-3 Sentry, nếu bay trên bầu trời Berlin hoặc bắc Prague (Cộng hòa Czech) , sẽ nằm gọn trong tầm bắn của hệ thống tên lửa Nga đặt tại Kaliningrad.
Toàn bộ lãnh thổ Ba Lan, trong đó có các căn cứ quân sự mới của Mỹ, và toàn bộ phần bờ đông của Biển Đen (với Bucharest và Istanbul) cũng nằm trong phạm vi bao phủ của S-500.
Do đó, hệ thống này mang lại cho Nga lợi thế tác chiến đường không lớn và tạo ra mối đe dọa lớn đối với tự do hoạt động của NATO trên chiến trường châu Âu trong trường hợp nổ ra chiến tranh.
S-500 có thể hoạt động với vai trò “thợ săn AWACS” khi được hỗ trợ bởi các hệ thống siêu vượt âm khác có tầm ngắn hơn như tên lửa không-đối-không R-37 tầm bắn 400km triển khai từ tiêm kích thế hệ 5 Su-57 và tiêm kích đánh chặn MiG-31, cũng như tên lửa đất-đối-không 40N6E do các hệ thống S-400 và S-300V4 triển khai, với tầm bắn 400km.
(Theo Soha News)