+
Aa
-
like
comment

Siêu uỷ ban 1,2 triệu tỷ, ‘ông chủ lớn’ nhưng không được quyết

07/03/2020 08:22

“Uỷ ban phải được hoạt động như một ông chủ bỏ vốn đúng nghĩa. Ông chủ mà lại phải xin ý kiến ông chủ khác mới được quyết những vấn đề thuộc về doanh nghiệp thì không còn là ông chủ”, một chuyên gia nói.

Dự án đình trệ

Dự án cao tốc Đà Nẵng Quảng Ngãi còn một số hạng mục chưa hoàn thành thi công như nút giao Túy Loan, nút giao Hà Lam, nút giao Tam Kỳ, nút giao Dung Quất, một số đường gom, đường ngang dân sinh, công tác hoàn trả đường địa phương… Lý do là bởi gặp vướng mắc về thẩm quyền “cơ quan chủ quản, cấp quyết định đầu tư” dự án.

Tương tự, Dự án cao tốc Bến Lức Long Thành hiện không triển khai được do các thủ tục điều chỉnh chủ trương đầu tư, giá hạn hiệp định vay vốn, điều chỉnh dự án đầu tư do chưa xác định rõ “cơ quan chủ quản/cấp quyết định đầu tư” của dự án. Hậu quả là, từ tháng 7/2019, dự án bị đình trệ, không được bố trí vốn giải phóng mặt bằng cũng như xây lắp, ngân hàng ADB chấm dứt khoản vay 1, dẫn đến không có nguồn vốn cho đoạn phía Tây. Nguy cơ các nhà thầu khiếu nại, khiếu kiện xảy ra tại dự án này.

Đó là hai trong số những vấn đề dự án của Tổng công ty Đầu tư Phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) bị ảnh hưởng khi chuyển nhà từ Bộ Giao thông vận tải sang Ủy ban.

Siêu uỷ ban 1,2 triệu tỷ, 'ông chủ lớn' nhưng không được quyết
Siêu ủy ban đang gặp nhiều thách thức trong việc khẳng định vai trò trong việc quản lý vốn. Ảnh: Lương Bằng

Vậy nên, VEC mong muốn Tổ công tác của Thủ tướng kiến nghị Thủ tướng chính phủ chỉ đạo Ủy ban và các bộ phối hợp chặt chẽ, sớm trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành Nghị quyết chính thức tháo gỡ vướng mắc trong việc thực hiện các dự án đầu tư xây dựng của doanh nghiệp thuộc quản lý của Ủy ban.

VEC không phải là trường hợp cá biệt. Về với Ủy ban, ngoài lùm xùm việc giao kế hoạch vốn năm 2020 thời gian qua, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam còn “tắc” chuyện thoái vốn.

Theo đó, Đường sắt Việt Nam còn 15 công ty cổ phần thuộc diện thoái vốn theo Đề án tái cơ cấu giai đoạn 2012-2015. Tổng công ty có báo cáo gửi Ủy ban nhưng tháng 7/2019, Ủy ban yêu cầu chưa triển khai thoái vốn khi Đề án cơ cấu lại Tổng công ty Đường sắt Việt Nam chưa được phê duyệt. Do vậy, doanh nghiệp này đề nghị Ủy ban sớm trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án và phương án thoái vốn của các đơn vị thành viên trực thuộc để tổng công ty có cơ sở triển khai thực hiện các bước tiếp theo.

Nhiều dự án của các doanh nghiệp trực thuộc Ủy ban cũng gặp cảnh tương tự. Bản thân Ủy ban này cũng thừa nhận rằng gặp nhiều vướng mắc về pháp lý trong quá trình hoạt động.

Đơn cử một vấn đề là thẩm quyền phê duyệt dự án của cơ quan đại diện chủ sở hữu. Vấn đề này chưa được quy định rõ, dẫn đến nhiều cách hiểu thống nhất giữa ủy ban, các bộ, ngành và các doanh nghiệp. Do đó, Ủy ban kiến nghị Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính tiếp tục hoàn thiện phương án sửa đổi Luật Đầu tư, Luật số 69/2014 để làm rõ thẩm quyền phê duyệt của cơ quan đại diện chủ sở hữu, tránh tình trạng nhiều cách hiểu không thống nhất trong quá trình thực hiện pháp luật.

Ủy ban có nhất thiết duyệt từng dự án?

Lời chia sẻ của bà Nguyễn Thị Phú Hà, Phó Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, tại cuộc họp báo Chính phủ cách đây ít ngày cũng cho thấy những lấn cấn trong hoạt động của đơn vị này.

Bà Hà giải thích rằng khi 19 tập đoàn, tổng công ty được bàn giao nguyên trạng từ 5 bộ về Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp thì Ủy ban này nhận được biên bản bàn giao từ các bộ về với 259 nhiệm vụ dở dang. Trong đó, còn rất nhiều nhiệm vụ theo nguyên tắc phải triển khai thực hiện trước khi được chuyển về Ủy ban.

Vì vậy, quá trình triển khai thực hiện, Ủy ban này thấy rằng trước kia trong trình tự, thủ tục phê duyệt các dự án của doanh nghiệp có một số quy trình, trình tự, thủ tục chưa rõ. “Khi về Ủy ban thì cũng chiếu theo những quy định, trình tự, nếu thấy không phù hợp, đánh giá xác định dự án không hiệu quả thì Ủy ban sẽ yêu cầu làm rõ những nội dung này. Khi nào đưa ra phương án phù hợp mới có căn cứ trình các cấp thẩm quyền cũng như thực hiện trình tự thủ tục theo đúng pháp luật”, bà Nguyễn Thị Phú Hà nói.

Xét cho cùng, cơ quan này có lý do để thận trọng. Những quy định pháp lý chồng chéo, Luật nọ đá Luật kia không tránh khỏi khiến Ủy ban phải e dè “cân lên đặt xuống” từng dự án.

Nhưng, Ủy ban có cần thiết phải duyệt chủ trương của từng dự án hay không khi nhân sự chỉ khoảng 100 người, phải quản lý 19 “siêu doanh nghiệp” ở đủ ngành nghề với số vốn lên tới 1,2 triệu tỷ đồng? Phải chăng, Ủy ban đang gồng gánh là quá sức các phần việc? Với số dự án khổng lồ, chỉ riêng việc đọc hết số tài liệu các doanh nghiệp trình lên cũng là một thử thách, chưa nói đến việc thẩm định kỹ lưỡng từng dự án xem có hiệu quả hay không.

Chia sẻ với phóng viên, một chuyên gia có hàng chục năm làm việc trong khu vực doanh nghiệp nhà nước cho rằng: Cơ quan đại diện chủ sở hữu chuyển từ bộ sang Ủy ban mà luật lệ vẫn y nguyên thì cũng chỉ mới giải quyết được một nửa vấn đề. Ủy ban phải được hoạt động như một ông chủ bỏ vốn đúng nghĩa. Ông chủ mà lại phải xin ý kiến ông chủ khác mới được quyết những vấn đề thuộc về doanh nghiệp thì không còn là ông chủ.

Vậy nên, thay vì can thiệp vào từng dự án một, Ủy ban nên giao mục tiêu cho các doanh nghiệp và đóng vai ông chủ. “Ông chủ giao mục tiêu và vốn liếng. Quyền vận hành để các doanh nghiệp tự quyết. Nếu doanh nghiệp sai phạm đã có luật hình sự điều chỉnh. Ai sai người đó chịu trách nhiệm. Còn Ủy ban đâu có chuyên môn để duyệt từng dự án”, vị này chia sẻ.

Cuối cùng, vị chuyên gia này đúc kết: “Nhà nước nên giao cho Ủy ban mục tiêu lợi nhuận hàng năm và một số mục tiêu ổn định kinh tế trong dài hạn, ví dụ sản lượng điện”.

Tất nhiên, muốn làm được điều này, thì phải thay đổi tư duy của nhiều nơi, không phải chỉ ở Ủy ban này.

Ủy ban quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp

Có một số trường hợp, việc xử lý của Ủy ban khác với thông lệ trước đây, có thể sẽ mất thêm thời gian nhưng Ủy ban thấy cần thiết nhằm bảo đảm chặt chẽ, đúng pháp luật, bảo toàn và phát triển vốn nhà nước, tránh những sơ xuất hoặc sai phạm làm thất thoát vốn, tài sản nhà nước như đã xảy ra ở một số DN, dự án và cơ quan quản lý trong giai đoạn trước đây mà điển hình là 12 dự án ngành công thương, dự án muối mỏ Việt Lào, dự án nhiệt điện Thái Bình 2…

Lương Bằng/VNN

Bài mới
Đọc nhiều