Siêu thị tăng lượng hàng dự trữ khi TP.HCM nâng mức giãn cách
Sau 3 tuần thực hiện giãn cách xã hội, sức mua tại các chợ, siêu thị ở TP.HCM không tăng đột biến. Việc một số siêu thị phải đóng cửa đột ngột vì F0 đến mua sắm buộc hệ thống bán lẻ phải ‘căng mình’ đảm bảo phòng tuyến thực phẩm.
Trong ngày đầu tiên TP.HCM nâng mức độ giãn cách xã hội, xung quanh khu vực chợ Cây Xoài, TP Thủ Đức, lực lượng chức năng yêu cầu các sạp, xe đẩy ven đường phải giải tán nên nhiều bà nội trợ cũng mua nhanh, bán vội.
Một tiểu thương bán ở cho biết do quy định ngưng các chợ tự phát thông báo chậm nên sáng nay các tiểu thương vẫn họp chợ. Đến tầm trưa, lực lượng chức năng đã nhắc nhở và yêu cầu những người bán hàng dọn dẹp sớm, con đường Lê Văn Thịnh trên khu chợ này trở nên vắng vẻ.
Chị Trang, người dân hay đi chợ này, nói siêu thị gần nhà chị đã phải tạm ngưng phục vụ để phòng dịch gần 5 ngày nay, trong khi chợ cũng vắng do ít người bán nên chị đành chọn mua hàng qua ứng dụng đi chợ hộ.
Để khách hàng yên tâm mua sắm ngay tại nhà, các hệ thống Co.opmart, Satra, Big C, AEON Việt Nam… phối hợp các đối tác, ưu tiên giao thực phẩm tươi sống tại nhà và áp dụng giao hàng nhanh để bảo đảm hàng hóa đến tay khách luôn tươi ngon, chất lượng.
Các nhà bán lẻ chia sẻ cũng trong tình trạng phải “căng mình” đảm bảo phòng tuyến thực phẩm cho người dân, vừa ứng phó với nguy cơ lây lan dịch bệnh do chỉ trong vài ngày, nhiều điểm bán của các siêu thị, cửa hàng ở TP.HCM nằm trong diện phải tạm ngưng hoạt động vì có F0 ghé mua sắm, ảnh hưởng không nhỏ đến chuỗi cung ứng hàng hóa.
Đại diện hệ thống Saigon Co.op cho biết đã chuẩn bị nhiều kịch bản để ứng phó với dịch, trong đó có tính đến điểm bán tạm dừng hoạt động nếu có liên quan đến ca mắc hoặc nghi nhiễm COVID-19.
“Với nguồn hàng đang rất dồi dào và xu hướng ổn định trong thời gian dài, siêu thị cũng áp dụng nhiều chính sách khuyến mãi, giúp người dân yên tâm mua sắm. Chúng tôi huy động nhân sự cho dịch vụ mua hàng online, siêu thị cũng có lực lượng giao hàng riêng”, đại diện Saigon Co.op khăng định.
Đại diện hệ thống bán lẻ Satra cho biết đã triển khai bán hàng trực tuyến trên ứng dụng G1-Mart.
Ngoài ra, hệ thống này cũng chuẩn bị sẵn các kịch bản nhằm cung cấp các mặt hàng thiết yếu phục vụ người tiêu dùng như tăng sản lượng đặt hàng từ các nhà cung cấp, sắp xếp lại kho hàng để tăng diện tích sử dụng, tăng cường tìm kiếm các nhà cung cấp mới để đa dạng hóa chủng loại.
Hệ thống cũng phối hợp với chợ Bình Điền tìm kiếm nguồn cung các mặt hàng thực phẩm như thịt, cá, rau, củ và các loại thủy hải sản tươi sống.. Nhờ vậy, lượng hàng hiện có đáp ứng được nhu cầu của người tiêu dùng.
Nhà bán lẻ cũng có thể cung cấp đủ những đơn hàng lớn cho các địa phương, khu cách ly, điểm phong tỏa, bằng cách liên hệ và gởi đơn hàng trước một ngày qua các số hotline được công bố.
Sở Công thương TP.HCM cho biết từ khi TP xuất hiện ca nhiễm mới lần thứ 4 đến nay, sau 3 tuần giãn cách, hàng hóa về các chợ, siêu thị vẫn rất dồi dào, sức mua có xu hướng giảm.
Theo quy định chống dịch của TP, cửa hàng tiện lợi giới hạn phục vụ không quá 10 người trong một thời điểm, riêng với các siêu thị vẫn nhận khách vào bình thường nhưng đảm bảo giữ khoảng cách 2m khi chờ thanh toán.
Để đáp ứng các kịch bản phòng, chống dịch khác nhau, các siêu thị, cửa hàng thực phẩm, tiện lợi… đã tăng lượng hàng dự trữ lên 30 – 40% so với ngày thường, đặc biệt tập trung vào những mặt hàng thiết yếu như gạo, mì gói, dầu ăn, gia vị, nước tinh khiết, đồ hộp, xúc xích, chả giò, chà bông, sữa… và các mặt hàng rau củ quả, trái cây… Sức mua hiện đang giảm nhẹ.
Ông Nguyễn Nguyên Phương – phó giám đốc Sở Công thương TP.HCM – cho biết sức mua giảm lúc này là khá bình thường do những ngày đầu giãn cách, người dân mua dự trữ khá nhiều và hiện họ đang sử dụng dần các mặt hàng này.
“Về nguồn hàng, để đảm bảo việc vận chuyển hàng hóa từ các tỉnh về TP được thông suốt, sở đã làm việc với Sở Giao thông vận tải cho phép xe vận chuyển hàng hóa 24/24h miễn các xe tuân thủ đầy đủ quy định chống dịch”, đại diện Sở Công thương TP nói.
N.BÌNH