+
Aa
-
like
comment

“Siêu dự án” hứa hẹn thay đổi diện mạo TP.HCM

Bích Vân - 26/06/2023 14:59

Quốc hội đã thông qua Nghị quyết mới thay thế Nghị quyết 54 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM.  Nghị quyết mới hứa hẹn mang đến bước đột phá cho sự phát triển của thành phố, nhất là trong lĩnh vực hạ tầng giao thông .

Cơ chế đặc thù, đột phá giúp phát triển hạ tầng giao thông TPHCM tập trung vào ba nội dung.

Cụ thể, TPHCM sẽ triển khai thí điểm các dự án BOT trên một số tuyến đường bộ hiện hữu. Bên cạnh đó, TPHCM có thể kêu gọi đầu tư dự án theo hợp đồng BT thanh toán bằng tiền (ngân sách trả chậm) cho nhà đầu tư (trước đây là thanh toán bằng đất).

Ngoài ra, thành phố cũng sẽ được thí điểm áp dụng triển khai dự án giải phóng mặt bằng độc lập, tách riêng ra khỏi dự án giao thông và thu hồi đất theo quy hoạch TOD – là các khu đất có tiềm năng khai thác, phát triển theo trục giao thông chính để tạo nguồn từ các quỹ đất dọc theo các dự án giao thông, trước mắt có thể kể đến như tuyến metro số 1 (Bến Thành – Suối Tiên), đường Vành đai 3 TPHCM…

Theo quy định, hợp đồng BT thông qua phương thức Nhà nước thanh toán hoàn vốn đầu tư cho nhà đầu tư bằng quỹ đất. Việc áp dụng hình thức hợp đồng BT thanh toán bằng quỹ đất cho nhà đầu tư trước đây đã được triển khai tại TPHCM nhưng gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là một số dự án giao thông không có đủ, thậm chí không có quỹ đất dọc tuyến để thực hiện việc thanh toán.

Hiện nay, với Nghị quyết mới, thành phố sẽ thực hiện thanh toán bằng vốn ngân sách (trả chậm). Qua đó, thành phố sẽ chủ động, linh hoạt xây dựng kế hoạch vốn để thanh toán cho nhà đầu tư phù hợp với khả năng thu ngân sách của thành phố theo từng thời kỳ và tình hình thu chi ngân sách hàng năm. Ngoài ra, một số khoản, Điều của Nghị quyết mới đã có các cơ chế chính sách tạo nguồn thu để thanh toán cho các dự án thực hiện theo hình thức BT trả chậm.

TPHCM cũng đã dự kiến danh mục một số dự án quan trọng, có tính kết nối nội vùng, liên vùng, có tính chất cấp thiết, cấp bách có thể xem xét áp dụng cơ chế, đồng thời các dự án này sẽ có khả năng góp phần tăng giá trị các khu đất lân cận, tăng thêm nguồn thu ngân sách của thành phố khi dự án triển khai đầu tư, hoàn thành đưa vào khai thác, đồng thời với nguồn thu tăng thêm.

Theo đó, thành phố sẽ thực hiện thanh toán ngay cho nhà đầu tư, qua đó giảm chi phí phát sinh lãi vay, bao gồm các dự án: Xâydựng cầu Cần Giờ với tổng mức đầu tư dự kiến 12.500 tỷ đồng (trong đó chi phí GPMB 2.500 tỷ đồng); xây dựng cầu đường Nguyễn Khoái có tổng mức đầu tư dự kiến 2.812 tỷ đồng (trong đó chi phí GPMB: 593 tỷ đồng); dự án Nâng cấp mở rộng đường cao tốc TPHCM – Long Thành – Dầu Giây (đoạn từ nút giao An Phú đến đường Vành đai 2) với tổng mức đầu tư dự kiến 1.124 tỷ đồng (không phải thực hiện bồi thường GPMB); dự án Mở rộng đường dẫn cao tốc TPHCM – Trung Lương (đoạn Bình Thuận – Chợ Đệm và Tân Tạo – Chợ Đệm) có tổng mức đầu tư dự kiến 2.351 tỷ đồng (không phải thực hiện bồi thường GPMB); dự án Mở rộng đường Ung Văn Khiêm và xây dựng nút giao Đài Liệt Sỹ với tổng mức đầu tư dự kiến 3.196 tỷ đồng (trong đó chi phí GPMB 2.600 tỷ đồng); dự án Xây dựng nút giao thông Ngã tư Bốn Xã có tổng mức đầu tư dự kiến: 1.727 tỷ đồng (trong đó chi phí GPMB: 1.536 tỷ đồng).

Thực tế, TPHCM chỉ thực hiện đầu tư mở rộng đường theo lộ giới quy hoạch đối với các tuyến đường trục chính hướng tâm hiện nay đang ảnh hưởng đến nhu cầu, chất lượng đi lại của người dân do thường xuyên xảy ra ùn tắc giao thông, tai nạn giao thông.

Phối cảnh phần đường phía dưới của tuyến vành đai 3.

Trong quá trình nghiên cứu xác định danh mục dự án áp dụng cơ chế, thành phố sẽ tổ chức thực hiện lấy ý kiến đồng thuận của người dân. Trong phạm vi thẩm quyền, thành phố sẽ nghiên cứu, triển khai một số giải pháp tổ chức thực hiện nhằm giải quyết các vấn đề về bảo đảm quyền và lợi ích của người dân, tránh tạo gánh nặng về thuế, phí và tình trạng khiếu kiện…

Bên cạnh đó, thành phố cũng sẽ nghiên cứu, xây dựng và ban hành một số quy định, như ban hành quy định về nguyên tắc, tiêu chí lựa chọn dự án để đầu tư theo hình thức hợp đồng BOT, tổ chức lựa chọn đầu tư các dự án giao thông theo thứ tự ưu tiên phù hợp với hình thức đầu tư, dựa trên lợi thế, đặc điểm của từng tuyến đường cũng như tính cấp thiết, liên thông trong hệ thống giao thông khu vực hiện hữu và theo định hướng quy hoạch.

Ngoài ra, thành phố cũng sẽ ban hành quy định về cơ chế tham vấn ý kiến của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TPHCM, các chuyên gia, nhà khoa học,… trước khi quyết định đầu tư và việc người sử dụng dịch vụ phản hồi việc cung cấp dịch vụ đối với các cơ quan quản lý nhà nước; đồng thời tổ chức thực hiện tốt công tác truyền thông, cung cấp thông tin đầy đủ, chính xác, trung thực theo quy định của pháp luật về các dự án đầu tư theo hình thức hợp đồng BOT, giải thích và làm rõ sự cần thiết phải đầu tư dự án để tạo sự đồng thuận từ người dân, qua đó hỗ trợ kiểm tra, giám sát quá trình triển khai, thực hiện, vận hành và khai thác dự án.

Cuối cùng, thành phố sẽ rà soát tổng thể về vị trí đặt trạm, chính sách miễn giảm giá tại tất cả các trạm thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ và quản lý doanh thu chặt chẽ để có những giải pháp đồng bộ, kịp thời, thống nhất, bảo đảm hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, nhà đầu tư, người sử dụng và phương án án tài chính của dự án.

Bích Vân

Bài mới
Đọc nhiều