“Siêu doanh nghiệp” 144.000 tỷ đồng: Uống rượu, nhiều số quá nên viết nhầm số
Đây là chia sẻ của bà Phương – 1 trong 3 cổ đông có tên trong danh sách góp vốn của “siêu doanh nghiệp” 144.000 tỷ đồng.
Việc trong tháng 1/2020 vừa qua, một doanh nghiệp bí ẩn mang tên Công ty cổ phần Tư vấn Đầu tư quốc tế và Dịch vụ thương mại USC đã đăng ký kinh doanh với số vốn đăng ký lên đến 144.000 tỷ đồng nhận được sự quan tâm đặc biệt của dư luận.
Đáng chú ý hơn, trụ sở của doanh nghiệp có vốn cao hơn cả Tập đoàn Viettel và gấp 3 lần Tập đoàn Vingroup lại tọa lạc trên một ngôi nhà 3 tầng, nằm trong ngõ nhỏ của thôn Lai Xá, xã Kim Chung, huyện Hoài Đức.
Thông tin trên khiến không ít người bất ngờ, cho rằng đó chỉ là một doanh nghiệp đăng ký vốn ảo.
Mới đây, bà Kim Thị Phương, một trong ba cổ đông sáng lập công ty (đăng ký góp 43.200 tỷ đồng, chiếm 30% vốn điều lệ) đã chính thức lên tiếng về doanh nghiệp “siêu to khổng lồ này”.
Trả lời báo, bà Phương cho biết, hôm nay, bà đã tới Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Hà Nội để hủy hồ sơ, hủy công ty. “Tôi đi xin hủy bỏ hồ sơ, hủy bỏ công ty rồi. Giấy tờ đầy đủ rồi, thứ hai này ra là xong thôi. Khổ quá, mấy ông kia uống rượu vào, nhiều chữ số quá nên ghi nhầm vào đấy”, bà Phương chia sẻ.
Hôm qua, chia sẻ với báo chí, người đàn bà này cũng khẳng định, không hề biết đến việc lập công ty có vốn lên đến hàng trăm nghìn tỷ đồng mà bà nắm chức vụ kế toán trưởng.
Bản thân bà Phương làm đại lý phân phối nước khoáng khu vực Hà Nội cho một công ty có trụ sở ở Thái Bình. Gia đình bà không khá giả, thu nhập trông chờ vào việc làm đại lý phân phối này. “Ăn bữa nay lo bữa mai, ruộng vườn không có lấy đâu ra tiền mà góp vốn kinh doanh. Có ai gọi nước khoáng tôi ship cho họ. Mọi thu nhập của gia đình đều trông vào việc làm đại lý phân phối, buôn bán nước khoáng từ trường”, bà nói trên tờ Tuổi trẻ.
Không chỉ có bà Phương, 2 thành viên khác là người đại diện, cổ đông công ty ông Trần Gia Phong góp 43.200 tỷ đồng (chiếm 30%) và Nguyễn Hoàn Sơn (huyện Thuận Thành, Bắc Ninh) góp 57.600 tỷ đồng chiếm 40% vốn điều lệ cũng chỉ đi buôn gỗ, làm đại lý nước chứ không hề dư giả. “Chúng nó mở công ty để kêu gọi vốn đầu tư từ bên ngoài. Toàn ‘đít nhôm’ cả làm gì có xu nào. Cứ kê thế cho oai chứ làm gì có đồng nào mà góp vốn”.
Trước đó, Công ty cổ phần Tư vấn Đầu tư quốc tế và Dịch vụ thương mại USC đã đăng ký kinh doanh tại Cục đăng ký kinh doanh, Bộ Kế hoạch Đầu tư với số vốn đăng ký 144.000 tỷ đồng. Vì số vốn đăng ký rất lớn nên cán bộ Cục Quản lý đăng ký kinh doanh phải hỏi đi hỏi lại người đại diện doanh nghiệp xem có kê khai nhầm từ 1,4 tỷ đồng thành 144 nghìn tỷ đồng không.
Tuy nhiên, người đại diện doanh nghiệp này khẳng định không nhầm và cam kết sẽ góp đủ vốn trong 90 ngày theo quy định pháp luật.
Sự bất thường này đã được Cục Đăng ký kinh doanh đã gửi thông tin doanh nghiệp cho các cơ quan thuế, thanh tra. “Trường hợp này chúng tôi đã khoanh vùng ngay từ đầu để theo dõi”, Đại diện Cục Đăng ký kinh doanh phát biểu trên tờ VTC News.
Điều 28 Nghị định 50/2016/NĐ-CP quy định về việc Vi phạm các quy định về thành lập doanh nghiệp, hành vi không đăng ký thay đổi với cơ quan đăng ký kinh doanh khi không góp đủ vốn điều lệ như đã đăng ký sẽ bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 20 triệu đồng.
Khoản 1, Điều 46, Mục 4, của Nghị định 50 cũng quy định rõ: “Trường hợp phạt tiền từ 5 đến 10 triệu đồng đối với hành vi không huy động đủ, đúng thời hạn số vốn đã đăng ký”.
Trong vòng 90 ngày, kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp mà không huy động đủ vốn, doanh nghiệp cũng phải khắc phục hậu quả, bằng cách đăng ký điều chỉnh vốn điều lệ, tỷ lệ phần vốn góp, cổ phần của các thành viên, cổ đông bằng số vốn góp đối với hành vi vi phạm.
Họa Mi (tổng hợp)