+
Aa
-
like
comment

Siết chặt công tác quản lý an toàn thực phẩm trong mùa dịch Covid-19

05/09/2020 07:35

Bộ Công Thương và Bộ NNPTNT đang triển khai hàng loạt giải pháp nhằm tìm đầu ra ổn định cho nông sản thực phẩm, đưa hàng hóa an toàn đến với người tiêu dùng.

Khó khăn từ mùa dịch Covid-19

Dịch Covid-19 khiến ngành nông nghiệp TP.Hà Nội gặp khó khăn trong việc sản xuất, tiêu thụ nông sản. Để hỗ trợ nông dân, doanh nghiệp (DN), các hợp tác xã (HTX), các đơn vị liên quan đến ngành nông nghiệp ở Hà Nội mở rộng nhiều kênh tiêu thụ nông sản, thành lập chuỗi tiêu thụ hàng nông sản nhằm bảo đảm ổn định sản xuất, kinh doanh trong tình hình hiện nay.

Xác định đồng hành cùng nông dân, các HTX là trách nhiệm của chính mình và cũng để duy trì phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh, nhiều DN trên địa bàn đã nhanh chóng chuyển hướng hoạt động với những giải pháp linh hoạt, phù hợp với thực tế. Để tránh tập trung đông người, nhiều HTX bố trí cho xã viên, nông dân thay nhau sản xuất, thu hoạch để kịp thời vụ và đủ phục vụ người tiêu dùng. Nhằm giúp các sản phẩm nông sản dễ dàng tiêu thụ, đáp ứng nhu cầu của người dân Thủ đô, các DN, HTX dán tem QR Code để truy xuất nguồn gốc các loại nông sản, giúp người tiêu dùng an tâm về chất lượng hàng nông sản.

Giờ đây, hệ thống siêu thị mini và các chợ hiện đại dần thay thế “chợ cóc”, đảm bảo an toàn thực phẩm. Ảnh: V.L

Ở góc độ quản lý, ông Nguyễn Ngọc Sơn – Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội cho biết: Hiện trên địa bàn Hà Nội có 738 cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm; trong đó có 7 cơ sở giết mổ công nghiệp, 24 cơ sở tập trung, còn lại phần lớn là thủ công và nhỏ lẻ trong khu dân cư, chưa bảo đảm vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm, gây khó khăn trong công tác quản lý.

Thông thường mỗi ngày, HTX nông nghiêp hữu cơ Tàm Xá (xã Tàm Xá, huyện Đông Anh) tiêu thụ dễ dàng khoảng 2 tấn rau thông qua hệ thống siêu thị và các điểm bán hàng nhưng do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên số lượng rau củ của HTX tiêu thụ giảm nhiều. Ông Lê Đức Thắng – Phó Giám đốc HTX nông nghiệp hữu cơ Tàm Xá, cho biết: “Các thành viên HTX mong muốn đưa những sản phẩm rau củ sạch đến tận tay người tiêu dùng. Vì vậy, cần có nhiều những chuỗi liên kết thì càng tốt, nhất là trong thời gian dịch bệnh như thế này”.

Theo bà Lê Việt Nga – Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương), đến thời điểm này, cả nước có trên 5.000 siêu thị, cửa hàng tiện lợi phân phối thực phẩm an toàn để phục vụ người tiêu dùng, đảm bảo mục tiêu hiện đại hóa hạ tầng thương mại, được Thủ tướng Chính phủ đánh giá cao, do đảm bảo nguồn gốc xuất xứ và hỗ trợ công tác truy xuất nguồn gốc.

Bên cạnh đó, hệ thống hơn 8.500 chợ truyền thống cũng được Chính phủ, Bộ Công Thương và UBND các tỉnh, thành phố quan tâm triển khai nhiều biện pháp đảm bảo an toàn thực phẩm.

Đến nay, đề án xây dựng chợ an toàn thực phẩm đã được Bộ Công Thương triển khai tại 62/63 tỉnh, thành phố, đã có 66 chợ được xây dựng mô hình thí điểm.

“Đặc biệt, từ năm 2018, sau khi ban hành Nghị định 15/2018/NĐ-CP, trách nhiệm đảm bảo an toàn thực phẩm tại các chợ truyền thống đã được giao cho UBND các tỉnh, thành phố. Các địa phương đã dành nhiều nguồn lực cho hạng mục này, kêu gọi xã hội hóa công tác xây dựng hạ tầng chợ truyền thống. Đến nay, hơn 125 chợ truyền thống được xây dựng trên cả nước, tạo điều kiện phân phối và phát luồng nông sản an toàn đến người tiêu dùng” – bà Lê Việt Nga cho biết.

Theo Cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản (Bộ NNPTNT), thời gian qua, các cơ quan chức năng đã tổ chức lấy mẫu giám sát đối với các sản phẩm chủ lực, tiêu dùng nhiều, nguy cơ cao, kịp thời phát hiện, cảnh báo, truy xuất, xử lý 7 trong số 1.054 mẫu thủy sản nuôi và thủy sản chế biến vi phạm chỉ tiêu an toàn thực phẩm (chiếm 0,67%), giảm so với cùng kỳ năm 2019 (1,42%).

Có 87 trong số 812 mẫu thịt gia súc, gia cầm tại cơ sở giết mổ và kinh doanh nhiễm vi sinh vật (chiếm 10,71%), giảm so với cùng kỳ năm 2019 (29,61%); 3 trong số 1.074 mẫu thịt lợn, thịt và trứng gia cầm tại cơ sở giết mổ và kinh doanh nhiễm hóa chất, kháng sinh (chiếm 0,27%), giảm so với 6 tháng đầu năm 2019 (0,7%).

Đặc biệt, qua kiểm tra, thanh tra, cơ quan chức năng không phát hiện chất cấm Salbutamol, Clenbuterol (chất tạo nạc, làm cho lợn nở nang, tăng trọng nhanh, nhất là tăng lượng nạc); trong gần 1.000 mẫu thịt lợn không phát hiện thuốc an thần Acepromazine…

Tuy nhiên, theo Bộ NNPTNT, ở một số tỉnh, thành phố việc giám sát, kiểm tra chưa kịp thời bởi tình trạng sản xuất, kinh doanh nhỏ lẻ, tạm thời.

Bài mới
Đọc nhiều