SGK của GS Hồ Ngọc Đại bị loại: Người loại nói gì?
Theo Hội đồng thẩm định, sách của GS Hồ Ngọc Đại có những yêu cầu quá cao, hàn lâm, hoặc không cần thiết đặt ra với học sinh lớp 1.
Yêu cầu quá cao, không cần thiết
Thông tin sách công nghệ Tiếng Việt 1 và Toán của GS Hồ Ngọc Đại bị Hội đồng quốc gia thẩm định sách giáo khoa đánh giá “không đạt” ngay từ vòng 1 đang thu hút sự quan tâm của dư luận bởi bộ sách này đã được sử dụng trong 40 năm qua và hiện có hơn 930.000 học sinh theo học.
Trao đổi với báo chí ngày 12/9 về nguyên nhân bộ sách của GS Hồ Ngọc Đại bị loại ngay từ vòng 1, GS Trần Đình Sử, Chủ tịch Hội đồng thẩm định môn tiếng Việt cho biết, điều kiện tiên quyết để đánh giá SGK là cuốn sách ấy phải được soạn theo nội dung, mục tiêu của chương trình giáo dục phổ thông mới.
“Mọi bộ SGK đang được thẩm định đều có quyền bình đẳng như nhau”, báo Thanh niên dẫn lời GS Sử nhấn mạnh.
Lấy ví dụ cụ thể từ sách Tiếng Việt 1 – Công nghệ của GS Hồ Ngọc Đại, GS Sử nêu: “Chương trình mới với môn tiếng Việt lớp 1 yêu cầu dạy học sinh 4 kỹ năng nghe nói đọc viết, phân biệt được các trường hợp chính tả, biết viết những câu đơn giản, biết kể chuyện,… nhưng sách của GS Đại chủ yếu là dạy âm, chữ, dạy quy tắc chính tả. Sách có những ưu điểm nhưng những mặt khác mà chương trình yêu cầu thì không có.
Bên cạnh đó, lại có những yêu cầu quá cao, hàn lâm hoặc không cần thiết đặt ra với học sinh lớp 1. Và như vậy là vượt quá yêu cầu của chương trình”.
Theo GS Sử, thành viên của hội đồng thẩm định có những giáo viên đang trực tiếp dạy lớp 1, có người là hiệu trưởng, trưởng phòng giáo dục tiểu học ở những nơi đang sử dụng sách tiếng Việt 1 – Công nghệ, nhưng họ đều chỉ ra những bất hợp lý khi dạy theo sách này.
“Do vậy, không phải ngẫu nhiên mà cả 15/15 thành viên Hội đồng thẩm định đều đánh giá là chưa đạt với cuốn sách ấy”, GS Sử khẳng định.
Nguyên nhân thứ hai khiến sách của GS Hồ Ngọc Đại bị loại, do ông nộp bản thảo giống như sách cũ, chỉ viết thêm một quyển tự học. Nếu sách của chương trình mới là 430 tiết, sách của GS Đại chỉ có 70 tiết.
“Đó là bộ sách vá víu, chúng tôi không thể chấp nhận được vì chúng ta phải có trách nhiệm với học trò. GS Hồ Ngọc Đại phải tôn trọng chương trình mới của Bộ GD-ĐT. Nếu đáp ứng sách của GS Đại thì chủ trương phải là nhiều chương trình, nhiều SGK. Trong khi đó hiện tại chúng ta đang thực hiện một chương trình, nhiều bộ SGK”, GS Sử nói.
Báo Dân trí dẫn lời GS.TS Mai Ngọc Chừ – thuộc Hội đồng thẩm định SGK Tiếng Việt lớp 1 cho biết thêm, chương trình mới bao gồm nhiều yếu tố về giáo dục toàn diện, bảo vệ môi trường, bình đẳng giới chứ không phải chỉ có việc dạy viết, đánh vần.
Theo ông, sách của GS Hồ Ngọc Đại dạy “một mớ kiến thức không cần thiết về ngữ âm”. “Một số giáo viên chia sẻ với chúng tôi, để dạy tốt được, công việc của họ phải tăng rất nhiều. Ban ngày dạy ở trường nhưng ban đêm phải bổ sung kiến thức của SGK hiện hành, tăng thêm giờ làm việc 2-3 lần. Các thầy cô cũng cho rằng sách có tính mở nhưng giáo viên phải dạy như cái máy.
Những câu thành ngữ, tục ngữ như bé xé ra to, con cà con kê, trăm thứ bà giằng, vắt chanh bỏ vỏ… là kiến thức khó. Học sinh phải tiếp cận với kiến thức ngôn ngữ học, khái niệm âm đệm, nguyên âm đôi. Theo Hội đồng thẩm định, kiến thức này là quá sức với học sinh lớp 1, trong khi nguyên tắc của chương trình mới là giảm tải nội dung khó, nâng cao”.
PGS Trần Kiều, thành viên của Hội đồng thẩm định SGK lớp 1, khẳng định cuốn sách của GS Đại có những nội dung rất hay, nhưng không phải tất cả đều thế, và đặc biệt là không bám theo chương trình giáo dục phổ thông mới. Hầu như lấy nguyên sách hiện hành để gửi thẩm định.
“Tôi mong GS Hồ Ngọc Đại sẽ bám theo chương trình giáo dục phổ thông mới để sửa, viết lại. Bộ chắc chắn sẽ mong đợi điều đó. Còn với sách gửi thẩm định như vừa qua, thì tôi cho rằng Bộ GD-ĐT không thể thay chương trình để đi theo bộ sách của GS Đại được”, PGS Trần Kiều chia sẻ.
Không bất ngờ
Trong khi đó, nói về việc bộ SGK lớp 1 – công nghệ giáo dục của mình bị loại ngay vòng đầu, GS Hồ Ngọc Đại cho biết mình không bất ngờ và quyết không sửa để nộp lại.
Trả lời câu hỏi của phóng viên Thanh Niên về việc làm thế nào để bộ sách giáo khoa của ông có thể “sống” tiếp sau khi đã bị loại khỏi vòng thẩm định, GS Hồ Ngọc Đại khẳng định: “Cuộc sống này không có tình huống nào không có lối thoát, chân lý tồn tại chứ. Tôi dự cuộc làm việc với hội đồng thẩm định công bố kết luận, chủ tịch hội đồng hỏi tôi có ý kiến gì không, tôi bảo, không tôi về”.
GS Đại trầm ngâm hồi lâu rồi nói tiếp: “Việc này giờ không phải việc của tôi nữa rồi. Cuốn sách giáo khoa tiếng Việt Công nghệ 1 thời Bộ trưởng Phạm Vũ Luận chủ động nói với tôi là cuốn sách tốt quá và muốn nhân rộng. Nhưng tôi thấy anh ấy lúng túng, tôi hiểu là không có tiền. Tôi nói luôn: “Tôi cho không đấy” bởi vì tôi ăn lương nhà nước năm chục năm để tôi làm ra bộ sách ấy, nên nó là tài sản nhà nước chứ không phải tài sản của tôi. Do vậy, cá nhân tôi không thể xử lý được. Đó là việc của nhà nước, của chính quyền của cơ quan quản lý giáo dục”.
“Tôi thanh thản! Còn ý kiến cá nhân tôi cho rằng biểu quyết của tập thể không phải lúc nào cũng đúng. Điều quan trọng là nghe cái gì, nghe ai, ai nói”, ông nói và cười.
Khi được hỏi liệu ông có chỉnh sửa phù hợp hơn để tiếp tục thẩm định sau này, GS Hồ Ngọc Đại khẳng định: “Tôi sẽ không sửa để nộp lại. Nếu nói điều chỉnh có nghĩa là tôi không cẩn thận, không tính toán. Tôi không điều chỉnh gì hết vì đó là công trình tôi nghiên cứu cả một đời.
Tôi đã phải làm thực nghiệm mấy chục năm rồi và nghiên cứu mới điều chỉnh. Tôi dạy phép toán đại số cho học sinh lớp 1, hệ đếm, phép toán trên tập hợp. Đối với các vị là cao nhưng trẻ con chấp nhận được. Chúng chấp nhận được thì tôi tin. Tôi sẽ quyết liệt với phương pháp giáo dục hiện nay”.
Minh Thái/Đất Việt