SEA Games 30: Hai vận động viên tại Philippines đi toilet chung buồng ?
Dù không phổ biến như Olympics hoặc World Cup, nhưng Thế vận hội Đông Nam Á (SEA Games) vẫn là một sự kiện lớn trong khu vực này.
SEA Games được xem như một cách thể hiện khát vọng và tầm nhìn của nước chủ nhà cũng như chuẩn bị cho các vận động viên cho các cuộc thi toàn cầu lớn hơn. Nhưng có vẻ như mọi thứ không ổn chút nào cho chủ nhà năm nay, Philippines.
Công tác xây dựng, tổ chức SEA Games 30 đã gây nhiều tranh cãi, cùng với những cáo buộc chi tiêu bất thường, cơ sở vật chất chưa hoàn thành và đối xử tệ với các vận động viên.
Mạng xã hội được một phen ồn ào với hình ảnh của các vận động viên phải ngủ trên sàn hoặc trên băng ghế sân bay vì lỗi hậu cần. Hashtag #SEAGamesFail cũng bắt đầu trở nên phổ biến.
Trưởng đoàn Singapore, Juliana Seow, đã viết một lá thư khiếu nại đến ban tổ chức, kêu gọi họ giải quyết “vấn đề cơ bản”, nhắc tới việc đồ ăn nguội lạnh và thiếu thức ăn halal cho các vận động viên Hồi giáo của họ.
Trên Twitter, một đoạn video quay nhà vệ sinh trong một sân vận động vừa được cải tạo ở Manila cho thấy các công nhân đã lắp hai bồn cầu vào chung một buồng.
Video đã có hàng trăm ngàn lượt xem.
Nhưng Ủy ban Thể thao Philippines đã cáo buộc nhà báo địa phương Angel Movido, làm việc cho ABS-CBN, đăng video giả mạo. Họ nói video đã được quay “một thời gian trước”.
Các cáo buộc trong tuần này đã khiến chính phủ Philippines “không hài lòng”, Tổng thống Rodrigo Duterte đã ra yêu cầu điều tra sau khi SEA Games kết thúc.
Chủ tịch ủy ban tổ chức của SEA Games là Alan Peter Cayetano, người đồng hành của ông Duterte trong cuộc bầu cử năm 2016 và hiện tại là Chủ tịch Quốc hội.
Ông Cayetano đã xin lỗi vì “sự bất tiện” đối với các vận động viên nhưng lại xem nhẹ các phản ánh của truyền thông về sự hỗn loạn trong công tác chuẩn bị.
Ông Cayetano nói rằng các vấn đề trong việc thông qua ngân sách quốc gia Philippines là một phần nguyên nhân cho những hỗn loạn.
SEA Games sẽ chính thức khai mạc vào 30/11, những các cãi vã đã nổ ra từ khi một thượng nghị sĩ phe đối lập đặt câu hỏi về việc ‘chơi ngông’ của ban tổ chức: chi 900.000 đôla để xây tháp đuốc SEA Games lần này.
Lãnh đạo thiểu số Thượng viện Franklin Drilon cho biết số tiền trên có thể xây được khoảng 56 phòng học thay vì xây dựng một cái vạc sẽ chỉ được dùng một lần.
Ông Cayetano bảo vệ việc chi tiền cho tháp đuốc, gọi đó là một “tác phẩm nghệ thuật” và cũng nhắc rằng Singapore đã chi 1,2 triệu đô la cho tháp đuốc của họ khi tổ chức SEA Games năm 2015.
Tuần này các nhà báo cũng đã phàn nàn về một hệ thống cấp thẻ sự kiện.
“Tôi đã gửi yêu cầu của mình hơn hai tháng trước và được xác nhận trên máy tính là ‘đã nộp’, kèm hai email, nhưng đến giờ tôi vẫn chưa nhận được thẻ sự kiện chính thức.”
“Vào thứ Tư, khi đến trung tâm báo chí ở Manila để giải quyết vấn đề này, tôi được cho biết công tác in ấn bị tồn đọng khiến việc cấp thẻ cho tôi bị trì hoãn.”
“Tôi được trao hai thẻ tác nghiệp, mỗi thẻ chỉ được dùng trong một ngày, để đưa tin suốt hai tuần diễn ra SEA Games và được thông báo rằng tôi sẽ phải quay lại làm việc với cơ quan cấp phép nếu tôi muốn có thêm thẻ để đưa tin nhiều sự kiện hơn.
Tôi đến thăm Sân vận động Rizal, nơi mới được tân trang trước trận đấu bóng đá Philippines gặp Myanmar.
Giống như trong Thế vận hội Olympic, môn bóng đá bắt đầu trước lễ khai mạc vì số lượng trận đấu khá nhiều.
Mặc dù đó là một ngày thi đấu, tôi có thể thấy công việc xây dựng vẫn đang diễn ra.
Mặt sân và bề ngoài sân vận động có vẻ tốt, nhưng trong hành lang nơi các đội bước ra trước trận đấu, hai công nhân vẫn đang hối hả cắt và trải thảm.
Biển tên phòng thay đồ cho đội tuyển bóng đá quốc gia Philippines được in trên giấy A4 trong khi bậc tam cấp được phủ bằng bìa các tông.
Đi vào sâu hơn, chúng tôi bước vào một phòng thay đồ vẫn đang xây dở dang. Dây điện vắt quanh trần nhà và các bức tường chưa ốp gạch vẫn ướt bởi xi măng tươi.
Ở Philippines, một thuộc địa cũ của Mỹ, người dân có đam mê lớn với quyền anh và bóng rổ. Ngược lại, đội bóng đá của nước này, The Azkals, nhận được rất ít quan tâm.
Còn tại Đông Nam Á nói chung, bóng đá đang phát triển mạnh, nhiều cầu thủ quốc gia trở thành ngôi sao trên mạng xã hội.
Cũng chính vì lý do này mà hình ảnh của các cầu thủ Đông Timor và Campuchia phải vạ vật vì sự chậm trễ trong đón tiếp đã được chia sẻ rộng rãi trong khu vực.
Sau chuyến thăm sân vận động, tôi đã nói chuyện với người phát ngôn của ông Duterte, Salvador Pane.
Ông nói với tôi rằng các vận động viên không có gì phải bận tâm.
“Sự chậm trễ với việc vận chuyển và kiểm tra là bình thường”, ông Panelo nói.
“Đó là việc có thê xảy ra xuất hiện hàng ngày ở bất kỳ nơi nào trên thế giới. Nhưng đối với một số trường hợp nhất định, ban tổ chức đã xin lỗi và cam kết sẽ làm tốt hơn vào lần tới.”
Ông Panelo cũng nói rằng một số bài báo về các vấn đề chuẩn bị là “tin giả”, không chính xác.
Vậy, liệu SEA Games này có phải là một chương trình cho thấy các thế mạnh của Philippines? Một sự phản ánh đúng về sự cai trị của Tổng thống Duterte?
“Không nhất thiết,” ông Panelo nói.
“Tổng thống đang thực hiện cực kỳ tốt vài trò nhà lãnh đạo đất nước này, một số sự thể hiện kém hơn mong đợi [trước khi SEA Games khai mạc] không phải là một phản ánh toàn cảnh về năng lực của tổng thống.”
Howard Johnson, Manila