Sẽ xem xét, xử lý những lùm xùm liên quan tới từ thiện trong thời gian tới
Về những lùm xùm từ thiện trên mạng xã hội, Viện trưởng VKS Nhân dân Tối cao Lê Minh Trí nhấm mạnh sắp tới cơ quan điều tra, viện kiểm sát và tòa án sẽ thống nhất để xem xét hành vi sử dụng mạng xã hội để gây mất trật tự an toàn xã hội, thuần phong, mỹ tục, gây phản cảm trong dư luận.
Sáng 24/10, Quốc hội tiếp tục thảo luận trực tuyến về các báo cáo công tác của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao; công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật; công tác thi hành án; công tác phòng, chống tham nhũng năm 2021 và dự thảo Nghị quyết về tổ chức phiên tòa trực tuyến.
Trước ý kiến của một số ĐBQH về hành vi tranh chấp, xung đột trong hoạt động từ thiện; hành vi lợi dụng mạng để gây mất trật tự an toàn xã hội, thuần phong mỹ tục, gây phản cảm, Viện trưởng VKS Nhân dân Tối cao Lê Minh Trí nhấn mạnh: “Theo Điều 331 của Luật Hình sự, đó là tội lợi dụng quyền tự do dân chủ, xâm phạm lợi ích nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức và cá nhân. Thời gian sắp tới chắc cơ quan điều tra, kể cả viện kiểm sát và tòa sẽ thống nhất với nhau để xem xét những hành vi này và phải xử lý để đảm bảo trật tự, kỷ cương của xã hội”.
Trước đó, đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Phan Thái Bình (Quảng Nam) đã đề cập đến những tranh chấp, chia phe nói xấu lẫn nhau trên mạng hoạt động nhân đạo, từ thiện trong kêu gọi từ thiện trong phòng chống thiên tai vừa qua. Theo ông Bình, những việc làm này gây ảnh hưởng an ninh trật tự, ảnh hưởng thuần phong mỹ tục, văn hóa truyền thống của dân tộc.
“Đề nghị cơ quan chức năng, đặc biệt là cơ quan điều tra và cơ quan tư pháp vào cuộc mạnh mẽ, kịp thời, làm rõ để trả lời cho công luận, cho cử tri là ai đúng ai sai. Từ đó có giải pháp, đặc biệt là kiến nghị Chính phủ, Quốc hội có hành lang pháp lý một cách minh bạch, rõ ràng để làm tốt hơn công tác nhân đạo, từ thiện trong thời gian tới, đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội, chứ không thể để diễn ra dai dẳng như thế mà không có câu trả lời cuối cùng”, đại biểu Phan Thái Bình cho biết.
Trong phần giải trình của mình, Viện trưởng VKS Nhân dân Tối cao Lê Minh Trí cũng đề cập tới vấn đề thu hồi tài sản tham nhũng, thất thoát. Theo ông Trí, thời gian qua, với chủ trương của Đảng và quyết tâm chính trị, các cơ quan tố tụng được yêu cầu làm tốt hơn nữa công tác thu hồi tài sản tham nhũng thất thoát của nhà nước. Trong thực tế, những năm gần đây, chúng ta làm tốt hơn, tích cực hơn nhưng chưa hài lòng so với yêu cầu bởi cái số mất so với số thu hồi chưa tương xứng.
“Vấn đề đặt ra ở đây là kể cả chúng ta có quyết tâm kê biên, thu hồi vẫn phải tuân theo pháp luật hiện này. Không phải lúc nào chúng ta cũng có thể kê biên, niêm phong tài sản. Nếu kê biên, niêm phong không đúng, sẽ phải bồi thường”, Viện trưởng VKSND Tối cao Lê Minh trí cho biết và đề nghị Quốc hội tiếp tục rà sát và hoàn thiện pháp luật.
Ông Trí đề nghị Quốc hội xây dựng luật Đăng ký tài sản do vẫn còn khoảng trống trong việc kê biên tài sản. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt để dễ dàng xác định nguồn gốc tài sản và có cơ sở để thu hồi, tránh tình trạng các đối tượng tẩu tán tài sản trong quá trình điều tra.
Theo ĐBQH Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp), năm 2021, dưới sự tác động của dịch Covid-19, tội phạm có loại tăng loại giảm. Với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, các ngành tư pháp phối hợp với hệ thống chính trị cùng toàn dân tham gia, công tác đấu tranh, phòng chống tội phạm, vi phạm pháp luật đã đạt nhiều kết quả tích cực, bảo đảm tuyệt đối an toàn các sự kiện trọng đại của đất nước. “Đặc biệt các ngành các chủ động, kết hợp với ngành Công an điều tra làm rõ các vụ án gây bức xúc dư luận, công tâm, khách quan, không bỏ sót tội phạm. Chất lượng điều tra phá án ngày được nâng lên, chuyên nghiệp hơn, tỉ lệ điều tra phá án cao hơn chỉ tiêu Quốc hội giao.
Vẫn theo ĐB Hòa, tình hình sắp tới sẽ “sống chung an toàn” với dịch Covid-19, tội phạm dự báo sẽ tiếp tục phát sinh ở các lĩnh vực, vì vậy cần có sự quyết tâm phòng ngừa, ngăn chặn, xử lý nghiêm. Tình hình tham nhũng, tiêu cực, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong khu vực hành chính, dịch vụ công; lợi ích nhóm, “sân sau” vẫn còn phổ biến.
“Để việc phòng ngừa, ngăn chặn đạt hiệu quả, đề nghị tăng cường tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật cho công chức, viên chức và người lao động để “không dám, không muốn, không ham” tham nhũng. Tăng cường thanh tra, kiểm toán, giám sát các lĩnh vực nhạy cảm dễ phát sinh tham nhũng. Nhất là thời gian gần đây xảy ra những sai phạm trong mua sắm thiết bị y tế, vấn đề liên quan gói hỗ trợ an sinh xã hội, đóng góp của nhân dân trong công tác từ thiện”, ĐBQH Phạm Văn Hòa nói.
Tùng Lâm